Thực hiện tốt hơn nữa công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em

H.Vũ 11/09/2023 07:00

Ngày 10/9, tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội, Ban Bí thư Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội đồng Đội Trung ương, Ủy ban Văn hóa giáo dục, Tổng Thư ký Quốc hội, Văn phòng Quốc hội phối hợp tổ chức phiên họp giả định Quốc hội trẻ em lần thứ Nhất. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dự và phát biểu.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chụp ảnh cùng các “đại biểu Quốc hội trẻ em”.

Phiên họp có sự tham dự của 263 đại biểu trẻ em đến từ 63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Đây là lần đầu tiên, phiên họp giả định Quốc hội trẻ em được tổ chức nhằm góp phần triển khai hiệu quả Luật Trẻ em năm 2016. Trong hơn 2 giờ diễn ra, phiên họp giả định được tiến hành theo đúng quy trình, cách thức tổ chức như một phiên họp của Quốc hội. Theo đó, các “đại biểu Quốc hội trẻ em” đã thảo luận về các vấn đề liên quan tới nội dung: nâng cao nhận thức, kỹ năng phòng, chống tai nạn thương tích; bạo lực, xâm hại trẻ em; giải pháp nâng cao kỹ năng tương tác an toàn trên không gian mạng cho trẻ em; góp ý cải thiện các điều kiện cơ sở vật chất để trẻ em được ứng dụng công nghệ thông tin. Không chỉ thảo luận mà các “đại biểu Quốc hội trẻ em” còn giơ biển tranh luận với nhau để làm sáng tỏ vấn đề.

Theo Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, những chất vấn, phát biểu tại phiên họp giả định Quốc hội trẻ em chính là nguyện vọng của trẻ em Việt Nam gửi tới Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ. Đây còn là tiếng nói từ tương lai về những vấn đề phát triển của đất nước ngày hôm nay. Phó Thủ tướng cho biết, trong thẩm quyền và trách nhiệm của mình, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương hoàn thiện, tổ chức thi hành pháp luật; xây dựng, ban hành các kế hoạch hành động cụ thể, thiết thực để chăm lo, bảo vệ, tạo môi trường cho hơn 15 triệu thiếu niên, nhi đồng Việt Nam phát triển ngày càng tốt đẹp, an toàn hơn.

Phát biểu tại phiên họp giả định, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, Đảng, Nhà nước và toàn xã hội luôn dành sự quan tâm, chăm lo đặc biệt cho trẻ em. Việt Nam là nước đầu tiên ở châu Á và nước thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước về Quyền trẻ em. Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản pháp luật để khẳng định các quyền của trẻ em và trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, của gia đình, nhà trường và xã hội trong chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em. Nổi bật nhất có thể kể đến là Luật Trẻ em 2016, Luật Giáo dục 2019, Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em và nhiều chương trình, đề án về phát triển toàn diện trẻ em.

Nhấn mạnh hiện nay cả nước ta có trên 25 triệu trẻ em, chiếm 25,5% tổng dân số, để thực hiện tốt hơn nữa công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, các cấp ủy Đảng, chính quyền tiếp tục quán triệt sâu sắc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em.

Chủ tịch Quốc hội yêu cầu, đối với các cơ quan của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội, các tổ chức chính trị - xã hội cần tăng cường hoạt động giám sát việc thực hiện quyền trẻ em và các quy định của pháp luật về chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em. Kịp thời tổ chức các phiên giải trình về những vấn đề thời sự cấp bách có liên quan đến trẻ em.

Trong quá trình xem xét, thông qua các dự thảo luật, pháp lệnh, nghị quyết, cần chú trọng thẩm tra các quy định bảo đảm quyền trẻ em. Thời gian tới cần nghiên cứu để đưa quy trình thẩm tra nội dung bảo đảm quyền trẻ em thành một khâu bắt buộc trong hoạt động lập pháp, tương tự như việc thẩm tra về bình đẳng giới hiện nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thực hiện tốt hơn nữa công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO