Công an TP Hồ Chí Minh vừa tiếp tục triển khai quyết định xử lý kỷ luật cách chức đối với sai phạm của Đại tá, Trưởng Công an huyện Bình Chánh trong vụ khởi tố, truy tố oan sai chủ quán “Xin Chào”. Trước đó, ngành Kiểm sát cũng đã tiến hành xử lý đối với các cán bộ liên quan đến vụ việc. Những động thái chỉ đạo quyết liệt, nghiêm minh của cơ quan chức năng đã cho thấy sự quyết tâm cải cách tư pháp, giữ nghiêm kỷ cương pháp luật của Đảng, Nhà nước ta, mang lại niềm tin cho dân.
Vụ việc quán cà phê Xin Chào.
Vụ việc ông Nguyễn Văn Tấn (50 tuổi, ngụ tại quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh) chủ quán cà phê Xin Chào, đối diện trụ sở Công an huyện Bình Chánh bị Công an, Viện Kiểm sát huyện Bình Chánh khởi tố rồi truy tố về hành vi kinh doanh trái phép- kinh doanh khi chưa có giấy phép đã làm xôn xao dư luận một thời gian dài.
Ngay sau khi vụ việc được đưa ra công luận, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Đinh La Thăng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có ý kiến. Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí đã trực tiếp vào cuộc xem xét, làm việc với VKSND TP Hồ Chí Minh và huyện Bình Chánh về vụ án, khẳng định ông Tấn không phạm tội, việc khởi tố, truy tố ông Tấn là oan sai.
Công an TP Hồ Chí Minh, VKSND TP Hồ Chí Minh đã họp liên ngành ra quyết định đình chỉ vụ án và bị can đối với ông Tấn. Ngày 24/4/2016, VKSND huyện Bình Chánh đã trao quyết định đình chỉ vụ án, bị can cho ông Tấn.
Về việc xử lý các cá nhân gây ra sai phạm, ngay chiều ngày 23/4, VKSND TP Hồ Chí Minh đã ra quyết định đình chỉ công tác đối với ông Lê Thanh Tòng, Phó Viện trưởng VKSND huyện Bình Chánh, ông Hồ Văn Son, kiểm sát viên sơ cấp Viện KSND huyện Bình Chánh là kiểm sát viên trực tiếp tiến hành tố tụng của vụ án.
Tiếp đó, chiều 25/4, Giám đốc CA TP Hồ Chí Minh đã công bố quyết định tạm đình chỉ công tác đối với Đại tá Nguyễn Văn Quý, Trưởng Công an huyện Bình Chánh, Thiếu tá Nguyễn Hoàng Tuân, Phó đội trưởng Đội CSĐT tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ Công an quận Bình Chánh.
Cùng với việc ông Lê Thanh Tòng nhận án kỷ luật cách chức thì ngày 23/8 vừa qua, Công an TP Hồ Chí Minh đã triển khai quyết định kỷ luật, cách chức Đại tá Nguyễn Văn Quý, người ký quyết định khởi tố bị can và kết luận điều tra với ông Nguyễn Văn Tấn. Các cán bộ liên quan như Phó đội trưởng Đội CSĐT tội phạm về trật tự quản lý kinh tế Nguyễn Hoàng Tuân bị cách chức, Đại úy Lê Hoàng Tuân bị cảnh cáo...
Từ sự quan tâm của các lãnh đạo Đảng, chính quyền, các cơ quan tố tụng từ Trung ương đến địa phương, vụ việc đã được giải quyết khẩn trương, xử lý nghiêm minh, rốt ráo. Đặc biệt, với việc xem xét làm rõ các sai phạm của các cơ quan, cá nhân liên quan cho dù ở vụ việc nhỏ, cho thấy sự quyết tâm của Đảng, chính quyền trong việc cải cách tư pháp, nâng cao tinh thần trách nhiệm, nghiệp vụ của các cơ quan, cá nhân được trao nhiệm vụ bảo vệ pháp luật, phòng tránh, giảm oan sai, đem lại công bằng cho người dân.
Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Đinh La Thăng đã khẳng định với cử tri và người dân thành phố: Những việc làm ngay được, xử lý ngay được như sự việc xảy ra ở Công an huyện Bình Chánh thì làm ngay và xử lý nghiêm. Ông Thăng cũng đã chỉ đạo xem xét, củng cố, chấn chỉnh lại Công an toàn thành phố này.
Còn với ngành kiểm sát,Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí cũng đã yêu cầu VKSND TP Hồ Chí Minh rà soát công tác xử lý vi phạm hành chính để kịp thời kiến nghị với UBND thành phố các biện pháp khắc phục, phòng ngừa vi phạm.Viện trưởng VKSND Tối cao cũng đã yêu cầu Vụ trưởng Vụ Thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra án kinh tế của VKSND Tối cao ra thông báo rút kinh nghiệm trong toàn ngành về những thiếu sót, vi phạm như đã nêu.
Lâu nay, vấn đề oan sai, những vụ việc oan sai đã gây ra không ít hệ lụy, hậu quả đau lòng. Việc công lý bị xâm phạm, pháp luật mất đi tính nghiêm minh, công bằng, khách quan cho đến việc gây ra đau khổ cho người bị oan, đã làm mất đi niềm tin của người dân vào công lý, vào chế độ.
Nguyên nhân do không ít cán bộ công quyền, trong đó có cán bộ công an, kiểm sát, tòa án, những người được giao nhiệm vụ bảo vệ pháp luật, một phần do trình độ nhưng chủ yếu chưa làm hết trách nhiệm, thậm chí coi thường pháp luật, coi thường tính mạng công dân. Và khi những sai phạm, vi phạm của cán bộ công quyền thì thường được nương nhẹ, hoặc không được làm rõ, xử lý nghiêm, để rồi cái sai lại tiếp bước cái sai.
Những việc làm kiên quyết, mạnh tay như việc xử lý sai phạm của các cơ quan, cá nhân trong vụ việc xảy ra ở quán cà phê Xin Chào đã được dư luận người dân cả nước đồng tình và hoan nghênh.
Một vụ việc dù “nhỏ như móng tay”, nhưng được xem xét, xử lý nghiêm, rút ra những bài học kinh nghiệm xương máu như vậy thì sẽ không để xảy ra những vụ việc, vụ án, những sai sót lớn. Cũng từ đó sẽ không có hoặc sẽ hạn chế đến mức thấp nhất những vụ án oan sai như Nguyễn Thanh Chấn (Bắc Giang), Huỳnh Văn Nén (Bình Thuận) và mới đây là vụ án Trần Văn Thêm (Bắc Ninh)...