Sau khi có quyết định phân công, hầu hết trí thức trẻ về các xã công tác (đội viên Đề án) đều hoàn thành tốt và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị và công tác chuyên môn được giao. Đây là đánh giá của Bộ Nội vụ tại Hội nghị Sơ kết 3 năm thực hiện Đề án thí điểm tuyển chọn trí thức trẻ tình nguyện về các xã tham gia phát triển nông thôn, miền núi giai đoạn 2013-2020 (Đề án 500), diễn ra mới đây tại tỉnh Phú Thọ.
Các trí thức trẻ về công tác tại các xã khó khăn đã phát huy tốt năng lực của mình Ảnh: TL
Theo báo cáo tại hội nghị, sau 3 năm triển khai Đề án 500, các đội viên thuộc đề án đã nhanh chóng tiếp cận và làm quen với công việc của xã, hăng hái, nhiệt tình nắm bắt hình hình cơ sở, tìm hiểu và triển khai nhiệm vụ được giao, thường xuyên đi thực tế nắm bắt điều kiện kinh tế - xã hội tại địa phương, gắn bó với địa phương. Một số đội viên đã đề xuất những đề án phát triển kinh tế - xã hội và tổ chức thực hiện bước đầu có hiệu quả. Hàng năm, hầu hết đội viên của Đề án đều được cấp ủy, chính quyền địa phương đánh giá hoàn thành tốt và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Trong quá trình công tác, đã có 35,6% số đội viên được quan tâm, bồi dưỡng kết nạp trở thành đảng viên.
Cùng với kết quả đạt được, tại hội nghị, các đại biểu cũng thảo luận chỉ ra những khó khăn, vướng mắc gặp phải trong quá trình thực hiện đề án như: Một số cấp ủy, chính quyền và công chức ở địa phương chưa nhận thức đúng đắn, đầy đủ về mục tiêu, ý nghĩa của Đề án 500. Hầu hết đội viên còn trẻ, ít va chạm thực tế, chưa có kinh nghiệm trong công tác chuyên môn, chưa mạnh dạn tham mưu, đề xuất với chính quyền. Một số cán bộ, công chức và nhân dân địa phương chưa thực sự tin tưởng, đánh giá cao đội viên nên còn khó khăn cho đội viên trong thực hiện nhiệm vụ; một số đội viên chưa thực sự cố gắng trong công việc…
Điều khiến nhiều trí thức trẻ trăn trở hiện nay là việc bố trí, sử dụng đội viên sau 3 năm công tác đạt thành tích xuất sắc; kế hoạch bố trí, sử dụng đội viên trong quá trình thực hiện nhiệm vụ sau khi kết thúc Đề án 500; …
Anh Đinh Ngọc Sơn, công chức ngành tài chính kế toán ở xã Minh Đài, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ cho biết: Kiến thức ở trường chỉ là kiến thức chung, khi đi thực tế công tác tại địa phương thực tế có sự khác biệt, kinh nghiệm chưa có. Bên cạnh đó, xã Minh Đài là vùng có nhiều người dân là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, vì vậy khi mới về công tác anh Sơn gặp nhiều khó khăn khi tiếp xúc với người dân địa phương. Nhờ được cấp ủy, chính quyền quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi, cử cán bộ có kinh nghiệm hướng dẫn giúp đỡ về kỹ năng giao tiếp, văn hóa ứng xử đối với đồng nghiệp và người dân, anh đã nhanh chóng tiếp cận công việc được giao.
Ông Vũ Đăng Minh, Vụ trưởng Vụ Công tác thanh niên (Bộ Nội vụ) Giám đốc Ban quản lý Dự án 600 Phó Chủ tịch xã cho biết: Thời gian tới, Vụ Công tác thanh niên sẽ có phương án quy hoạch bố trí sử dụng đội ngũ cán bộ để khi kết thúc 5 năm, các trí thức trẻ tình nguyện có thể chuyển sang vị trí công tác khác hoặc tiếp tục làm vị trí đó và trở thành công chức của chính quyền địa phương. Trong quá trình thực hiện đề án, một số đội viên đã được địa phương đề xuất bố trí sang vị trí công chức đang còn trống, việc làm chủ động này của địa phương rất là tốt. Bên cạnh đó, Vụ sẽ đưa ra dự thảo về quy hoạch sử dụng đội viên từ nay cho đến năm 2020 theo hướng các địa phương chủ động quy hoạch vào vị trí công chức cấp xã ở ngay tại xã đó, chỉ đạo các địa phương chủ động thực hiện ngay từ bây giờ.