Chiều ngày 7/1, tại TP Mỹ Tho, Đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo (BCĐ) Trung ương Cuộc vận động (CVĐ) “người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn làm trưởng đoàn đã có buổi kiểm tra giám sát công tác thực tế và làm việc với BCĐ thực hiện CVĐ của tỉnh Tiền Giang.
Hội nghị do ông Trần Thanh Mẫn, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam đồng chủ trì.
Tại buổi làm việc, ông Trần Thanh Mẫn đã đánh giá cao các sản phẩm hàng Việt, đặc biệt là trái cây, nông sản của tỉnh Tiền Giang đã có mặt ở hầu hết các hội chợ, phiên chợ, triển làm hàng Việt trong nước và quốc tế. Theo ông Mẫn thì tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long vốn được coi là vùng có thế mạnh về trái cây, thế nhưng không đâu có thể so sánh được với Tiền Giang.
“Chúng tôi đi thực tế ở thị xã Gò Công hay là tại Hợp tác xã (HTX) Thương mại – Dịch vụ phường 1, TP Mỹ Tho vào sáng nay thì thấy rõ ràng là Tiền Giang làm rất tốt cái này. Bản thân tôi cũng rất bất ngờ vì không thể ngờ là từ sau đổi mới đến nay vẫn có những mô hình HTX dịch vụ có quy mô doanh số lên đến trên 755 tỷ đồng mà trong đó hàng Việt có doanh số lên đến trên 630 tỷ đồng”, ông Mẫn đánh giá.
Báo cáo kết quả thực hiện CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tại tỉnh Tiền Giang, ông Huỳnh Văn Hải, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Tiền Giang cho biết, năm qua điểm nhấn của tỉnh thực hiện CVĐ chính là công tác tuyên truyền. Trong đó, riêng Đài PT-TH tỉnh đã tổ chức 5 tọa đàm trực tiếp trên sóng truyền hình về chủ đề “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, mỗi chương trình có thời lượng 60 phút; Báo Ấp Bắc thực hiện hàng trăm tin bài, phóng sự ảnh tuyên truyền về CVĐ; hàng chục các chương trình văn hóa văn nghệ tại các phiên chợ hàng Việt, thu hút hàng chục ngàn lượt người dân đến xem;…
Ông Huỳnh Thanh Phương, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam
tỉnh Tiền Giang chia sẻ về các điểm nhấn của CVĐ tại tỉnh Tiền Giang.
Ông Huỳnh Văn Phương, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Tiền Giang cho biết thêm, ngay trong nội bộ Đảng, cán bộ công chức thì cũng đã có đến hơn 970 cuộc, với trên 31.000 lượt người dự. Trong đó, BCĐ cuộc vận động tỉnh Tiền Giang đã tuyên truyền rộng khắp CVĐ ra các khu vực dân cư được hơn 15.700 cuộc, với hơn 500 ngàn lượt người được tiếp nhận thông tin.
Tại buổi làm việc, đại diện các Sở ngành, đơn vị phối hợp thực hiện CVĐ của tỉnh Tiền Giang cũng nêu một số những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.
Trong đó, ông Đoàn Văn Phương, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại Dịch vụ và Du lịch tỉnh Tiền Giang cho biết, kinh phí hỗ trợ cho các DN hiện nay mặc dù quy định là 70% nhưng thực tế cũng chỉ bớt chi phí cho DN khoảng 700 ngàn đồng, trong khi để đưa được hàng Việt về nông thôn thì DN còn phải chi phí rất nhiều các khoản khác. Do đó, ông Phương cho rằng nhất thiết phải nghiên cứu lại các chi phí hỗ trợ cho DN nếu không sẽ không khuyến khích được họ đưa hàng về nông thôn.
Ông Trần Quốc Bình, Phó GĐ Sở Công thương tỉnh Tiền Giang thì trình bày thực tế tình hình kiểm soát thị trường hàng gian, hàng giả hàng nhái hiện nay là hết sức khó khăn. Trong đó, việc cấp phép các hội chợ triển lãm cũng có vấn đề khi xuất hiện một số sản phẩm không phải hàng Việt. Thời gian qua, quản lý thị trường cũng có kiểm tra, thì thấy rằng các vấn đề này cũng gây ảnh hưởng đến hoạt động, uy tín của hàng Việt.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, ông Trần Thanh Mẫn, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam đề nghị, một vài địa phương, đơn vị còn lúng túng trong triển khai cần phải được khắc phục trong thời gian tới. Ngoài ra công tác phối hợp phải đồng bộ vì thí dụ mặt trận muốn đứng ra để tổ chức 1 phiên chợ thì cũng không đúng chức năng; Hay như Sở công thương làm một mình thì cũng không được.
Thương phẩm trái cây Tiền Giang đang được người tiêu dùng trong nước và quốc tế ưu chuộng.
“Khoảng 6.500 doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh nhưng đến hơn 95% là DN vừa và nhỏ thì đúng là khó đứng vững. Do đó ngoài phối hợp đồng bộ trong thực hiện CVĐ thì tỉnh cũng phải suy nghĩ làm thế nào đó để mà hỗ trợ thực sự cho DN mạnh lên. Phải làm sao giống như được mô hình phát triển du lịch của Tiền Giang nằm trong tốp đầu của ĐBSCL, mỗi năm khoảng 1,5 triệu du khách và giữ được khách lưu trú”, ông Mẫn chia sẻ.
Thành Luân