Lễ đón được tỉnh Nam Định, Bộ VH-TT&DL phối hợp tổ chức tối nay, 2/4, tại quần thể di tích Phủ Dầy (xã Kim Thái, huyện Vụ Bản). Tham dự buổi lễ có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ Trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Ngọc Thiện cùng đại diện lãnh đạo các ban, bộ ngành ở Trung ương, đại diện UNESCO tại Việt Nam, đông đảo cán bộ, nhân dân địa phương...
Thông tin tại sự kiện cho biết: Ngày 3/12/2016, tại Hội nghị lần thứ 11 của Ủy ban Liên Chính phủ tổ chức UNESCO về Bảo vệ Di sản văn hóa phi vật thể (tổ chức tại Ethiopia), với sự thống nhất của toàn thể hội nghị, Ủy ban đã ra nghị quyết công nhận “Thực hành tín ngưỡng Tam phủ của người Việt” trong danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại...
Bà Susan Vize trao Bằng UNESCO ghi danh “Thực hành tín ngưỡng Tam phủ
của người Việt” là Di sản văn hóaphi vật thể đại diện của nhân loại.
Tại buổi lễ, bà Susan Vize, Quyền Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam trao Bằng UNESCO ghi danh “Thực hành tín ngưỡng Tam phủ của người Việt” là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại cho đại diện Bộ VH-TT&DL, đại diện lãnh đạo tỉnh Nam Định...
Phát biểu sau khi trao Bằng ghi danh, bà Susan Vize nhìn nhận: “Chiến tranh và công cuộc xây dựng đất nước đã đặt ra nhiều khó khăn trong việc gìn giữ các di sản của người Việt, trong đó có di sản thực hành tín ngưỡng thờ mẫu. Từ chỗ bị hạn chế do hiểu nhầm, cấm đoán, những giá trị của di sản tín ngưỡng thờ Mẫu đã được hồi sinh và phát triển mạnh mẽ. Có được điều này là nhờ sự cố gắng của chính phủ VN và đặc biệt là niềm tin và quyết tâm của những cộng đồng tham gia thực hành di sản này”.
Bà cũng nhấn mạnh: “Việc UNESCO ghi danh thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt không phải là điểm kết thúc mà là khởi đầu cho một hành trình mới”.
Bà Susan Vize phát biểu tại buổi lễ.
Bà nhìn nhận: “Có được sự bền vững trong công tác bảo vệ và phát huy di sản của chúng ta chưa bao giờ là công việc dễ dàng, vừa phải bảo vệ giữ gìn các giá trị truyền thống và tiếp thu các giá trị hiện đại”.
Theo bà Susan Vize: “Mục tiêu cao nhất của việc bảo vệ di sản văn hoá là tiếp sức của cộng đồng với sự hiểu biết và nhận thức đầy đủ của họ nhằm củng cố và giữ cho di sản sống mãi và thích ứng với thời đại”.
“UNESCO mong rằng chính phủ Việt Nam tiếp tục đồng hành cùng các thành viên thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ, có những chính sách bảo vệ di sản hữu hiệu. Đồng thời chúng ta cần không ngừng nâng cao nhận thức cho công chúng, nhất và thế hệ tương lai về các giá trị của di sản, đặc biệt là lòng bác ái và sự khoan dung”, bà nói.
Tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Ngọc Thiện đã công bố Đề án Quốc gia bảo vệ và phát huy những giá trị của di sản. Trong đó, Bộ và chính quyền các địa phương sẽ tập trung thự hiện một số công việc cụ thể, gồm: Tiếp tục nhận diện giá trị, kiểm kê, tư liệu hóa di sản và khôi phục các nghi lễ, lễ hội truyền thống gắn với di sản.
Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Ngọc Thiện công bố Đề án
Quốc gia bảo vệ và phát huy giá trị của tín ngưỡng thờ Mẫu.
Tôn vinh những các cá nhân,cộng đồng có nhiều đóng góp trong việc gìn giữ, thực hành, truyền dạy, bảo vệ và phát huy giá trị của di sản, trong đó có việc xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa ph vật thể. Tuyên truyền, nâng cao nhận thức của công chúng về giá trị và vai trò của di sản trong đời sống. Thực hiện các biện pháp quản lý nhà nước nhằm gìn giữ, bảo vệ và phát huy những giá trị tốt đẹp của di sản, loại bỏ các hủ tục có tác động tiêu cực tới đời sống cộng đồng, xã hội và làm sai lệch di sản; ngăn chặn, xử lý việc lợi dụng thương mại hóa, làm biến dạng di sản. Xuất bản các ấn phẩm quảng bá về di sản...
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chúc mừng và biểu dương cộng đồng các địa phương là chủ thể của di sản đã sáng tạo, gìn giữ, phát huy giá trị của di sản góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam đa dạng trong sự thống nhất...
“Đón nhận sự kiện văn hóa “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại là niềm vui chung của cộng đồng các dân tộc Việt Nam”, Phó Thủ tướng nhìn nhận.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại buổi lễ.
“Tôi ghi nhận sự quan tâm của các cấp chính quyền đã tạo điều kiện thuận lợi cho các nghệ nhân tham gia thực hành, truyền dạy những giá trị của di sản. Tôi cũng đánh giá cao những nỗ lực của Bộ VH-TT&DL, Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia, các Nhà khoa học đã phối hợp với tỉnh Nam Định và Tổ chức quốc tế đã đồng thuận ủng hộ, vinh danh di sản này của Việt Nam”.
“Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” được ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại đã khẳng định những gia trị mang tính toàn cầu của di sản, đó là đóng góp của dân tộc ta vào sự phong phú, đa dạng văn hóa của nhân loại, phản ánh sự chủ động, hội nhập tích cực của đất nước ta với quốc tế. Đồng thời cũng đặt ra trách nhiệm của Đảng và Nhà nước ta, sự chung tay của cộng đồng trong công tác bảo vệ, phát huy giá trị của di sản, thực hiện nghiêm túc cam kết quốc tế”, Phó Thủ tướng khẳng định.
Phó Thủ tướng đề nghị, sau sự kiện này, Bộ VH-TT&DL, Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam tiếp tục hợp tác chặt chẽ với tỉnh Nam Định và các địa phương có di sản này sớm xây dựng Đề án bảo vệ và phát huy giá trị di sản để “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” cùng các di sản văn hóa phi vật thể khác của Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế vinh danh luôn được tỏa sáng, góp phần xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, tạo sức mạnh nội sinh quan trọng, đóng góp vào sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Tại sự kiện, thay mặt các tỉnh, thành phố có di sản Thực hành Tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam phủ của người Việt, ông Phạm Đình Nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định cho biết các địa phương, Bộ VH-TT&DL sẽ phối hợp tăng cường công tác quản lý nhà nước; tiếp tục nghiên cứu làm phong phú thêm giá trị của di sản; tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng để họ tự hào và tích cực tham gia bảo vệ, phát huy giá trị tốt đẹp của di sản, đồng thời loại bỏ các hủ tục có tác động tiêu cực tới đời sống cộng đồng xã hội và làm sai lệch gía trị di sản, để “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” luôn xứng đáng là tài sản quý giá của cộng đồng các dân tộc Việt Nam và là một bộ phận của di sản văn hóa nhân loại...
Buổi lễ có sự tham dự của đông đảo người dân ở địa phương,
trong đó có nhiều người trực tiếp thực hành tín ngưỡng.
Tín ngưỡng thờ mẫu Tam phủ của người Việt được biết đến là hình thức thờ cúng người Mẹ hóa thân ở các miền trời, sông nước, rừng núi, hình thành trên nền tảng của tín ngưỡng thờ Nữ thần. Theo hồ sơ Việt Nam trình UNESCO, tín ngưỡng này đã hình thành ở Việt Nam từ thế kỷ 15, việc thực hành tín ngưỡng rất phổ biến trong các cộng đồng người Việt ở các vùng Tây Bắc, Đông Bắc, châu thổ Bắc Bộ, Bắc Trung bộ và nhiều địa phương khác. Riêng tại Nam Định hiện có khoảng gần 400 địa chỉ gắn với tín ngưỡng này,trong đó lớn nhất, quy mô nhất, hình thành sớm nhất là Quần thể di tích Phủ Dầy thuộc xã Kim Thái, huyện Vụ Bản. Việc thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt bao gồm các nghi lễ cúng bái và nhiều hoạt động khác được tổ chức trong nhiều lễ hội. Trong các nghi lễ cúng bái , nghi lễ chầu văn (hầu đồng, hát văn) là một trong những nghi lễ chính, nghi lễ trung tâm, được biết đến là một hình thức diễn xướng (tích hợp nhiều giá trị nghệ thuật, mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam, từ âm nhạc đến thời trang, hát múa...) thể hiện đức tin về sự giáng nhập của các vị thần linh. Thông qua hình thức diễn xướng này, những người thực hành tín ngưỡng tin rằng họ có thể giao tiếp được với các vị thần để gửi gắm những mong muốn, khát vọng của mình thông qua các thanh đồng-người đóng vai trò trung gian giữa con người và thần linh. |