Theo BS. Nguyễn Huy Hoàng, việc sản xuất thuốc giả là mối đe dọa trực tiếp đến sinh mạng con người. Đồng thời, gây áp lực cho hệ thống y tế, bóp nghẹt ngành dược phẩm chân chính và làm xói mòn niềm tin vào hệ sinh thái chăm sóc sức khỏe.
Như Báo Đại Đoàn Kết đã thông tin, mới đây, cơ quan chức năng đã triệt phá đường dây sản xuất gần 10 tấn thuốc giả, thu lợi bất chính gần 200 tỷ đồng. Cụ thể, ngày 16/4, Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết, đơn vị vừa khởi tố vụ án, khởi tố 14 bị can về tội "sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc phòng và chữa bệnh".
Theo ước tính, tổng khối lượng thuốc tân dược giả và nguyên liệu để làm thuốc tân dược giả là gần 10 tấn. Từ năm 2021 đến khi bị bắt, nhóm này đã bán ra thị trường, thu lời từ thuốc giả gần 200 tỷ đồng.
Đe doạ trực tiếp tính mạng con người
Liên quan đến sự việc này, trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, BS. Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga (Bộ Quốc phòng) cho biết, thuốc kê đơn vốn là loại dược phẩm đòi hỏi chỉ định nghiêm ngặt của bác sĩ nay lại đang bị làm giả với mức độ ngày càng tinh vi tại Việt Nam.
Đây không chỉ là hành vi gian lận thương mại, mà còn là mối đe dọa trực tiếp đến sinh mạng con người, tạo áp lực cho hệ thống y tế, bóp nghẹt ngành dược phẩm chân chính và làm xói mòn niềm tin vào hệ sinh thái chăm sóc sức khỏe.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xếp thuốc giả là “vũ khí giết người thầm lặng” tại các quốc gia có hệ thống quản lý còn nhiều kẽ hở.
BS. Nguyễn Huy Hoàng phân tích, việc lưu hành thuốc giả không chỉ là hành vi phạm pháp, mà còn là mối đe dọa trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng con người. Trong lĩnh vực y học, hậu quả do thuốc giả gây ra được chia thành hai nhóm: Tác động trực tiếp và gián tiếp. Cả hai đều nguy hiểm và để lại hệ lụy lâu dài.
Cụ thể, hậu quả trực tiếp phổ biến nhất là thất bại trong điều trị. Với những bệnh lý nguy cấp như nhiễm khuẩn nặng, bệnh tim, ung thư… việc dùng phải thuốc giả khiến bệnh nhân bỏ lỡ “thời điểm vàng” để chữa trị, đồng nghĩa với việc mất đi cơ hội sống.
Không dừng lại ở đó, nhiều loại thuốc giả chứa tạp chất nguy hiểm có thể gây ngộ độc, tổn thương gan, thận, hệ tim mạch hoặc phản ứng dị ứng nghiêm trọng – thậm chí dẫn đến tử vong.
Đặc biệt, các loại thuốc tiêm hoặc vaccine làm giả trong điều kiện mất vệ sinh có thể gây nhiễm trùng toàn thân. Trên thực tế, nhiều trường hợp tử vong liên quan đến thuốc giả đã được ghi nhận, và hành vi này có thể bị xử lý hình sự ở mức cao nhất – tử hình.
Bên cạnh đó, hậu quả gián tiếp của thuốc giả là thúc đẩy tình trạng kháng kháng sinh. Thuốc kháng sinh giả khiến vi khuẩn không bị tiêu diệt hoàn toàn, thúc đẩy khả năng đề kháng kháng sinh khiến việc điều trị trở nên ngày càng khó khăn. Đây được xem là một trong những cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu hiện nay.
Ngoài ra, việc sử dụng thuốc giả khiến người bệnh tốn thêm thời gian, chi phí và sức lực để điều trị lại, đồng thời làm tăng áp lực lên hệ thống y tế.
BS. Hoàng nhấn mạnh, sự tồn tại của thuốc giả đã tạo nên một "vòng xoáy": Thất bại điều trị – biến chứng – chi phí điều trị cao hơn – gánh nặng cho hệ thống y tế – và nguy cơ tử vong gia tăng.
Gây khủng hoảng niềm tin vào hệ thống y tế
BS. Nguyễn Huy Hoàng cho biết thêm, sự "hiện diện" của thuốc giả còn gây nên hệ lụy xã hội nghiêm trọng, đó là khủng hoảng niềm tin của người dân vào hệ thống y tế.
Người dân có thể mất lòng tin vào chất lượng thuốc, ngay cả thuốc được bác sĩ kê đơn cũng bị nghi ngờ. Các nhà thuốc tư nhân và cả những kênh bán thuốc online cũng khiến người dân dè dặt.
Thậm chí, niềm tin vào bác sĩ, dược sĩ cũng lung lay khi người dân xuất hiện nghi ngờ về sự thiếu trách nhiệm hoặc thông đồng với các bên phân phối thuốc kém chất lượng.
Hệ quả là người dân tự ý điều trị, dùng thuốc không rõ nguồn gốc; Khó triển khai các chương trình y tế cộng đồng; Tâm lý bất an lan rộng, ảnh hưởng đến sự ổn định xã hội...
Làm gì khi phát hiện uống nhầm thuốc giả?
BS. Nguyễn Huy Hoàng khuyến cáo, khi vô tình sử dụng loại thuốc nằm trong danh sách cảnh báo, điều quan trọng nhất là giữ bình tĩnh và hành động kịp thời. Sau đó thực hiện theo các bước sau:
Đầu tiên, hãy ngừng ngay việc sử dụng thuốc. Dù chỉ uống một liều hay nhiều liều, việc tiếp tục sử dụng có thể khiến tình trạng sức khỏe xấu đi.
Thứ hai, nhanh chóng liên hệ với bác sĩ hoặc đến cơ sở y tế gần nhất để được kiểm tra và tư vấn. Việc khai báo cụ thể loại thuốc đã dùng, liều lượng và thời gian sử dụng sẽ hỗ trợ quá trình xử lý và theo dõi.
Thứ ba, cần theo dõi sát các biểu hiện bất thường như đau đầu, buồn nôn, rối loạn tiêu hóa, dị ứng... và ghi lại diễn biến triệu chứng để cung cấp cho nhân viên y tế.
Nếu còn bao bì thuốc, đừng vứt bỏ. Đây là bằng chứng quan trọng giúp xác định nguồn gốc và thành phần thuốc giả.
Cuối cùng, báo cáo với cơ quan chức năng như Sở Y tế, Cục Quản lý Dược hoặc công an địa phương. Hành động này không chỉ bảo vệ bản thân mà còn góp phần ngăn chặn mối nguy hiểm cho cộng đồng.