Thúc giải ngân vốn đầu tư công

H.Hương 10/05/2022 07:15

Chính phủ vừa thành lập 6 tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2022; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng mới đây cũng đã kiến nghị Chính phủ phê bình các địa phương chậm giải ngân vốn đầu tư công… Hàng loạt quyết sách đã được đưa ra nhằm thúc giải ngân vốn đầu tư công.

Cao tốc Hà Nội - Bắc Giang. Ảnh: Quang Vinh.

“Trị bệnh” giải ngân chậm

Không phải ngẫu nhiên mà tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương về tình hình kinh tế - xã hội và giải ngân vốn đầu tư công mới đây, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã kiến nghị Chính phủ phê bình 13 bộ, cơ quan trung ương và 21 địa phương chưa phân bổ hết kế hoạch năm 2022 được giao; 29 bộ, cơ quan trung ương chưa giải ngân kế hoạch vốn năm 2022.

Đồng thời, yêu cầu các bộ, địa phương này kiểm điểm rút kinh nghiệm, làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan, trên cơ sở đó đề ra giải pháp phù hợp phân bổ và giải ngân trong thời gian tới. Căn nguyên do dâu?

Bệnh chậm giải ngân vốn đầu tư công vốn đã nói hoài, nói mãi… song vẫn không có chuyển biến gì. Giải ngân vốn đầu tư công được cho là một trong những "mắt xích" quan trọng để nhanh chóng phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội năm 2022.

Trong đó, đầu tư công tại các dự án giao thông trọng điểm quốc gia sẽ là “vốn mồi” dẫn dắt, thu hút nguồn vốn của các khu vực kinh tế khác và toàn xã hội. Tuy nhiên, thực tế cho thấy tốc độ giải ngân nguồn vốn này trong những tháng đầu năm vẫn ì ạch.

Để “trị” căn bệnh kinh niên này, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập 6 tổ công tác nhằm kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc với mục tiêu đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2022. Theo đó, các tổ công tác này chịu trách nhiệm kiểm tra, đốc thúc tình hình giải ngân vốn đầu tư công tại các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đến ngày 30/4/2022 chưa phân bổ hết kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 được giao, cũng như có tỷ lệ giải ngân dưới mức trung bình của cả nước (18,48%).

Báo cáo mới nhất từ Bộ Tài chính cũng như Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết việc giải ngân kế hoạch vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước năm 2022, đến cuối tháng 4 chỉ mới đạt 18,48% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2021 (18,65%); trong đó, vốn trong nước đạt 19,57%, vốn nước ngoài đạt 3,25%. Có 43/51 bộ và 28/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 17%, trong đó có 17 bộ chưa giải ngân kế hoạch vốn.

Nguyên nhân chậm giải ngân kế hoạch vốn năm 2022 là do các chủ đầu tư của một số Bộ, ngành, địa phương chưa quyết liệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện giải ngân vốn đầu tư công; các dự án khởi công mới đang thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà thầu tư vấn, đang lập thiết kế bản vẽ thi công và tổng dự toán nên chưa giải ngân kế hoạch vốn được giao; một số dự án gặp vướng mắc trong giải phóng mặt bằng.

Gọi tên dự án, gọi tên địa phương

Không quá khó để kể ra các dự án đầu tư công chậm tiến độ, tốc độ giải ngân không cao.

Chẳng hạn dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 đến nay mới giải ngân được 1.506,648 tỷ đồng, đạt 8,9% kế hoạch năm 2022 (16.865,645 tỷ đồng). Trong đó, có 2 dự án thành phần đang thi công rất chậm so với kế hoạch đề ra.

Dự án BOT Diễn Châu - Bãi Vọt lũy kế khối lượng thực hiện mới đạt 1,81%, chậm 6,79% so với kế hoạch đề ra. Còn đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết lũy kế khối lượng thực hiện mới đạt 28,4%, chậm 8,89% so với kế hoạch đề ra.

Tại hợp phần Vĩnh Hảo - Phan Thiết, theo kế hoạch, phải hoàn thành 100,8 km vào cuối năm nay, nhưng đến thời điểm này mới thực hiện được trên 32% giá trị hợp đồng, chậm tiến độ khoảng 4 tháng so với kế hoạch ban đầu và chậm khoảng 2 tháng so với kế hoạch điều chỉnh.

Trên thực tế, việc tăng chi đầu tư xây dựng cơ bản sẽ tạo ra tác động kép cần thiết đối với nền kinh tế. Theo ước tính tại Việt Nam, khi giải ngân đầu tư công tăng thêm 10%, tăng trưởng GDP sẽ tăng thêm 0,6%. Ngân hàng thế giới khuyến nghị Việt Nam cần tối ưu hóa đầu tư công, coi đây chính là giải pháp kích thích tài khóa.

Trong lộ trình phục hồi kinh tế hậu Covid-19, nhiệm vụ cốt lõi là tập trung vào các dự án lớn nhằm tăng cường tính kết nối theo các trục giao thông xương sống và phát triển mạng lưới vận tải đa phương thức.

Giới chuyên gia cũng cho rằng, đầu tư công vào các dự án cơ sở hạ tầng lớn như xây dựng đường cao tốc, xây dựng đường sắt đô thị để tăng tính kết nối giữa các vùng thúc đẩy hoạt động sản xuất trở lại một cách nhanh nhất.

Do vậy việc giải ngân vốn đầu tư công cần phải được chú trọng và đốc thúc. Đặc biệt, một cấu phần rất quan trọng chiếm tỷ lệ đến 1/3 trong chương trình phục hồi nền kinh tế (nguồn lực vốn 350 nghìn tỷ đồng) dành cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng. Bởi vậy, công tác giải ngân vốn đầu tư công cần phải thực hiện một cách có trách nhiệm.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) đánh giá rất cao các giải pháp mà Chính phủ đưa ra để đẩy mạnh tốc độ giải ngân vốn đầu tư công, kèm với đó là việc phải chỉ rõ dự án nào chậm, địa phương nào chậm.

“Không thể khen chung chung, cũng không thể nhắc nhở chung chung. Khi gọi tên dự án, gọi tên địa phương buộc lãnh đạo địa phương phải lên tiếng” - ông Thịnh nhấn mạnh.

Việc giải ngân vốn đầu tư công cần phải được chú trọng và đốc thúc.

Mạnh tay siết kỷ luật, kỷ cương

Cùng với sự quyết liệt của Chính phủ, nhiều bộ, ngành, địa phương cũng có rất nhiều giải pháp mạnh tay để thúc tiến độ giải ngân vốn đầu tư công trong thời gian gần đây.

Chẳng hạn, Bộ Giao thông vận tải đã chỉ đạo các ban quản lý dự án mạnh tay cắt chuyển khối lượng của các nhà thầu thi công yếu kém và sẽ xử lý nhà thầu vi phạm nếu tiến độ không được cải thiện.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cũng đã yêu cầu các sở, ngành, địa phương đẩy nhanh kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công năm 2022, trường hợp nào chậm, phải có trách nhiệm đẩy nhanh tiến độ để “bù” phần đã chậm, làm sao đến cuối quý II, đảm bảo đúng kế hoạch đã được phê duyệt.

Năm 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng, tiếp tục tạo nền tảng để cả nước thực hiện các mục tiêu của kế hoạch 5 năm 2021-2025. Đồng thời, lượng vốn cần giải ngân trong năm 2022 là khá lớn, ngoài số vốn kế hoạch năm đã được Quốc hội quyết nghị còn một lượng vốn bổ sung từ nguồn vốn thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết: “Lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương phải coi việc giải ngân vốn đầu tư công là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm của năm 2022 và phải chịu trách nhiệm toàn diện trước Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về việc chậm giải ngân, gây lãng phí”.

Để đưa toàn bộ lượng vốn đầu tư công năm 2022 vào nền kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị thực hiện một số giải pháp. Theo đó, các bộ, địa phương giải ngân chậm cần kiểm điểm rút kinh nghiệm, làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan, trên cơ sở đó đề ra giải pháp phù hợp phân bổ và giải ngân trong thời gian tới.

Đồng thời, các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương tập trung triển khai quyết liệt các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công: Đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc liên quan đến đất đai, tài nguyên; Đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ thi công; thực hiện nghiệm thu, lập hồ sơ thanh toán ngay khi có khối lượng; Rà soát, điều chuyển kế hoạch vốn giữa các dự án chậm giải ngân sang các dự án có tiến độ giải ngân tốt, còn thiếu vốn; Thực hiện đấu thầu qua mạng theo quy định, bảo đảm công khai, minh bạch, lựa chọn nhà thầu đủ năng lực...

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Đức Kiên:

Vốn đầu tư của Nhà nước sẽ là vốn mồi

Vốn đầu tư của Nhà nước sẽ là vốn mồi thu hút các doanh nghiệp trong nước có đủ điều kiện, đủ năng lực tài chính tham gia các thành phần của các dự án lớn.

Chính phủ thực hiện vai trò định hướng những hạng mục nào phân bổ tới doanh nghiệp, đồng thời, các doanh nghiệp có thể tự liên kết với nhau để triển khai, đáp ứng yêu cầu của dự án cũng như Chính phủ.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long:

Phải sát sao trong giám sát, chế tài xử phạt nghiêm

Để thúc đẩy giải ngân đầu tư công hiệu quả, nhanh chóng, Nhà nước cần thanh tra, kiểm tra, giám sát, có chế tài xử phạt nghiêm những cá nhân, tổ chức gây đình trệ, chậm giải ngân.

Nhưng, thúc đẩy đầu tư công nhằm tăng trưởng kinh tế không phải bằng mọi giá, vẫn phải tuân thủ đúng Luật Đầu tư công, làm sao giải ngân phải thực sự có hiệu quả, tránh hiện tượng lợi dụng cơ hội này gây thất thoát lãng phí tổn hại tiền ngân sách Nhà nước.

Với rất nhiều thông điệp mạnh mẽ, kỳ vọng đầu tư công sẽ có những bứt phá để thúc đẩy GDP đạt kết quả cao nhất.

M.Sang(ghi)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thúc giải ngân vốn đầu tư công