Thời gian gần đây, tình trạng thuốc giả, thuốc kém chất lượng lưu hành trên thị trường trong nước có xu hướng gia tăng trở lại. Trong vòng hơn 1 tháng qua, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) liên tiếp đưa ra các cảnh báo liên quan đến vấn nạn này. Không ít bệnh nhân và người nhà hoang mang, lo lắng làm thế nào để biết cách phân biệt thuốc?
Phát hiện hàng loạt thuốc giả, đường dây sản xuất thuốc giả
Thông tin từ Công an TP Thanh Hóa cho biết, sau một thời gian theo dõi và lập án, mới đây cơ quan này đã triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán thuốc tân dược giả với quy mô lớn trên phạm vi toàn quốc, bắt tạm giam 7 đối tượng trong đường dây này về hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc phòng bệnh, thuốc chữa bệnh…
Theo kết quả điều tra ban đầu, lợi dụng thói quen của người dân là tự kê đơn mua các loại thuốc chữa bệnh và sơ hở trong công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh dược phẩm tại các quầy thuốc, nhà thuốc, Nguyễn Văn Hưng là đối tượng cầm đầu đã câu kết với Trương Quốc Phong Dinh thành lập công ty TNHH dịch vụ y tế Tích Hợp, đăng ký trụ sở tại TP Bến Tre (tỉnh Bến Tre) để ngụy trang cho hoạt động sản xuất kinh doanh thuốc tân dược giả, đặc biệt các loại thuốc kháng sinh như: Cefuroxim 500mg; Cefixim 200mg; Augxicine 1g; Panadol Extra; Panactol…
Trong đó, Hưng giao cho Dinh trực tiếp tìm nguồn mua máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu, tá dược, in bao bì… để sản xuất thuốc tân dược giả.
Dưới vỏ bọc là nhân viên dược sĩ chuyên mua bán thuốc cho các Công ty dược, Trương Quốc Phong Dinh đã thông qua các trang mạng xã hội Zalo, Facebook… để thu mua các loại thuốc ngoại nhập trôi nổi trên thị thường, sau đó dùng cồn hoặc hóa chất khác tẩy xóa phần chữ in trên vỉ thuốc, dùng máy in lại thông tin (tên, thành phần, hoạt chất) trên vỉ thuốc tạo thành loại thuốc mới.
Ngoài ra, Dinh còn thu mua thuốc tân dược sản xuất nội địa, có nguồn gốc xuất xứ, giá rẻ, sau đó ngâm vào nước để bong tróc tem nhãn gốc của nhà sản xuất dán trên ống thuốc, đặt in và dán tem nhãn giả thành thuốc ngoại nhập, đưa ra thị trường tiêu thụ với giá cao.
Căn cứ tài liệu, chứng cứ thu thập được, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Thanh Hóa đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố các bị can về tội “sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc phòng bệnh, thuốc chữa bệnh”.
Trước tình hình trên, ngày 19/8, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) đã có văn bản đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Y tế các ngành phối hợp với các cơ quan truyền thông, thông tin tới các cơ sở buôn bán, sử dụng thuốc và người dân biết để tạm ngừng không buôn bán, sử dụng thuốc giả viên nén bao phim Cefuroxim 500mg.
Tuy nhiên, vụ án nói trên không phải là trường hợp mua bán, sản xuất thuốc giả, thuốc kém chất lượng duy nhất được phát hiện thời gian gần đây.
Cục Quản lý dược cho hay đã nhận được Công văn số 498 đề ngày 9/8/2024 của Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm tỉnh Thừa Thiên Huế báo cáo về việc mẫu sản phẩm có thông tin ghi trên nhãn viên nén bao phim Cefĩxim 200 (cefixim 200 mg); số GĐKLH: VD-28887-18; số lô: 15030723, NSX: 030723, HD: 030725.
Mẫu thuốc trên có các dấu hiệu thuốc giả như hướng dẫn trước đó của Cục Quản lý dược về thuốc giả Cefixim 200. Khi kiểm tra chất lượng, lô thuốc không đạt yêu cầu chất lượng về chỉ tiêu Định tính cefixim theo tiêu chuẩn cơ sở.
Trước đó, cuối tháng 7, Cục Quản lý dược cũng có văn bản gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố về việc thuốc kháng sinh Cefixim 200 giả, trong đó đề nghị phối hợp với các cơ quan điều tra, xác minh thông tin và truy tìm nguồn gốc về sản phẩm Cefixim 200 giả, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm...
Hậu quả khôn lường với người bệnh
Theo BSCKII Lê Công Tước - Giám đốc Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang, thuốc giả, thuốc kém chất lượng có thể hiểu một cách đơn giản là trong những thuốc này có chứa các hoạt chất, dược kém chất lượng hoặc không đủ hàm lượng dược. Đối với những người mắc các bệnh thông thường, thuốc giả có thể không đến mức gây nguy cơ đến tính mạng nhưng cũng có thể để lại hậu quả như kháng kháng sinh, tốn kém về kinh tế vì dùng thuốc nhưng bệnh lâu khỏi.
Trong trường hợp người bệnh nặng cần phải sử dụng các loại thuốc đặc trị, kháng sinh, mà dùng phải thuốc giả, thì “thời điểm vàng” để cứu sống bệnh nhân sẽ trôi qua, dẫn đến hậu quả bệnh ngày càng nặng thêm, thậm chí có thể tử vong. Những người mắc các bệnh mãn tính như tăng huyết áp, đái tháo đường, hen suyễn… nếu dùng phải thuốc giả thì rất nguy hiểm cho tính mạng, vì quá trình điều trị không hiệu quả, bệnh ngày càng nặng hơn.
Tuy nhiên, BS Tước cho rằng người dân không nên quá hoang mang trước xu hướng gia tăng các cảnh báo thuốc giả trong thời gian gần đây của phía cơ quan chức năng.
“Có thể khẳng định, thuốc giả không thể xuất hiện trong bệnh viện. Do vậy, người dân hoàn toàn có thể yên tâm tới các cơ sở y tế thăm khám khi gặp vấn đề về sức khỏe. Ngược lại, một phần nguyên nhân khiến thuốc giả có thể lan tràn dễ dàng trên thị trường là do tâm lý ngại khám bệnh, ngại đi viện, tự làm bác sĩ của một bộ phận người dân. Với sự bùng nổ của mua bán online như hiện nay, nếu người dân không tỉnh táo, thay vì tin vào bác sĩ lại tin vào các đơn thuốc truyền miệng, những quảng cáo trên mạng thì rất nhiều nguy cơ có thể xảy ra cho sức khỏe, và thuốc giả, thuốc nhái kém chất lượng là một trong những nguy cơ đó”- BS Tước nhấn mạnh.
Ngoài những nguy cơ như kháng kháng sinh, chậm khỏi bệnh, khó khăn cho điều trị ra thì thuốc giả, thuốc nhái còn có nguy cơ rất cao khiến người sử dụng bị dị ứng, thậm chí là sốc phản vệ, đồng thời còn gây hại cho gan, thận. Không chỉ ở phía người bệnh, nếu vấn nạn thuốc giả tiếp tục tràn lan thì các bác sĩ, các cơ sở y tế, các nhà sản xuất thuốc cũng có thể bị ảnh hưởng trầm trọng đến uy tín, mất đi niềm tin của người sử dụng. Mặc dù vậy, nguy cơ những loại thuốc giả, thuốc kém chất lượng có thể “lọt” được vào các cơ sở y tế, các nhà thuốc lớn là không cao, bởi quá trình đấu thầu, kiểm định rất nghiêm ngặt. Tuy nhiên, vấn nạn này ở các nhà thuốc nhỏ lẻ hiện nay thế nào đang là một câu hỏi lớn. Bởi đây vẫn là những địa chỉ mua thuốc có mặt ở khắp nơi và khá thân thuộc đối với phần lớn người dân lao động.
Siết quản lý thị trường thuốc
Trước sự sự bát nháo của thị trường thuốc, thực phẩm chức năng thời gian qua, Bộ Y tế cho hay trong thời gian tới sẽ tiếp tục áp dụng các biện pháp để ngăn chặn tình trạng sản xuất, kinh doanh các sản phẩm giả, kém chất lượng.
Mới đây, trả lời kiến nghị của cử tri về tình trạng thuốc giả, thuốc kém chất lượng đang tồn tại dai dẳng, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết: Bộ Y tế đang xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược 2016; trong đó có sửa đổi, bổ sung các nội dung liên quan đến công tác quản lý chất lượng thuốc theo hướng minh bạch, chặt chẽ hơn. Bên cạnh đó, Bộ Y tế tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực dược theo quy định của pháp luật, nhằm ngăn chặn việc sản xuất và đưa ra lưu thông thuốc giả, thuốc kém chất lượng.
Ngoài ra, công tác truyền thông cũng sẽ được đẩy mạnh, thông qua việc phối hợp với các cơ quan truyền thông, đăng công khai thông tin các thuốc vi phạm chất lượng phải thu hồi trên phạm vi toàn quốc; thông tin về thuốc giả, thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ (trong đó có liệt kê đầy đủ dấu hiệu phân biệt giữa thuốc được phép lưu hành tại Việt Nam với thuốc giả, thuốc không rõ nguồn gốc, xuất xứ).
Bộ Y tế sẽ tiếp tục tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng như Ban chỉ đạo 389 các cấp; công an, quản lý thị trường, Sở Y tế các địa phương trong công tác đấu tranh đối với thuốc kém chất lượng; thuốc giả, thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Chiều 19/8, tại Phiên họp 36, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội trong tháng 7. Trước sự lo lắng của cử tri về giá thuốc tại các cơ sở y tế, phòng khám, nhà thuốc chênh lệch, không thống nhất, Ban Dân nguyện đề nghị Bộ Y tế phải siết chặt quản lý giá thuốc bảo đảm công khai, minh bạch khi lưu hành thuốc trên thị trường.
Theo Ban Dân nguyện, Bộ Y tế cần có những quy định cụ thể nhằm siết chặt quản lý giá thuốc nhằm bảo đảm công khai, minh bạch khi lưu hành thuốc trên thị trường. Đồng thời, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân kinh doanh và người tiêu dùng bởi thuốc là một loại hàng hóa đặc biệt, liên quan trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng con người.
Theo BS Nguyễn Huy Hoàng - Trưởng bộ phận điều trị oxy cao áp, Trung tâm Nhiệt đới Việt – Nga, Bộ Quốc phòng, để tránh nguy cơ người dân sử dụng thuốc giả, thuốc nhái, thuốc kém chất lượng, người dân cần tuyệt đối không tự ý mua thuốc theo những đơn thuốc trôi nổi trên mạng, truyền tai mà cần mua theo đơn thuốc của bác sĩ. Nên mua thuốc tại những cơ sở có uy tín. Ở góc độ quản lý, các nhà thuốc cần có đăng ký về thuốc mua một cách rõ ràng. Bên cạnh đó cũng cần hỗ trợ thêm cho các nhà thuốc nhỏ lẻ về mặt công nghệ, nâng cao tiêu chuẩn để tránh khả năng thuốc giả có thể xâm nhập.