Việc thổi giá thuốc, sinh phẩm, vật tư, trang thiết bị chưa được xử lý kịp thời. Nhiều trang thiết bị hiện đại đắp chiếu nhiều năm tại một số cơ sở y tế.
Mua sắm ứng dụng, phần mềm công nghệ thông tin còn nhiều thất thoát, lãng phí, tiêu cực
Ngày 14/9, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021”.
Trình bày báo cáo giám sát, ông Nguyễn Phú Cường, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội, Phó Trưởng đoàn Thường trực Đoàn giám sát cho biết, qua giám sát thấy rằng, việc quản lý, sử dụng kinh phí sự nghiệp khoa học công nghệ chưa triệt để tiết kiệm, còn thất thoát, lãng phí.
Cụ thể như: Bố trí kinh phí cho các nhiệm vụ, đề tài chưa cấp thiết, chưa có tính thực tiễn; nhiều nhiệm vụ, đề tài triển khai dở dang phải dừng thực hiện; Việc nghiệm thu, bàn giao, chuyển giao và sử dụng kết quả nghiên cứu còn nhiều tồn tại, hạn chế, thất thoát, lãng phí nguồn vốn, các tài sản cơ sở vật chất, nhà đất khi thực hiện nghiên cứu và sau khi kết thúc nhiệm vụ, đề tài nghiên cứu.
Việc quản lý sử dụng, đầu tư mua sắm ứng dụng, phần mềm công nghệ thông tin (CNTT), thiết lập mới hoặc mở rộng, nâng cấp ứng dụng CNTT và các hoạt động thuê dịch vụ CNTT còn nhiều tồn tại, hạn chế, thất thoát, lãng phí, tiêu cực. Trong nhiều trường hợp, việc xây dựng các ứng dụng, phần mềm CNTT không hiệu quả, không được sử dụng hoặc chỉ sử dụng được trong thời gian ngắn, dưới 3 năm; các ứng dụng CNTT liên tục được nâng cấp, kể cả ứng dụng chưa được đưa vào sử dụng; nhiều ứng dụng CNTT được xây dựng trùng lắp, dàn trải, mang tính riêng lẻ, chia tách thành từng cấu phần riêng biệt, thiếu tính kế thừa, tiếp nối giá trị sử dụng; có trường hợp cùng một chức năng được lặp lại với nhiều dữ liệu khác nhau thành nhiều chức năng công nghệ, hoặc cùng bản chất dữ liệu nhưng được chia nhỏ thành các quy trình nghiệp vụ khác nhau để xây mới ứng dụng và các lãng phí, thất thoát khác phát sinh trong quá trình đầu tư, duy trì và nâng cấp hệ thống CNTT.
Thổi giá thuốc, trang thiết bị chưa được xử lý kịp thời
Đáng chú ý trong lĩnh vực y tế, qua giám sát thấy rằng việc đấu thầu, mua sắm thuốc, sinh phẩm, vật tư, đầu tư, mua sắm, quản lý, khai thác trang thiết bị y tế, đầu tư các dự án bệnh viện, cơ sở y tế còn nhiều tồn tại, hạn chế, thất thoát, lãng phí, không hiệu quả. Việc thổi giá thuốc, sinh phẩm, vật tư, trang thiết bị chưa được xử lý kịp thời. Nhiều trang thiết bị hiện đại đắp chiếu nhiều năm tại một số cơ sở y tế. Cơ bản các dự án đầu tư các bệnh viện, cơ sở y tế đều chậm tiến độ. Đáng chú ý một số bệnh viện trọng điểm cấp trung ương và cấp tỉnh hoàn thành nhiều năm, nhưng không đi vào khai thác, sử dụng, xuống cấp nghiêm trọng. Một số dự án đầu tư dở dang, không cân đối được nguồn vốn để hoàn thành, kéo dài nhiều năm, gây lãng phí nguồn lực.
Từ thực tế đó, Đoàn giám sát đề nghị Chính phủ chậm nhất trong 6 tháng đầu năm 2023 đưa các bệnh viện, các cơ sở y tế đã hoàn thành vào khai thác, sử dụng, trong đó đặc biệt lưu ý sớm đưa Bệnh viện Bạch Mai và Việt Đức cơ sở 2 tại thành phố Phủ Lý, Hà Nam; Bệnh viện Tâm Thần tỉnh Bình Dương.
Xây dựng phương án sử dụng hoặc điều chuyển các trang thiết bị y tế hiện đại đắp chiếu nhiều năm tại một số bệnh viện, cơ sở y tế. Kiểm soát chặt chẽ việc lập, phân bổ, quản lý, sử dụng dự toán ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2023, đặc biệt là danh mục dự án đầu tư các cơ sở y tế bố trí vốn từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả, không lặp lại các tồn tại, hạn chế trong thời gian qua. Phê duyệt quy hoạch mạng lưới y tế Việt Nam từ nay đến 2045; Quy hoạch phát triển nhân lực y tế giai đoạn 2021-2030 để nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh của người dân.
Về mua sắm tập trung, qua giám sát, nhiều địa phương đánh giá việc mua sắm tập trung không hiệu quả, nhiều hàng hóa, vật tư, trang thiết bị không bảo đảm chất lượng, không kịp thời, không đáp ứng yêu cầu công việc. Đề nghị Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp các Bộ, ngành, địa phương tổ chức đánh giá lại thực trạng tình hình mua sắm tập trung và kịp thời có các giải pháp khắc phục ngay trong triển khai dự toán NSNN năm 2023.
Làm rõ số thất thoát, lãng phí, thua lỗ các dự án
Qua giám sát thấy rằng, công tác cổ phần hóa, thoái vốn giai đoạn 2016-2020 rất chậm còn nhiều bất cập. Chỉ cổ phần hóa được 39/128 doanh nghiệp cổ phần hóa thuộc danh mục cổ phần hóa theo công văn số 991/TTg-ĐMDN và Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (đạt 30% kế hoạch); giá trị thực tế bán được là 22.748 tỷ đồng (đạt 23% kế hoạch dự kiến bán, tương đương 11% giá trị phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp).
Số doanh nghiệp chưa hoàn thành cổ phần hóa trong năm 2020 là 89 doanh nghiệp; thoái vốn nhà nước tại 106 đơn vị thuộc Quyết định số 1232/QĐ-TTg và Quyết định số 908/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ chỉ đạt 30% về số lượng và 11% về giá trị so với kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (giá trị 6.493 tỷ đồng, thu về 13.583 tỷ đồng).
Vốn nhà nước đầu tư tại một số doanh nghiệp Nhà nước chưa được bảo toàn; nhiều dự án đầu tư còn thua lỗ, thất thoát, lãng phí; cơ bản các dự án trọng điểm thuộc lĩnh vực dầu khí, điện, than, hóa chất được quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư từ các nhiệm kỳ trước chậm tiến độ nhiều năm. Đây là những thất thoát, lãng phí rất lớn nguồn lực nhà nước và tiếp tục thua lỗ, thất thoát, lãng phí nếu không đẩy nhanh tiến độ, sớm đưa vào vận hành theo kế hoạch; việc sắp xếp, đánh giá kết quả hoạt động các quỹ tài chính ngoài NSNN còn chậm; một số quỹ tài chính ngoài NSNN còn để xảy ra thất thoát, lãng phí.
Đoàn giám sát đề nghị, Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương, đánh giá và có giải pháp quyết liệt để tháo gỡ khó, khăn, vướng mắc trong công tác cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp, đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn theo đúng kế hoạch, lộ trình đề ra. Làm rõ số thất thoát, lãng phí, thua lỗ các dự án sử dụng vốn của các doanh nghiệp Nhà nước (DNNN), các dự án trọng điểm thuộc lĩnh vực dầu khí, điện, than; các chi phí phát sinh do chậm tiến độ triển khai các dự án theo kế hoạch.
Đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm thuộc lĩnh vực dầu khí, điện, than, hóa chất để sớm đưa các dự án vào sử dụng, phát huy hiệu quả đầu tư. Đối với từng dự án cụ thể về điện, than, dầu khí do PVN, EVN, TKV và các đơn vị trực thuộc làm chủ đầu tư, yêu cầu Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ quản lý ngành khẩn trương kiểm tra, rà soát, đánh giá, đề xuất các giải pháp đẩy nhanh tiến độ, hoặc thay đổi phương án đầu tư để bảo đảm tiến độ, hiệu quả sử dụng vốn nhà nước theo quy định. Sớm có các giải pháp cụ thể giải quyết các dự án thua lỗ. Làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân gây ra các tồn tại, hạn chế nêu trên.
Đặc biệt Đoàn giám sát kiến nghị, Thanh tra Chính phủ và Thanh tra chuyên ngành đưa vào kế hoạch năm 2023 thanh tra chuyên đề việc lập, thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư và triển khai thực hiện một số dự án trọng điểm chậm tiến độ, dự án thua lỗ thuộc ngành dầu khí, điện, than.