Theo một số nghiên cứu, thuốc lá điện tử đang làm thay đổi tỷ lệ hút thuốc ở thanh thiếu niên dưới 18 tuổi – tỷ lệ người hút thuốc lá điện tử đã tăng 13 lần từ năm 2015-2019. Đây là những số liệu đáng báo động được các chuyên gia chia sẻ tại Hội nghị nâng cao năng lực truyền thông về phòng chống tác hại của thuốc lá do Bộ Thông tin và truyền thông tổ chức chiều 26/12 tại Hà Nội.
Phát biểu tại Hội nghị, bà Nguyễn Thị Thu Hương, Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá, Bộ Y tế thông tin, tỷ lệ hút thuốc lá điện tử ở người trưởng thành từ 15-24 tuổi (năm 2020 so với năm 2015) tăng 18 lần (từ 0,2% lên 3,6%) trong đó: Tỷ lệ ở nam giới tăng 14 lần (từ 0,4% lên 5,6%); Tỉ lệ nữ giới tăng 10 lần (từ 0,1% lên 1%) đặc biệt tập trung cao ở nhóm tuổi 15-24 tuổi với tỉ lệ là 7,3% (Theo Điều tra tình hình sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành tại 34 tỉnh năm 2020).
Tỷ lệ sử dụng thuốc lá ở học sinh nhóm tuổi 13-15 tuổi tăng từ 0,2% năm 2014 lên 0,8% năm 2022. Bên cạnh đó, tình hình sử dụng các sản phẩm thuốc lá mới như thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng trong giới trẻ đang có xu hướng gia tăng. Theo đó, tỷ lệ hút thuốc lá điện tử trên 15 tuổi tăng từ 0,2% năm 2015 lên 3,6% năm 2020, đặc biệt tập trung ở nhóm tuổi 15 - 24 tuổi với tỷ lệ là 7,3%. Ở nhóm tuổi học sinh từ 13-15 tuổi, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử là 3,5%, trong đó học sinh nam là 4,3%, học sinh nữ là 2,8%.
"Mặc dù đã đạt được rất nhiều thành tựu trong công tác phòng chống tác hại của thuốc lá như tỷ lệ sử dụng thuốc ở nam giới trưởng thành giảm từ 47,4% năm 2010 xuống 42,3% năm 2020, trong đó sử dụng thuốc lá trong thanh niên độ tuổi 15-24 tuổi giảm từ 26% xuống 13%. Thế nhưng, với sự gia tăng của các sản phẩm thuốc lá mới, những kết quả chúng ta đã đạt được trong việc giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá điếu trong gần 10 năm qua có thể bị phá bỏ".
Các chuyên gia cảnh báo, sản phẩm thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng có chứa nicotine, có khoảng 15.500 loại hương liệu được sử dụng, trong đó rất nhiều loại hương liệu độc hại, gây ảnh hưởng đến sức khoẻ, có thể gây cháy nổ và pha trộn các chất khác vào dung dịch (ma tuý, cần sa). Trong khi đó, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng đưa ra khuyến cáo thuốc lá điện tử nguy hại hơn thuốc lá truyền thống. Nó có thể gây tác động sớm đối với sức khoẻ, hoặc gây bệnh phổi kẽ. Nếu so với căn bệnh ung thư phổi, bệnh phổi kẽ tiến triển nhanh và tiên lượng xấu hơn. Ngoài ra, thuốc lá điện tử cũng không có công dụng cai nghiện thuốc lá điếu thông thường.
Tại Hội nghị, TS. BS. Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, thuốc lá điện tử gây giảm khả năng chống vi khuẩn, virus; Thay đổi cấu trúc đường hô hấp theo hướng giúp vi khuẩn phế cầu dễ xâm nhập gây viêm phổi; Tiếp xúc thuốc lá điện tử, khi bị nhiễm Rhinovirus gây bệnh ở người thì tải lượng virus tăng, tình trạng viêm nặng hơn, khả năng đề kháng giảm đi; Làm giảm biểu hiện của hơn 300 gen liên quan miễn dịch; nguy cơ gây ung thư mức độ 2B.
"Những hóa chất có trong thuốc lá điện tử có khả năng phát sinh một loạt các bệnh hay các trường hợp ngộ độc mới nổi mà trong đó có những ca bệnh thậm chí y học chưa biến đến và cũng không thể đoán trước bởi nó có thể thay đổi liên tục. Đơn cử như vào khoảng 2019-2020, Mỹ đã ghi nhận 1 bệnh lý mới về tổn thương phổi cấp liên quan tới thuốc lá điện tử. Các ca bệnh tăng mạnh và đạt đỉnh vào tháng 9/2019, tính đến 2/2020, toàn nước Mỹ ghi nhận 2.807 ca mắc bệnh và 68 ca tử vong do bệnh lý mới này. Đáng lo ngại hơn nữa ghi thuốc lá điện tử cũng chính là môi trường cho các loại ma túy mới tồn tại", TS. BS. Nguyễn Trung Nguyên nói và đề xuất, cần khẩn cấp cấm lưu hành thuốc lá điện tử ở Việt Nam.