Trương Định Nghĩa, chàng thanh niên được Trung ương Đoàn trao tặng Huy hiệu “Tuổi trẻ dũng cảm” vì đã cứu 4 học sinh đuối nước có gia cảnh hết sức thương tâm.
Trước đó, em Trương Định Nghĩa (học sinh lớp 10B4, trường THCS và THPT Cửa Việt (huyện Gio Linh, Quảng Trị) được nhiều người biết đến vì đã cùng các em Đoàn Anh Tuấn, Trương Hữu Việt Lào (cùng là học sinh lớp 6B, Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Gio Việt, huyện Gio Linh) dũng cảm cứu sống được 4 bạn học sinh bị đuối nước.
Về chuyện cứu người bị đuối nước, Nghĩa kể lại, trưa ngày 20/11/2021, sau khi ăn uống và dọn dẹp xong em xin phép mẹ ra hồ nước gần nhà (hồ do khai thác titan để lại) câu cá. Đến khoảng 15h cùng ngày, Nghĩa bỗng nghe tiếng kêu thất thanh của Tuấn và Lào: “Cứu người chết nước! Cứu người chết nước”.
Không một chút suy nghĩ, Nghĩa chạy lại chỗ người bị nạn và cùng với các em Tuấn, Lào cứu sống được 4 bạn học sinh lớp 7 khác đang bị đuối nước. May thay khi đi câu cá Nghĩa đã cầm theo một chiếc áo phao và ném cho bạn bị đuối nước giúp quá trình cứu người thuận lợi hơn.
Chia sẻ về chuyện này, cô Lê Như Ngọc - Giáo viên chủ nhiệm lớp 10B4 cho biết, cô đã rất bất ngờ trước hành động cứu người bị đuối nước của em Nghĩa. Bởi lẽ, thường ngày Nghĩa là học sinh ngoan hiền nhưng có phần nhút nhát, ít nói và chưa bao giờ thể hiện hành động mạnh mẽ, dũng cảm đến vậy.
Các em học sinh trường THCS và THPT Cửa Việt cũng cảm phục và nhiều em cho rằng, nếu gặp trường hợp đó bản thân sẽ lựa chọn phương án chạy đi tìm người lớn giúp đỡ chứ không dám nhảy xuống cứu người trực tiếp như Nghĩa. Và, vì thế mà có học sinh đã gọi Nghĩa là “dũng sĩ”.
Ông Lê Văn Thành, Hiệu trưởng Trường THCS và THPT Cửa Việt cho biết, ông rất tự hào với hành động nghĩa hiệp của học sinh Nghĩa đồng thời, nhắn nhủ với cán bộ, giáo viên và nhân viên trong trường rằng, hãy lấy Nghĩa làm tấm gương, làm ví dụ để giáo dục lối sống cho học sinh khác.
Được biết, Nghĩa mới lên 3 tuổi thì bố mất, 2 mẹ con ở với bà nội. Mẹ Nghĩa đau ốm, bệnh tật đã nhiều lần phải vào Bệnh viện Trung ương Huế điều trị giờ mất sức lao động. Thỉnh thoảng có người biết hoàn cảnh gia đình Nghĩa nên cho cái này, cái kia nhưng cũng chỉ là đỡ khó khăn phần nào.
Theo cô Ngọc, trường hợp của em Nghĩa đã được nhắc đến trong các cuộc họp phụ huynh và đều nhận được sự cảm thông, chia sẻ của mọi người. Bên cạnh đó, cô đã đề nghị đến các đơn vị đoàn thể nhà trường nhưng sự hỗ trợ kinh tế dành cho gia đình Nghĩa cũng chỉ dừng ở mức động viên.
Cô Ngọc mong muốn, trường hợp hoàn cảnh của em Nghĩa được nhiều người biết đến hơn nữa để các mạnh thường quân có thể hỗ trợ em trong quá trình học tập này.
Chia sẻ về tương lai của mình, Nghĩa bảo rằng, em mong muốn trở thành một chiến sĩ Công an để vừa có công việc ổn định, vừa có thêm điều kiện chăm sóc cho mẹ và bảo vệ cho những người yếu thế.