Đến thời điểm này, giải ngân vốn đầu tư công mới đạt hơn 34% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái.
Tốc độ giải ngân vẫn chậm
Lũy kế 7 tháng, chi đầu tư phát triển ước đạt khoảng 232,1 nghìn tỷ đồng, bằng 34,3% dự toán Quốc hội quyết định, bằng 34,68% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, giảm 8,4% so cùng kỳ năm ngoái (cùng kỳ năm 2023 giải ngân đạt 253,4 nghìn tỷ đồng, bằng 37,85% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao).
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nguyên nhân giải ngân chậm là do công tác tổ chức thực hiện tại các bộ, ngành và địa phương còn nhiều bất cập. Cùng mặt bằng pháp lý, có bộ, cơ quan trung ương, địa phương giải ngân tốt nhưng vẫn có những bộ, cơ quan trung ương, địa phương có tỷ lệ giải ngân chưa tốt. Trong một số thời điểm, tại một số dự án, một số bộ, ngành, địa phương chưa thực sự quyết liệt.
Chuyên gia kinh tế - TS Bùi Trinh (Trường Đại học FPT) cho rằng: Công tác chuẩn bị đầu tư chưa tốt, dẫn đến dự án chưa đủ điều kiện giao vốn; thủ tục phê duyệt chủ trương đầu tư, phê duyệt dự án mất nhiều thời gian, nhất là thủ tục phê duyệt thiết kế, đấu thầu, giải phóng mặt bằng; khó khăn trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng do vướng mắc về xác định giá đất, phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, chồng chéo giữa quy hoạch sử dụng đất và các quy hoạch xây dựng, quy hoạch ngành... Ngoài ra, năng lực một số nhà thầu tư vấn còn yếu kém dẫn đến chất lượng công tác tư vấn, hồ sơ còn hạn chế.
Những giải pháp trọng tâm
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành chỉ thị yêu cầu các bộ, ngành, địa phương triển khai giải pháp trọng tâm đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2024.
Chỉ thị nêu rõ: Năm 2024 phải là năm bứt phá trong giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt trên 95% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, tạo tiền đề thuận lợi hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 và phấn đấu đến hết năm 2025 hoàn thành ít nhất 3.000km đường bộ cao tốc. Để đạt được mục tiêu trên, Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương và địa phương triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như: Đẩy nhanh tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án; Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, xác định công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng là nút thắt trong triển khai dự án cần phải tập trung tháo gỡ; Ưu tiên bố trí đủ kinh phí để thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng đối với phần diện tích có đủ điều kiện; không để tình trạng dự án chờ mặt bằng, đặc biệt là các dự án quan trọng quốc gia, dự án cao tốc, trọng điểm...
Các tổ chức chính trị - xã hội tham gia tuyên truyền vận động nhân dân trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2024. Bên cạnh đó, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương cần tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan đến đất đai, tài nguyên; tăng cường tần suất kiểm tra dự án để chấn chỉnh ngay các tồn tại, bất cập, đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công, kiên quyết xử lý nghiêm khắc các chủ đầu tư, Ban quản lý dự án, tổ chức, cá nhân cố tình gây khó khăn, cản trở, thiếu trách nhiệm làm chậm tiến độ giao vốn, điều chỉnh vốn, thực hiện dự án và giải ngân vốn đầu tư công; đơn giản hóa, giảm thiểu tối đa các thủ tục hành chính, tháo gỡ các chồng chéo, vướng mắc, đảm bảo công khai, minh bạch, chống tham nhũng, lãng phí… bảo đảm nguồn cung vật liệu xây dựng cho các dự án; khẩn trương hoàn thiện, ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đất đai năm 2024…
Theo TS Bùi Trinh, Chỉ thị của Thủ tướng đưa ra rất kịp thời và phù hợp với tình hình hiện nay. Hoạt động đầu tư công là hoạt động hàng năm, do đó ngay từ khi được Quốc hội quyết định và Thủ tướng giao thì cần tích cực thực hiện. Hiện nay, còn tình trạng nhiều thủ tục chồng chéo giữa các bộ, ngành và địa phương. Trong hoạt động đầu tư công, một khâu, một công đoạn bị vướng, bị tắc là tất cả công đoạn sau, cả nền kinh tế đều bị ngưng trệ. Đơn cử khâu là giải phóng mặt bằng - khâu quan trọng nhất trong thực hiện một dự án, vì vậy, thời gian qua, Chính phủ luôn yêu cầu tập trung đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, tiến độ thi công... TS Bùi Trinh cho biết, để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư, cần tháo gỡ các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện, tắc chỗ nào gỡ ngay chỗ đó. Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương rà soát các quy định để kiến nghị sửa đổi, giảm bớt các thủ tục chồng chéo, tạo thuận lợi nhất cho giải ngân mới có thể đạt kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công. Kỳ vọng với những giải pháp đó, tốc độ giải ngân vốn đầu tư công sẽ được đẩy nhanh và mạnh hơn để có thể đạt mục tiêu của năm 2024 này.