Kinh tế

Thương hiệu Việt cần 'bệ đỡ'

Thanh Giang 21/07/2024 15:46

Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp Việt đã và đang dần lớn mạnh về số lượng cũng như chất lượng. Tuy nhiên, sản phẩm được doanh nghiệp xây dựng thương hiệu vững chắc trên thị trường chưa nhiều.

Ông Vương Ngọc Dũng – Giám đốc Marketing Công ty Cổ phầm Mỹ phẩm Sài Gòn (SCC) cho hay, doanh nghiệp luôn tập trung vào chất lượng sản phẩm. Nếu không đủ chất lượng không thể tồn tại, phát triển lâu dài vì mỗi thời kỳ bán lẻ có những hình thức khác nhau.

“Để đáp ứng được các tiêu chuẩn của thị trường quốc tế, doanh nghiệp luôn sâu sát cùng các đối tác nước ngoài ngay từ đầu để sản phẩm khi xuất khẩu sẽ dáp ứng được các tiêu chuẩn”, ông Dũng nói.

Phát huy những thành công đạt được, đồng thời tìm chỗ đứng cho sản phẩm ở thị trường mới, Ông Vương Ngọc Dũng thông tin, hiện sản phẩm của doanh nghiệp đang xâm nhập vào thị trường khó tính như Nhật Bản và đang nghiên cứu thị trường Ấn Độ.

Đề cập đến quá trình xây dựng thương hiệu Việt uy tín trên thị trường, bà Võ Thị Liên Hương – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Secoin chia sẻ: “Sản phẩm gạch bông của chúng tôi được đánh giá cao về giá trị nghệ thuật, đây chính là sản phẩm thuần Việt. Hiện sản phẩm đã có mặt tại nhiều quốc gia như: Tây Ban Nha, Mexico, Brazil,... Trong suốt quá trình thành lập và phát triển chúng tôi luôn nỗ lực khẳng định thương hiệu Việt cũng như tên tuổi ra thị trường thế giới”.

gao-viet-3.jpg
Gạo Việt được bày bán tại siêu thị tại Pháp.

Vui mừng về chất lượng hàng Việt ngày càng cải thiện nhiều hơn, ông Nguyễn Anh Đức – Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam nhận định, hàng Việt đã có những chuyển biến tích cực và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Sau gần 15 năm thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, tỷ lệ người dân dùng hàng Việt đã tǎng mạnh từ mức 73% lên hơn 85%. Hàng Việt ngày càng nâng cao chất lượng, uy tín, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, doanh nghiệp Việt đã và đang dần lớn mạnh về số lượng cũng như chất lượng. Tuy nhiên, sản phẩm được doanh nghiệp xây dựng thương hiệu vững chắc trên thị trường chưa nhiều.

Thống kê từ Bộ Công thương chỉ rõ, có đến 70 - 80% tổng sản lượng hàng hoá Việt Nam là xuất thô, giá trị gia tăng thấp. Minh chứng rõ nét như ngành công nghiệp chế biến - chế tạo, có tới 95% giá trị xuất khẩu thuộc các công ty đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có thương hiệu toàn cầu riêng.

Hay như nhóm hàng hoá nông sản, là mặt hàng xuất khẩu chủ lực cung ứng cho cả thị trường trong và ngoài nước, nhưng có tới 80% sản phẩm chưa có thương hiệu...

Cần “bệ đỡ” từ nhà nước và quyết tâm của doanh nghiệp

Thực tế cho thấy, hiện đã có rất nhiều quốc gia nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam ở dạng thô, hoặc đầu tư nhà máy chế biến nông sản tại Việt Nam, sau đó sơ chế, đấu trộn, đóng gói dưới thương hiệu của đơn vị sản xuất, rồi bán ra thị trường với giá cao gấp hàng chục lần…

Tính chung trong chuỗi giá trị thương mại toàn cầu, sản phẩm Việt tồn tại chủ yếu dưới hình thức gia công, giá trị gia tăng thấp, tỷ lệ xuất khẩu qua trung gian là chính, rất ít sản phẩm có thể xuất khẩu bằng thương hiệu của mình. Điều này xuất phát từ nguyên do là thương hiệu của doanh nghiệp Việt Nam còn thiếu và yếu. Đó là một thiệt thòi rất lớn cho hàng Việt, cho doanh nghiệp Việt nói chung trên thị trường, nhất là tại thị trường quốc tế.

rau-cu-qua.jpg
Hàng Việt xuất khẩu đang cố gắng khẳng định thương hiệu bằng chất lượng và mẫu mã.

“Sản phẩm Việt đang thông qua thương hiệu của các nước khác, hoặc xuất khẩu thô để nước ngoài chế biến. Đây là vấn đề chung của các nước xuất khẩu nông sản. Tuy nhiên, việc kéo dài bao lâu phụ thuộc vào chính sách của nhà nước, quyết tâm hành động của doanh nghiệp”, ông Nguyễn Như Cường – Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ rõ hạn chế của sản phẩm Việt.

Trăn trở với vấn đề xây dựng thương hiệu cho hàng Việt, ông Nguyễn Ngọc Hòa – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM băn khoăn, phải chăng cần tìm cho sản phẩm Việt nhân tối mới, tạo nét mới cho thương hiệu Việt đi xa hơn. Nhân tố mới đó theo ông Nguyễn Ngọc Hòa chính là yếu tố xanh.

Ông Hòa giải thích, quá trình xanh hóa đòi hỏi quyết tâm rất lớn, sự kiên trì của doanh nghiệp, đặc biệt là lãnh đạo doanh nghiệp. Cần một rừng xanh - cả một cộng đồng Việt Nam đồng tâm hiệp lực chứ không phải chỉ một vài doanh nghiệp. Khi nói đến rừng cây xanh, không chỉ có vai trò chính của doanh nghiệp, mà còn có vai trò quản lý của Nhà nước.

Ông Nguyễn Như Cường cho rằng: “Xây dựng thương hiệu là do doanh nghiệp quyết định, nhà nước là bà đỡ. Thương hiệu không chỉ là nội lực của doanh nghiệp mà còn là nội lực của quốc gia”.

Đánh giá cao tầm quan trọng về thương hiệu sản phẩm, bà Lê Việt Nga – Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) cho hay, thương hiệu quốc gia Việt Nam có những bước tiến đáng mừng. Đến năm 2023 đạt 498,13 tỷ USD, tăng 15,6% so với năm 2022, xếp 33/121 thương hiệu quốc gia mạnh trên thế giới.

"Để xây dựng được thương hiệu hàng Việt, cần sự chung tay của nhiều cấp, nhiều ngành. Từ cơ quan quản lý, hiệp hội, đặc biệt là vai trò của doanh nghiệp và ngươi tiêu dùng", bà Lê Việt Nga nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thương hiệu Việt cần 'bệ đỡ'