Kinh tế

Thưởng Tết sẽ ra sao?

MINH DUY 17/12/2023 09:07

Với người lao động, dù khó khăn bao nhiêu thì vẫn mong ngóng tiền thưởng Tết. Vậy nên doanh nghiệp có trách nhiệm xã hội cao luôn coi thưởng Tết là cách giữ chân người lao động, tăng năng suất làm việc.

cong-ty-hien-le-hai-duong-2.jpg
Thưởng Tết là khoản thu nhập ngoài lương được mong chờ nhất của người lao động. Ảnh: Quang Vinh.

Năm 2023, dù phần lớn số doanh nghiệp đảm bảo được đời sống, việc làm cho người lao động, song một bộ phận doanh nghiệp vẫn tiếp tục thiếu đơn hàng. Do đó giới chuyên gia nhận định, lương, thưởng Tết năm nay sẽ gặp nhiều khó khăn.

Xoay xở thưởng Tết

Trong quý IV/2023, nhiều doanh nghiệp phục hồi, tăng trưởng trở lại sau dịch bệnh Covid-19, nhưng cũng có không ít đơn vị vẫn “ngóng” đơn hàng, cắt giảm giờ làm, tiền lương của người lao động. Dù vậy doanh nghiệp vẫn nỗ lực lo mức thưởng Tết năm 2024 trong khả năng có thể.

Theo đại diện công đoàn công ty ở Khu Công nghiệp Bắc Thăng Long (Hà Nội), đa số các doanh nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh do đơn hàng giảm nhưng nhiều công ty vẫn cố gắng duy trì mức thưởng Tết như mọi năm.

Ông Nguyễn Hoàng Long - Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Matsuo Industries Việt Nam, cho biết: Nếu tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp quá khó khăn, mức thưởng Tết sẽ giảm hơn năm trước nhưng không quá nhiều. Bởi các đơn vị vẫn muốn giữ chân người lao động để chờ nền kinh tế phục hồi vào năm 2024.

Thời điểm này, gần 400 công nhân của Công ty Công ty TNHH Sản xuất Sanwa Việt Nam (Khu công nghiệp Đình Trám, huyện Việt Yên, Bắc Giang) vẫn đều đặn đến nhà xưởng sản xuất các sản phẩm phụ tùng, linh kiện cho nhiều hãng ôtô để xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản. Toàn bộ máy hoạt động 24/24 giờ, công nhân chia 3 ca để kịp các đơn hàng đang vào giai đoạn nước rút trong quý cuối cùng của năm.

Ông Vũ Thanh Tùng - Trưởng phòng cấp cao phòng hành chính nhân sự Công ty TNHH Sản xuất Sanwa Việt Nam, cho biết: Hiện nhà xưởng vẫn sáng đèn, tất cả đều nỗ lực để nâng công suất sản xuất để xuất xưởng hàng triệu linh kiện ôtô trong tháng cao điểm này nhằm kịp vận chuyển sang Nhật Bản. Doanh thu trong năm nay của chúng tôi dự kiến tăng trên 10% so với cùng kỳ; thưởng Tết cho công nhân vẫn được đảm bảo, dao động 1 tháng thu nhập và không có công nhân nào bị cắt giảm hoặc ngừng việc.

Tại Công ty TNHH GGS Việt Nam (KCN Bờ trái Sông Đà, Hòa Bình), bà Vũ Huyền Sâm - Chủ tịch công đoàn Công ty cho biết, dù 3 tháng cuối năm, đơn hàng tại công ty giảm đáng kể, nhưng công đoàn vẫn đề xuất mức thưởng Tết để đảm bảo quyền lợi cho công nhân. Cụ thể, dự kiến số tiền thưởng thấp nhất bằng mức lương tối thiểu vùng là hơn 4,1 triệu đồng. Ngoài ra, còn có các mức thưởng khác như thưởng thâm niên, thưởng chuyên cần sẽ dao động từ 1 - 4 triệu đồng. Bên cạnh đó, phía công ty cũng đã chuẩn bị 30 vé xe Tết và 50 phần quà cho công nhân ở xa, có hoàn cảnh khó khăn.

Khu vực phía Nam, Công ty CP Sài Gòn Food vừa công bố kế hoạch chăm lo Tết, cũng như thưởng Tết cho người lao động. Theo đó, công ty này quyết định chi hơn 30 tỉ đồng chăm lo cho người lao động trong dịp Tết Giáp Thìn 2024. Cụ thể, công ty thưởng 2 tháng lương cho người lao động. Trong đó, người lao động đã nhận trước 1 tháng lương chi trong năm, phần còn lại sẽ được chi trước khi người lao động về quê đón Tết.

Ban Giám đốc Công ty TNHH Hwaseung Vina (Khu công nghiệp Nhơn Trạch 1, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai) - đơn vị có 10.000 lao động cũng vừa thông báo thưởng 1 tháng lương cho người lao động. Tiền thưởng được thanh toán vào ngày 2/2/2024.

Sụt giảm khoảng 30% đơn hàng từ đầu năm, hoạt động sản xuất công ty gặp khó khăn, để xoay chuyển, Công ty may mặc Dony (TPHCM) chuyển hướng sang thị trường mới, chấp nhận những mẫu sản phẩm có đơn giá thấp. May mắn khi đơn hàng được phục hồi từ quý IV, công ty đang xem xét tiền thưởng Tết cho người lao động.

"Chế độ thưởng năm nay là ngoài một phần quà Tết cho mọi người, hai là thưởng bằng tiền mặt từ 1 - 3 tháng lương. Ngoài ra công ty có thưởng thêm vàng cho một số lao động có thành tích vượt trội trong giai đoạn vừa qua", ông Phạm Quang Anh - Giám đốc Công ty may mặc Dony thông tin.

Cách giữ chân người lao động

Dù vậy, cũng có những đơn vị người lao động đang lo thưởng Tết giảm, thậm chí không có tiền thưởng Tết. Như nhiều công nhân tại Công ty May Phù Yên (huyện Phù Yên, Sơn La) lại lo sợ rằng, khoản thưởng Tết năm nay sẽ giảm.

Bởi, đã 3 tháng nay, tình hình sản xuất kinh doanh của công ty cũng gặp nhiều khó khăn. Đơn hàng giảm đi đáng kể, thậm chí, công ty đã phải cho công nhân nghỉ ngày thứ 7 do không có việc. "Tết Nguyên đán năm 2023, tiền thưởng Tết của công nhân dao động từ khoảng 2 - 4 triệu đồng. Năm nay, dù chưa có thông tin cụ thể về mức thưởng Tết nhưng chúng tôi lo sợ sẽ giảm đáng kể so với năm ngoái" - một công nhân tại đơn vị này cho hay.

Tình trạng khó khăn cũng xảy ra tại Công ty TNHH Thanh Nhung (KCN Mai Sơn, Sơn La). Doanh nghiệp phải đóng cửa 6 tháng nay do không có đơn hàng, gần 40 công nhân rơi vào hoàn cảnh thất nghiệp, đồng nghĩa với việc không có tiền thưởng Tết.

Liên quan tới tiền thưởng Tết, theo bà Nguyễn Thị Thủy - Phó Chủ tịch Công đoàn Dệt may Việt Nam, các chủ sử dụng lao động cũng chưa ra quyết định cuối cùng nên chưa có thông tin chính xác. Điều này, là khác hơn so với mọi năm. Bởi các năm trước đây, các đơn vị thường có kế hoạch dài hơn cho các chính sách phúc lợi, hỗ trợ người lao động cuối năm, khoảng trước Tết Nguyên đán từ 3 - 6 tháng.

Hiện nay các doanh nghiệp cũng đang cố gắng, cân não bởi nếu mức thưởng thấp hơn thì có thể dẫn đến thiếu hụt lao động, còn cao hơn thì doanh nghiệp cũng rất khó khăn.

Ở góc nhìn khác, ông Lê Quang Trung - nguyên Phó Cục trưởng phụ trách Cục Việc làm (Bộ LĐTBXH) phân tích: Nhiều doanh nghiệp đã được phục hồi, có thêm nhiều đơn hàng, đặc biệt với doanh nghiệp xuất khẩu, gia công, dịch vụ… Các doanh nghiệp đều muốn thưởng Tết để động viên, giữ chân người lao động ở lại. Do đó, có thể thưởng Tết 2024 sẽ cao hơn 2023. Tôi tin rằng chủ doanh nghiệp sẽ cố gắng tìm mọi cách để thưởng Tết cho người lao động, có thể bằng tiền, cũng có thể bằng hiện vật, thậm chí bằng chính những sản phẩm mà doanh nghiệp sản xuất.

Đồng hành chăm lo Tết cho người lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam vừa công bố chương trình “Chợ Tết Công đoàn 2024” dịp Tết Nguyên đán sẽ khai mạc vào ngày 21/1/2024 (tức ngày 11 tháng Chạp năm Quý Mão 2023); các đơn vị khác sẽ tổ chức từ ngày 2/1/2024 đến ngày 31/1/2024.

Thông qua chương trình sẽ huy động sự tham gia, chung tay của cấp ủy, chính quyền địa phương, người sử dụng lao động và toàn xã hội nhằm chăm lo ngày càng tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần cho đoàn viên, người lao động.

Cùng với đó là đưa các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ chất lượng của các doanh nghiệp, đơn vị trong nước đến đông đảo đoàn viên, người lao động theo tinh thần của Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" trong tình hình mới; giúp đoàn viên, người lao động có cơ hội tiếp cận hàng hóa đảm bảo chất lượng, giá ưu đãi.

Trong Chương trình "Chợ Tết Công đoàn năm 2024", các cấp Công đoàn sẽ tổ chức các gian hàng cung cấp các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu với mức giá ưu đãi, bảo đảm chất lượng và gian hàng 0 đồng; tặng quà cho đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn, có thành tích xuất sắc trong sản xuất, kinh doanh và tham gia hoạt động Công đoàn; các hoạt động văn hóa, văn nghệ, vui chơi cho đoàn viên, người lao động; tư vấn pháp luật; tư vấn sức khỏe, cấp phát thuốc miễn phí cho đoàn viên, người lao động…

Mỗi Chương trình tổ chức trong thời gian từ 3 ngày trở lên; địa điểm tổ chức các chương trình là tại khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế hoặc khu vực tập trung đông đoàn viên, người lao động; phấn đấu mỗi chương trình thu hút sự tham dự của ít nhất 5.000 lượt đoàn viên, người lao động…

Ông Lê Đình Quảng - Phó trưởng Ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) nhìn nhận: Về khoản tiền thưởng tết ngoài ý nghĩa vật chất còn có ý nghĩa động viên về tinh thần rất lớn. Đây cũng là cách để công ty giữ chân người lao động.

Tuy nhiên thưởng Tết cao hay thấp phụ thuộc vào sức khỏe của doanh nghiệp. Chỉ cần doanh nghiệp ý thức, trách nhiệm với công nhân thì mức thưởng cao hay thấp chắc không phải là vấn đề lớn.

"Thông thường các doanh nghiệp chỉ thưởng 1 tháng lương cơ bản. Kinh tế khó khăn, doanh nghiệp sụt giảm đơn hàng nên đây cũng là nỗ lực lớn của doanh nghiệp. Do vậy nếu có thể thưởng Tết 2 tháng lương cho lao động thì đây cũng là số tiền không nhỏ. Ngược lại, nếu doanh nghiệp khó khăn thì công nhân, người lao động cũng nên chia sẻ thêm với doanh nghiệp", ông Quảng nói.

Ông Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam: Thưởng Tết sẽ khó khăn
Trong kế hoạch chăm lo Tết 2024, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã giao công đoàn cơ sở giám sát việc chi trả các chế độ lương, thưởng Tết cũng như thời gian làm việc, nghỉ ngơi, tăng ca hợp lý cho người lao động. Theo kiến nghị doanh nghiệp cần công khai kế hoạch thưởng Tết chậm nhất trước ngày 19/1/2024. Từ giữa năm, chúng tôi đã có dự báo tình hình khó khăn của năm nay. Chúng tôi đã triển khai tới Liên đoàn Lao động các tỉnh chỉ đạo trực tiếp đến công đoàn cơ sở doanh nghiệp nắm bắt tình hình, phân loại các doanh nghiệp khó khăn ở các mức độ khác nhau để từ đó có đối thoại, thương lượng với chủ sử dụng lao động. Với những doanh nghiệp nào có điều kiện thì vẫn đảm bảo đời sống cho người lao động.
Tổng Liên đoàn dành ra một khoản kinh phí, dự kiến ít nhất 10% người lao động khó khăn nhất trong tổng số đoàn viên của đơn vị để chăm lo cho họ bằng nhiều hình thức như: quà tặng, tổ chức các chuyến xe, chuyến tàu, máy bay miễn phí 0 đồng, giảm phí. Cùng với đó, Tổng Liên đoàn huy động nguồn lực chung của xã hội, doanh nghiệp, cộng đồng doanh nghiệp, địa phương nơi người lao động làm việc để chia sẻ, hỗ trợ, giúp họ vượt qua khó khăn.
Pháp luật không bắt buộc doanh nghiệp phải thưởng Tết cho người lao động. Nhưng trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp đôi khi cũng có giá trị như quy định của pháp luật, nó được thôi thúc từ động lực bên trong và trách nhiệm của người sử dụng lao động với người lao động. Chúng tôi tin rằng, những doanh nghiệp có trách nhiệm xã hội cao luôn ý thức được việc đó và khi họ làm tốt những việc này chính là cách để giữ chân người lao động, nhất là trong bối cảnh nhiều nơi đang thiếu nhân sự như hiện nay. Chúng tôi tin rằng, khi công đoàn cơ sở tổ chức triển khai kế hoạch chăm lo Tết cho người lao động sẽ được nhiều doanh nghiệp lớn thực hiện. Và hiện nay đã có nhiều công ty sẵn sàng thực hiện công khai thưởng Tết cho người lao động.

TS Nguyễn Hữu Dũng - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ LĐTBXH): Doanh nghiệp cần sự hỗ trợ của Nhà nước
Đối với doanh nghiệp, hoạt động sản xuất kinh doanh có xu hướng tích cực hơn năm trước nhưng còn khó khăn bởi kinh tế thế giới tăng trưởng kém. Điều này dẫn đến có những doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp trong nước bị giảm đơn hàng hoặc không có đơn hàng. Trong tình hình kinh tế thế giới và trong nước có khó khăn, các doanh nghiệp cố gắng lắm thì mức thưởng Tết năm 2024 bằng năm 2023, từ 6 - 6,5 triệu đồng/người.
Nhưng đối với những doanh nghiệp có khó khăn lâu dài, hoạt động không có lợi nhuận, rất khó để cân đối nguồn tiền thưởng Tết cho người lao động. Thậm chí, những doanh nghiệp này còn chấm dứt hợp đồng với những người lao động trên 35 tuổi. Những doanh nghiệp khó khăn này rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước cho vay tiền với lãi suất ưu đãi để trả lương, thưởng Tết cho người lao động. Còn đối với những người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, trở về quê do doanh nghiệp ít đơn hàng, chỉ duy trì mức sản xuất bình thường thì tổ chức công đoàn giúp họ có cái Tết đầm ấm, vui vẻ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thưởng Tết sẽ ra sao?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO