Từ ngày 10/12/2021, cán bộ, công chức, viên chức không phải bồi dưỡng ngoại ngữ, tin học.
Đây là một trong những thay đổi mới đáng chú ý về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức quy định tại Nghị định 89/2021/NĐ-CP ban hành ngày 18/10/2021 của Chính phủ; sửa đổi, bổ sung Nghị định 101/2017/NĐ-CP về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức. Việc áp dụng Nghị định mới sẽ “chấm hết” bức xúc dư luận trong thời gian dài về vấn đề chứng chỉ, chứng nhận như điều kiện bắt buộc nhưng lại mang nặng tính hình thức.
Nhiều ý kiến cho rằng, sau khi loại bớt quy định phải học bồi dưỡng ngoại ngữ, tin học, hy vọng cơ quan chức năng sẽ tiếp tục rà soát để loại bỏ thêm những quy định về chứng chỉ không cần thiết, với đích đến chính là thực học, thực việc. Đây cũng là một khía cạnh quan trọng của cải cách hành chính, tương tự như việc loại bỏ “giấy phép con” gây khó gây dễ và cũng là tạo ra khe hở cho tiêu cực, nhũng nhiễu, trục lợi.
Trở lại với việc bằng cấp, chứng chỉ, các loại chứng nhận ở nước ta, quả thật đó là những cửa ải rất gian nan. Vậy nhưng cũng không rõ làm sao mà có không ít người nắm trong tay hàng chục loại giấy tờ, chứng nhận, “văn bằng sắc chỉ”. Học xong cao đẳng, đại học xin được một chỗ làm thì cũng lại bắt đầu vào hành trình “săn” các loại chứng chỉ, chứng nhận. Sở dĩ như vậy là do họ rút được bài học từ những người đi trước, chỉ vì thiếu một, hai chứng chỉ thôi là đành ngậm ngùi “giẫm chân tại chỗ”, có người còn phải rời bỏ “cuộc chơi”.
Họ trang bị cho mình hàng loạt chứng chỉ, chứng nhận như vậy nào phải để phục vụ công việc tốt hơn, mà là để tự vệ, nhất là khi phải vào cuộc đua tranh sắp xếp vị trí công việc và cất nhắc, bổ nhiệm. Không nói về những người bỏ tiền ra mua chứng chỉ, chứng nhận, với những người đi học thật thì cũng tốn kém rất nhiều thời gian, luôn bị ám ảnh bởi bằng cấp không còn tâm trí đâu dành cho công việc họ đang làm. Khi có được hàng loạt bằng cấp, chứng chỉ, chứng nhận thì không ít người trong số đó vênh vang tưởng mình “đai đẳng” rồi bắt đầu giấc mơ thăng tiến khi nhìn trước nhìn sau, nhìn trên nhìn dưới lắm người chỉ biết cắm mặt làm việc nên “điều kiện cứng” kém xa mình.
Chính do những quy định rất hình thức về bằng cấp, chứng chỉ, chứng nhận như vậy đã góp phần tạo ra những lớp công chức, viên chức chỉ có nhung tuyết bên ngoài mà không có gân cốt bên trong.
Việc không bắt buộc công chức phải học qua những lớp bồi dưỡng ngoại ngữ, tin học, cũng có nghĩa là không cần những chứng chỉ, chứng nhận và điều đó phù hợp với thực tiễn, không làm mất thời gian, tiền bạc của rất nhiều người. Trên thực tế, những người thực việc bao giờ cũng tự lo trang bị cho mình kiến thức, kỹ năng cần thiết. Ngoại ngữ và tin học cũng vậy, khi vị trí công việc cần thiết thì người đàng hoàng sẽ tự trang bị cho mình. Và tất nhiên là với mục tiêu rõ ràng như vậy thì việc học của họ sẽ thực chất.
Đã có thời các trung tâm, cơ sở dạy ngoại ngữ, tin học mọc lên như nấm. Người ta đua nhau đi học, học ban ngày, học cả ban đêm. Đây cũng chính là nguồn thu quan trọng của các trung tâm. Thật đáng tiếc là người tổ chức dạy biết rõ nhiều người đi học chỉ là để “trang trí”, nhưng do “nhu cầu” thì vẫn mở lớp, cốt là thu được nhiều tiền. Ở một khía cạnh nào đó thì cả người dạy lẫn người học cùng dối nhau.
Tất nhiên, nói như vậy không phải tất cả các cơ sở đào tạo ngoại ngữ, tin học hay là tất cả người học đều không tốt. Nhưng dẫu sao thì sự thật vẫn là sự thật và nay thì mọi sự sẽ dễ chịu hơn. Khi cán bộ, công chức, viên chức không còn phải “săn” chứng chỉ, chứng nhận ngoại ngữ, tin học qua các lớp bồi dưỡng thì đương nhiên các cơ sở đào tạo thất thu, và những người có quyền “xét duyệt hồ sơ” cũng sẽ bớt quyền hơn. Có nghĩa là sẽ không ít người buồn nhưng xã hội thì được rất nhiều, nhất là sẽ chuyển đổi được cả tư duy lẫn cách làm sang hướng thực chất: thực học và thực việc.