Họ đi từ kênh rạch ra dòng sông, xuôi về hạ lưu rồi ngược lên thượng nguồn, từ bưng đồng hoang vu xuyên qua thành phố ồn ào, họ đi từ mùa nắng vắt qua mùa nước... rồi tụ hội ở đây, ven bờ dòng sông mẹ Mê Kông. Dù lớn hay nhỏ, dù nghèo khó hay dư dả thì đều có một điểm chung, gắn bó trọn đời với dòng sông Mê Kông.
Sóng nước cuối năm
Không quá phổ biến nhưng cũng không hề hiếm hoi, những cư dân thương hồ sinh sống cả đời trên ghe bên dòng Mê Kông nơi thượng nguồn vùng An Giang, Đồng Tháp hiện nay cũng đang hối hả mưu sinh ngày cuối năm. 6 giờ sáng, khi ánh Mặt trời vừa xuất hiện, từ bến đò Ô Môi (thành phố Long Xuyên) chúng tôi leo lên chiếc ghe gỗ được sửa chữa lại của chú Năm Thiết để ra chợ nổi.
So với chợ nổi Cái Răng, chợ nổi ở khu vực này ít người biết đến và gần như không khai thác du lịch nhiều. Nhưng không khí buôn bán trên chợ lại rất nhộn nhịp, vẫn giữ nguyên thói quen như hàng trăm năm trước. Dọc chiều dài hơn một cây số là hàng trăm các ghe thuyền lớn từ khắp các tỉnh Sóc Trăng, Bến Tre, Trà Vinh, Cà Mau…. Mỗi ghe có một đặc sản, được chỉ dấu bằng cây bẹo quen thuộc từ xa đã có thể nhìn thấy. Mùa nào đặc sản ấy, không thiếu thứ gì.
Những ngày này, bên cạnh những quả thơm (còn gọi là dứa, khóm), dưa hấu, dừa tươi, khô cá, khô tôm, vú sữa chúng tôi thấy thấp thoáng một vài ghe đã trưng những chậu hoa, kiểng tết.
Ghé vào một chiếc ghe chất đầy quả thơm, chúng tôi được chủ ghe đon đả mời lên chơi. Anh Đặng Văn Mạnh, 44 tuổi bảo vợ chồng anh mua chiếc ghe này có giá hơn 300 triệu đồng, dùng để buôn bán trên sông. “Vợ chồng mình quê dưới miệt Kiên Lương, mua chiếc ghe này được hơn 10 năm rồi.
Ghe dài mười sáu thước, rộng năm thước rưỡi, mỗi chuyến đầy hàng được hai chục tấn khóm. Hầu hết khóm này đều được mua dưới Châu Thành (Kiên Giang) rồi men theo kênh Rạch Giá ngược lên đây bán cho các tiểu thương ở chợ cạn. Khi nào hết thì lại quay về gom hàng rồi tiếp tục ngược lên… Hết mùa khóm, có khi gom cả dưa hấu, dưa hoàng kim đem lên bán lại”.
Cũng theo anh Mạnh, mỗi chuyến ghe chỉ đi hết một đêm nhưng để bán hết chỗ khóm này, vợ chồng phải neo trên chợ nổi có khi nửa tháng, tùy thời điểm. Lúc này chúng tôi mới bước lên ghe, một mùi thơm ngào ngạt của thơm chín hòa quyện trong tiếng sóng vỗ ì oạp và tiếng ghe vỏ lãi chạy bành bành bao trùm.
Ghe được anh chia làm 2 phần trên dưới. Phần trên là nơi ăn ở, có vách ngăn gỗ còn phần dưới để chất hàng hóa. Tiện nghi trên ghe khá đầy đủ, có cả tivi, tủ giữ đá lạnh và bếp nấu ăn cùng một số vật dụng khác.
Anh Mạnh bảo trước trên ghe có cả thảy 5 người nhưng hồi đầu năm, hai đứa con anh xin ở lại trên bờ. Đứa lớn làm công nhân bên Hà Tiên còn đứa nhỏ ở với ông bà ngoại để đi học cấp 3. Hiện trên ghe chỉ có hai vợ chồng anh và mẹ anh.
Tại chợ nổi Long Xuyên, những ghe thuyền vừa buôn bán, vừa là nơi sinh sống như của gia đình anh Mạnh không hiếm, thậm chí rất nhiều. Ngay bên cạnh, một chiếc ghe cùng kích cỡ khác cũng đang neo đậu.
Chủ ghe là bà Nguyễn Thị Hòa, 54 tuổi ở Cái Nước, Cà Mau cho biết bà sinh sống trên ghe từ lúc chào đời, lấy chồng xong vẫn ở trên ghe. Hơn chục năm trước, chồng qua đời nên bà vay mượn mua chiếc ghe này để buôn khô từ dưới quê lên Long Xuyên.
Trên ghe, ngoài vợ chồng cậu con thứ 2 là hai đứa cháu nhỏ. Bà kể, nghề buôn khô rất cực vì phải bỏ vốn nhiều, tích trữ có khi cả nửa năm mới bán hết. “Cuối năm là lúc khô bán chạy nhất. Khách thường mua khô sặc, khô cá dứa, khô tôm, khô cá kèo…
Nhưng không chỉ có ở chợ Long Xuyên này, tuần tới tôi còn ngược lên mạn Hồng Ngự, Tân Châu để bán cho mấy tiểu thương trên đó. Ngoài khô, ghe tôi còn lấy thêm cả mắm dưới quê mang lên trên này bán. Nếu bán hết thì tôi xuôi về U Minh, Cửa Lớn, Cái Nước lấy chuyến hàng nữa lên bán tết. Còn chưa hết thì phải chờ tiếp”, bà Hòa kể.
Theo những chủ ghe thương hồ nơi đây, dù có lúc họ neo ghe ở đây một vài tuần hay cả tháng nhưng khúc sông này không phải là nơi sinh sống của họ. Nhiều người thậm chí còn không rõ quê quán của bản thân, bởi đã ở trên sông từ lúc chào đời.
Ít bữa nữa, họ lại đi nơi khác, cũng đâu đó ven dòng Mê Kông để lấy hàng, bỏ hàng cho sinh kế của mình. Thậm chí, ngay cả bản thân họ cũng chưa chắc chắn tháng tới, năm tới sẽ neo lại khúc sông nào.
Ba đời trên chiếc ghe cũ
Là một trong những dòng sông hùng vĩ nhất thế giới, không khó hiểu khi Mê Kông ôm vào lòng tất thảy mọi kiếp người, mọi số phận. Ở đó, những phận người nghèo khổ hay những chủ ghe buôn chuyến lớn đều là chung sống hòa thuận cùng dòng Mê Kông.
Nếu như những ghe buôn bán thương hồ đường dài thuộc loại “khá giả” thì cũng ngay cạnh đó là một xóm những chiếc ghe, thuyền được cải tạo lại để làm thành những căn nhà nổi. Họ cũng là những thương hồ, sinh sống dựa vào khu vực chợ nổi Long Xuyên này nhưng theo một cách khác, gian khó, vất vả và bấp bênh hơn rất nhiều. Đặc biệt, hầu hết trong số họ là những người Việt từ khu vực Biển Hồ Tonle Sap (Campuchia) xuôi về đây.
Sau hành trình dài cả ngàn cây số, thật lạ, họ vẫn ở trên dòng Mê Kông. Nhưng đây là dòng Mê Kông của quê hương, của cố xứ với những cái tên quen thuộc như sông Hậu, sông Tiền…
Theo mong muốn của chúng tôi, ông Năm Thiết ghé ghe vào một căn nhà nổi như vậy. Chủ ghe, chị Cháy có gương mặt cũng như cái tên. Chị kể hồi năm 12 tuổi, còn ở cùng cha mẹ bên Biển Hồ thì đang đêm, cả chiếc ghe của gia đình chị bất ngờ bốc cháy. Tám thành viên lớn nhỏ trong gia đình khi ấy chỉ kịp la lớn rồi nhảy xuống nước.
Do chị vướng vào một chiếc áo nên bị ngã, bỏng khuôn mặt và cổ, cánh tay. Tài sản lớn nhất của gia đình là chiếc ghe biến thành than củi trên mặt nước. Nhưng đau đớn hơn, nguyên nhân là do anh trai chị, một người nửa tỉnh, nửa điên không hiểu sao châm lửa đốt. Thế rồi gia đình chị thu xếp, vay mượn chừng hơn một năm sau mua chiếc ghe nhỏ, xuôi theo dòng Mê Kông về khu chợ nổi Long Xuyên này. Gương mặt bị cháy xém của chị biến thành cái tên như mọi người gọi từ bấy đến giờ.
Hiện, chị cùng mẹ già và ba đứa cháu nhỏ ở trên ghe buôn bán hàng tạp hóa. Gọi là tạp hóa nhưng tôi chỉ thấy treo mấy gói bim bim, dầu gội đầu, mấy bình ga mini, lọ nước rửa chén và mấy cuộn giấy vệ sinh. Em trai và vợ chồng người chị gái của chị thì làm công việc bốc dỡ hàng cho các ghe buôn, hoặc chạy vỏ lãi chở nông sản lên cù lao Mỹ Hòa Hưng cho mấy chủ ghe nếu có khách đặt.
Bên cạnh, cũng một chiếc ghe xập xệ, che chắn bằng đủ thứ vật liệu tềnh toàng là bà Ba, 69 tuổi. Bà Ba có cậu con trai cách đây hai năm lên bờ làm nghề chạy xe thồ (xe ôm) nhưng chẳng may bị tai nạn giao thông mất. Nhà mấy đời trên sông, bà thiêu con rồi trải tro cốt ngay chính sông này. Hiện trên ghe chỉ có bà, cô con dâu cùng hai đứa cháu.
Hàng ngày bà đi nhặt ve chai, hái rau muống nước, bông điển điển, bông súng còn cô con dâu chạy ghe vỏ đi bán cơm chiên, bún xào cho những cư dân khác trên chợ nổi. Trên chiếc ghe rộng chừng tám mét vuông được che chắn bằng đủ thứ vật liệu khác nhau là 4 con người, thuộc 3 thế hệ. Họ đều sinh ra, lớn lên, dựa vào và tồn tại trên dòng sông Mê Kông.
Nhưng tôi nghĩ, có lẽ không chỉ 3 thế hệ trước mặt tôi kia mà trước đó, và cả sau này nữa, sẽ còn nhiều thế hệ tiếp tục sinh ra, sống cùng dòng sông này. Và họ chết đi, hòa xác thân cũng vào dòng sông này…
Nắng đã lên cao, phía xa xa cầu Vàm Cống, một công trình hùng vĩ bậc nhất của dải đất châu thổ Cửu Long Giang uốn lượn mang đến niềm hạnh phúc cho bao người nhờ sự tiện lợi đáng mong ước. Nhưng ở lòng sông, sinh kế của những con người nhỏ bé mưu sinh cùng dòng Mê Kông dường như bị thu hẹp lại. Dòng máu thương hồ có thể chảy từ đời này qua đời khác nhưng không nằm ngoài quy luật rằng những người thương hồ sông nước đang ngày càng khó khăn, nhọc nhằn.