6 tháng đầu năm 2024, Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) tiếp nhận 100 ca ngộ độc cấp thuốc lá điện tử, chủ yếu là người trẻ. Trong khi đó, không ít người lại cho rằng thuốc lá điện tử không có nicotine gây nghiện nên cũng không độc hại. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, rất nhiều người bày tỏ lo ngại nếu như thị trường thuốc lá điện tử bị thả nổi thì hậu quả sẽ khôn lường.
Đại diện Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, số ca nhập viện do ngộ độc thuốc lá điện tử (TLĐT) năm 2023 là 130 ca. Trong khi đó, chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2024 đã là 100 ca. Đáng chú ý, xét nghiệm nhiều mẫu TLĐT của bệnh nhân cho kết quả dương tính với ma túy (khoảng 13,4%).
Những năm trở lại đây, việc người trẻ sử dụng TLĐT (bao gồm thuốc lá nung nóng và các phiên bản mới) đang gia tăng, lan rộng, không chỉ ở thành phố mà còn cả ở làng xã, thị trấn. Kể cả trong môi trường học đường, TLĐT cũng đang tìm cách len lỏi. Trong TLĐT có 3 nhóm nguy cơ gây hại cho sức khỏe là nicotine, hương liệu nhân tạo và ma túy. Cũng chính từ “sự quyến rũ” của hương liệu pha trộn mà sau một thời gian hút thử, người sử dụng TLĐT tiến tới lạm dụng, nghiện.
Ở các thành phố lớn, TLĐT được bày bán mà không cần phải che giấu. Không chỉ thế, các sản phẩm TLĐT có thể dễ dàng mua qua mạng xã hội và sàn thương mại điện tử, nấp dưới các tên gọi tưởng chừng vô hại như thuốc trị mụn, mỹ phẩm làm đẹp da... Cũng chính vì thế mà trẻ em cũng có thể “qua mắt” được bố mẹ, thầy cô giáo để mua và sử dụng TLĐT.
Một vị chuyên gia đến từ tổ chức HealthBridge Canada tại Việt Nam còn cho biết, 60% các em học sinh trung học có sử dụng TLĐT nói rằng từ bạn bè chia sẻ. Với một sản phẩm đơn giản, thậm chí chỉ cần nhịn một bữa sáng là các em có thể mua được. Đáng lo ngại hơn khi các sản phẩm TLĐT có khi còn bán tại các quán nước ngay ngoài cổng trường. Đây là điều rất nguy hiểm.
Rõ ràng là TLĐT đang tìm tới trẻ em như một đối tượng khách hàng tiềm năng. Một kết quả điều tra cho thấy tỷ lệ sử dụng TLĐT trong nhóm 13-17 tuổi là 2,6% (thời điểm năm 2019). Tỉ lệ này tăng lên 3,5% vào năm 2022 và lên 7% năm 2023. Riêng trong nhóm 13-15 tuổi, điều tra năm 2023 cho thấy, tỉ lệ sử dụng lên tới 8%, trong đó trẻ trai sử dụng nhiều hơn trẻ gái (tỉ lệ 10,5% so với 5,6%). Từ năm 2019 đến năm 2023, tổng hợp con số từ gần 700 cơ sở khám chữa bệnh cho thấy có đến hơn 1.200 ca nhập viện do sử dụng TLĐT. Triệu chứng khi nhập viện chủ yếu do dị ứng, ngộ độc, tổn thương phổi cấp.
Ngày 5/6 vừa qua, giải trình chất vấn của đại biểu Quốc hội về tình trạng TLĐT, thuốc lá nung nóng chưa được thừa nhận ở Việt Nam nhưng lại được bán tràn lan trên thị trường, nhất là qua môi trường không gian mạng; Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định quan điểm của Bộ là cần phải bảo vệ sức khỏe nhân dân. Đồng thời đề xuất Chính phủ tạm dừng thông qua Nghị định về quản lý thuốc lá thế hệ mới cho đến khi Bộ Y tế đánh giá chính thức về tác hại của sản phẩm này. Ông Diên cũng cho biết, trong quá trình triển khai xây dựng Nghị định theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công thương cũng đã nhận được ý kiến của Bộ Y tế đồng tình về việc tạm dừng thông qua Nghị định và Thủ tướng đã chấp nhận.
Lâu nay, vấn đề TLĐT rất được xã hội quan tâm, lo lắng. Kinh doanh thuốc lá là ngành nghề kinh doanh có điều kiện và được điều chỉnh bởi Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá và Nghị định số 67 năm 2013 của Chính phủ. Tuy nhiên, sản phẩm thuốc lá thế hệ mới bao gồm TLĐT và thuốc lá nung nóng thì chưa được định nghĩa cụ thể trong luật hiện hành. Nói như Bộ trưởng Công thương thì đây là một "khoảng trống pháp lý". Ông Diên cũng cho biết, các vi phạm đối với các loại thuốc lá nói chung chủ yếu là do nhập lậu. Điều đó đòi hỏi phải ngăn chặn ngay từ biên giới, khi đã vào nội địa thì việc quản lý gặp nhiều khó khăn.
Giữa tháng 5/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Công điện số 47 về tăng cường quản lý TLĐT, thuốc lá nung nóng. Hy vọng thời gian tới, việc phổ biến TLĐT tại Việt Nam sẽ được ngăn chặn. Nhiều ý kiến cho rằng muốn đạt hiệu quả thì cần nhanh chóng cấm nhập khẩu, sản xuất, phân phối và bán các sản phẩm TLĐT, các sản phẩm thuốc lá nung nóng, cũng như cấm quảng cáo và khuyến mãi các sản phẩm này. Bên cạnh đó, cần quy định rõ trách nhiệm thực thi và chế tài; đưa vào Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá (sửa đổi).