Sự bát nháo của thị trường TPCN đã gây bức xúc trong dư luận suốt một thời gian dài, nhưng hiện việc kiểm soát, xử lý vi phạm trong lĩnh vực này vẫn còn nhiều hạn chế. Mang những băn khoăn này tới gặp các cơ quan chức năng, nhưng chúng tôi cũng không thể tìm được câu trả lời rằng đến khi nào tình trạng này mới được xử lý triệt để.
Buông lỏng quản lý
Từ tháng 7 năm 2019 đến nay, chuẩn GMP (tiêu chuẩn thực hành sản xuất tốt) đã được áp dụng cho mặt hàng thực phẩm chức năng. Theo thông tin từ Cục An toàn thực phẩm, tính đến hết năm 2020, có 197 cơ sở sản xuất trên cả nước đã được cấp giấy chứng nhận GMP này. Tuy vậy, con số này có phản ánh đúng thực tế thị trường TPCN hiện nay? Và liệu có phải tất cả số TPCN đang lưu hành trên thị trường đều do 197 cơ sở nói trên sản xuất?
PGS.TS Trần Đáng, Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam lý giải: Một thời gian dài ở nước ta để các doanh nghiệp quảng cáo TPCN có tác dụng gần giống như thuốc chữa bệnh. Chính vì khiến cho người tiêu dùng lầm tưởng thực phẩm chức năng là một loại thần dược nên các doanh nghiệp đã thu về siêu lợi nhuận. Trong khi sự lỏng lẻo trong quá trình quản lý, cấp phép, khâu hậu kiểm thực phẩm chức năng đã tạo kẽ hở cho nhiều doanh nghiệp vi phạm sản xuất hàng giả.
Cũng theo ông Đáng, các cơ quan xử lý đã rất tích cực, đặc biệt là Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế đã rất cố gắng nhưng quyền hạn của đơn vị này có mức độ, ví dụ thanh tra chỉ xử phạt số tiền ở mức thấp thôi nên cũng không đủ sức răn đe. Không ai có thể đảm bảo loại thực phẩm chức năng mà nhiều người đang coi là thần dược và nhiều khi có giá cả trăm triệu đồng để sử dụng lại có phải là hàng thật hay không? Hay lại được sản xuất từ những cơ sở không giấy phép”.
Để ngăn chặn tình trạng này, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã phối hợp Bộ TT&TT, Bộ Công thương, Cục phòng chống tội phạm công nghệ cao,… để đưa ra các giải pháp phù hợp. Thế nhưng, hiện nay tình trạng vi phạm quảng cáo vẫn rất phức tạp.
Khó ngăn chặn vi phạm?
Ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, do nhu cầu lớn nên không ít doanh nghiệp sản xuất vì lợi nhuận đã lợi dụng lòng tin của người tiêu dùng cố tình sản xuất TPCN không đúng tiêu chuẩn được công bố.
Sản xuất không đúng chất lượng như bản đăng ký công bố sản phẩm; ghi nhãn sản phẩm không đúng quy định, sản xuất thực phẩm chức năng khi chưa đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền; sản xuất ở nơi không có đủ điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm.
Bất kỳ sản phẩm nào có dấu hiệu quảng cáo lừa dối người tiêu dùng hoặc có phản ánh từ người dân về những nghi vấn chất lượng sản phẩm đều sẽ được Cục An toàn thực phẩm ghi nhận, nếu xác định chính xác có vi phạm sẽ tiến hành xử lý theo quy định của pháp luật, công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Cục đã tiến hành xử phạt nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh có sai phạm, số tiền phạt thu về nhiều tỉ đồng. Những hành vi vi phạm nghiêm trọng, Cục An toàn thực phẩm sẽ chuyển tới Cơ quan điều tra tiến hành xử lý các bước tiếp theo, tất cả các hành vi gây nguy hại cho sức khỏe người tiêu dùng đều phải bị xử lý thích đáng.
Bên cạnh đó, một vấn nạn nhức nhối khác là tình trạng nhiều đơn vị lợi dụng chiêu trò để thổi phồng công hiệu, quảng cáo TPCN có công dụng như thần dược, quảng cáo sai sự thật, lừa dối gây nhầm lẫn là thuốc chữa bệnh cho người tiêu dùng, quảng cáo khi chưa được cấp phép, quảng cáo không đúng với nội dung được xác nhận…. hoặc lợi dụng mạo danh người có y tín trong ngành y dược để quảng cáo trên các nền tảng trực tuyến.
Bà Trần Việt Nga, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm nhận định hiện tỉ lệ những tổ chức, cá nhân mua lại sản phẩm và tự quảng cáo trên thị trường vi phạm quảng cáo rất lớn và là vấn đề nan giải.
Với sự phát triển của công nghệ hiện nay, các đơn vị này quảng cáo rộng khắp qua mạng xã hội, các trang thông tin điện tử, thậm chí gọi điện thoại trực tiếp để tiếp cận tới người tiêu dùng. Bộ Y tế thời gian qua đã đưa ra rất nhiều giải pháp: ngoài xử lý theo quy định của Nhà nước, Bộ còn công khai vi phạm trên trang web của Cục An toàn thực phẩm, trên trang của Bộ Y tế và thông tin cho các cơ quan báo chí. Tuy nhiên, hành vi vi phạm ngày càng tinh vi.
“Cụ thể, các đối tượng mở tên miền để quảng cáo, nhưng nếu vi phạm và Cục ATVSTP phát hiện ra và yêu cầu Bộ Thông tin Truyền thông hỗ trợ đóng tên miền đó, thì ngay lập tức họ sẽ mở tên miền khác. Hoặc họ đặt máy chủ ở Việt Nam, nhưng nếu bị phát hiện vi phạm sẽ chuyển máy chủ sang nước ngoài. Một trong những hành vi khác sẽ rất khó khăn cho cơ quan quản lý là quảng cáo xuyên biên giới, tức những công ty nước ngoài mua “đất quảng cáo” trên các trang thương mại, sàn giao dịch, website của các cơ quan truyền thông, và họ toàn quyền sử dụng để quảng cáo sản phẩm mà chủ cho thuê không hay biết”, Bà Nga cho biết thêm.
Hãy là người tiêu dùng thông thái
Qua thực tế kiểm tra cho thấy, khâu hậu kiểm, kiểm soát chất lượng TPCN là khó nhất. Một phần do thiếu thiết bị kiểm tra, một phần do TPCN thuộc chuyên ngành lĩnh vực y tế nên khi kiểm tra chỉ có thể tin tưởng vào giấy tờ lô hàng, nguồn gốc xuất xứ chứ không thể nhận biết chất lượng bằng cảm quan. Một vấn đề nan giải nữa là việc kiểm soát TPCN xách tay rất khó vì giao dịch chủ yếu trên mạng và bán chuyền tay.
Đồng tình với quan điểm trên, đại diện Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội cho rằng, việc kiểm soát vẫn rất khó khăn do lợi nhuận kinh doanh lĩnh vực TPCN rất cao, trong khi mức xử phạt các vi phạm lại chưa đủ sức răn đe. Hiện nay hành lang pháp lý về quản lý TPCN tại Việt Nam chưa rõ ràng dẫn đến nhiều bất cập và nguy cơ. Điều kiện sản xuất chưa được quy định cụ thể, mà chung chung là sản xuất thực phẩm.
Để có những giải pháp cụ thể siết chặt TPCN, các chuyên gia y tế cho rằng, các cơ quan chức năng cần sớm ban hành tiêu chuẩn về TPCN, khi đó mới có thể kiểm soát được.
Để “mạnh tay” hơn với những vi phạm trong quản lý TPCN, ông Nguyễn Thanh Phong khẳng định, Bộ Y tế đang chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Nếu doanh nghiệp nào vi phạm, không thực hiện đúng việc công bố chất lượng sản phẩm cũng như quy định ghi nhãn mác sẽ bị xử lý nghiêm.
Theo đó Cục đã yêu cầu các địa phương khi thanh tra, kiểm tra ATTP đều phải lấy mẫu tại đơn vị công bố sản phẩm, thực hiện kiểm nghiệm mẫu. Kiên quyết tạm dừng lưu thông, thu hồi trên thị trường hàng hóa có mẫu không đạt chất lượng.
Hiện nay, dược- mỹ phẩm, TPCN là những lĩnh vực được công khai hóa thông tin trên Cổng Công khai y tế tại địa chỉ: https//congkhaiyte.moh.gov.vn. Việc công khai này sẽ giúp người dùng biết, đối chiếu và có thể phản biện, đồng thời phản ảnh lại với cơ quan chức năng nếu cơ sở bán các sản phẩm này với giá không hợp lý hoặc bán sản phẩm đã vi phạm chất lượng...
Có thể nói, Cổng Công khai y tế là một công cụ hết sức hữu ích để người dân có thể biết được giá thuốc; tham gia giám sát các hoạt động của các cơ sở khám chữa bệnh, cơ sở sản xuất kinh doanh, đặc biệt là hệ thống bán lẻ (các nhà thuốc); dần dần các mặt hàng thuốc sẽ được minh bạch và giá cả sẽ phản ánh đúng giá trị mặt hàng và chính người dân được hưởng lợi qua cơ chế giám sát và công khai.
Tính đến ngày 9/3/2021, trong lĩnh vực TPCN, đã có 36.447 đăng ký bản công bố sản phẩm và 2.724 đăng ký xác nhận nội dung quảng cáo. Về mặt lý thuyết, như vậy, chỉ mất khoảng thời gian vài phút, người tiêu dùng hoàn toàn có thể sử dụng cổng công khai y tế để kiểm tra xem sản phẩm TPCN mình sẽ mua sắm, hay đã mua sắm có giá bao nhiêu, nguồn gốc xuất xứ từ đâu.. Bởi vậy, hãy là người tiêu dùng thông thái.