Sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử (TMĐT) không chỉ tạo ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp, mở rộng thị trường và nâng cao sức cạnh tranh mà còn mang đến những thách thức mới trong công tác quản lý thuế. Điều này đặt ra yêu cầu cấp thiết về việc xây dựng và tối ưu hóa các giải pháp quản lý thuế nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững của TMĐT.
Áp dụng công nghệ số để quản lý
Thống kê của Tổng cục Thuế, doanh thu thuế từ TMĐT tăng đều qua các năm: 83.000 tỷ đồng (năm 2022), 97.000 tỷ đồng (năm 2023) và chỉ trong 7 tháng đầu năm 2024 đã đạt hơn 78.000 tỷ đồng. Sự gia tăng mạnh mẽ này không chỉ đến từ các doanh nghiệp (DN) trong nước, mà còn từ các nền tảng quốc tế như: Google, Facebook và Amazon.
Theo đánh giá của PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính), nỗ lực của Tổng cục Thuế cũng như các cơ quan ban, ngành có liên quan như Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công thương hay Ngân hàng Nhà nước, UBND các tỉnh, thành phố, chính quyền các địa phương trong việc kết hợp để quản lý các đối tượng kinh doanh TMĐT khác nhau trên địa bàn là rất đáng ghi nhận. Tuy nhiên, những "ông lớn" như Google, Amazon,... đóng góp doanh thu không nhỏ cho trên thị trường Việt Nam, nhưng lượng thuế họ nộp chưa tương xứng. Do đó, cần phải xây dựng cơ sở dữ liệu lớn vì nó không chỉ phục vụ cho cơ quan thuế để thu đúng, thu đủ, mà còn phục vụ cho việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng như việc bảo vệ an sinh xã hội. Tiếp theo là việc ứng dụng công nghệ, phải dùng chính công nghệ mới và công nghệ số để quản lý hoạt động TMĐT hiệu quả.
Đại diện Tổng cục Thuế cho biết, ngành Thuế đã đề xuất giải pháp sửa đổi chính sách thuế một cách đồng bộ, thống nhất, không những thống nhất trong ngành Thuế mà còn thống nhất trong các bộ, ngành có liên quan đến hoạt động TMĐT.
“Chúng tôi đề xuất bổ sung quy định pháp luật theo hướng tăng cường trách nhiệm của tổ chức là chủ sở hữu sàn giao dịch TMĐT, yêu cầu sàn giao dịch TMĐT có chức năng đặt hàng trực tuyến có trách nhiệm khấu trừ khai thuế thay, nộp thuế thay cho các cá nhân kinh doanh trên sàn giao dịch TMĐT. Giải pháp này góp phần cải cách thủ tục hành chính, giảm đầu mối kê khai thuế, đồng thời xét về tổng thể sẽ làm giảm chi phí tuân thủ thủ tục hành chính cho toàn xã hội do thay vì hàng chục nghìn cá nhân trực tiếp khai thuế với cơ quan thuế thì chỉ cần một đầu mối là sàn giao dịch TMĐT khai, nộp thuế thay” - đại diện Tổng cục Thuế chia sẻ.
Cùng với đó, ngành thuế cũng liên tục làm giàu cơ sở dữ liệu lớn về TMĐT, thu thập thông tin từ nhiều nguồn, đó là thông tin do sàn cung cấp, thông tin do các nền tảng xuyên biên giới cung cấp, thông tin thu thập được qua công tác kiểm tra, thông tin thu thập trên internet, thông tin kết nối chia sẻ từ các bộ ngành.
Hàng hóa giá trị nhỏ cũng sẽ bị đánh thuế VAT
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nêu dẫn chứng, theo Bộ Thông tin và Truyền thông, hàng hoá nhỏ di chuyển qua biên giới theo thống kê từ tháng 1 - 6/2024, mỗi tháng có từ khoảng 1,3 tỷ - 1,9 tỷ USD hàng hóa nhỏ qua biên giới không phải đóng thuế.
“Những hàng hóa này khi đóng thuế sẽ là một con số rất lớn. Bình quân một ngày khoảng 50 triệu USD vào, ra thị trường Việt Nam, nhưng chúng ta hoàn toàn miễn. Như vậy cơ chế chính sách của chúng ta đang không phù hợp” - ông Thịnh nêu rõ và cho hay, thực tế, Liên minh châu Âu từ tháng 1/2021 đã bỏ quy định những hàng hóa có giá trị dưới 22 Euro phải đóng thuế. Thái Lan tất cả hàng hóa ra - vào quốc gia mà đều phải chịu thuế suất 7%, không kể lớn nhỏ.
“Nếu mỗi ngày chúng ta có 4 - 5 triệu đơn hàng qua biên giới thì con số thất thoát rất lớn. Vì thế hoàn chỉnh các cơ chế chính sách là việc cần làm ngay. Cơ chế chính sách của chúng ta phải phù hợp với từng điều kiện và theo đúng thông lệ. Năm 2010, bằng Quyết định 78, Chính phủ đề nghị không thu thuế đối với những khoản thu nhỏ dưới 1 triệu đồng để giải tỏa vấn đề thông quan và kiểm tra hải quan. Nhưng nay thì khác, kinh tế số chỉ cần 1 giây là đã có đầy đủ, chúng ta không phải miễn cái đó” - ông Thịnh nhấn mạnh.
Bà Nguyễn Thị Lan Anh - Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế DN nhỏ và vừa và hộ kinh doanh, cá nhân, Tổng cục Thuế cho biết, Bộ Tài chính cũng đang trình Chính phủ sửa Nghị định 12, trong đó có đề xuất quản lý đối với TMĐT. Đó là việc các tổ chức, cá nhân, các hộ kinh doanh có thể ủy quyền cho các sàn giao dịch điện tử để các sàn này có thể xuất hóa đơn thay cho người kinh doanh thông qua sàn. Thông qua giải pháp này, tất cả các giao dịch TMĐT dù lớn hay nhỏ, giá trị bao nhiêu cũng sẽ được xuất hóa đơn đầy đủ.
Theo bà Lan Anh, xuất hóa đơn đầy đủ sẽ hỗ trợ quản lý thuế, quản lý doanh thu và quản lý giao dịch có hợp pháp hay không, giúp người bán hàng chứng minh được nguồn gốc hàng hóa. Khi đó hàng hóa trên thị trường Việt Nam có thể nâng cao tính cạnh tranh, chống được tình trạng hàng giả, hàng nhái và hàng kém chất lượng, đặc biệt là sẽ bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, góp phần tạo điều kiện tạo thị trường cạnh tranh lành mạnh.