Thủy sản tìm cách gỡ khó

Lê Bảo 22/06/2023 06:50

Doanh nghiệp thủy sản Việt Nam tiếp tục đứng trước áp lực nặng nề vì thị trường tiêu thụ lao dốc, giá xuất khẩu sụt giảm mạnh trong khi sản xuất, chế biến trong nước chịu gánh nặng các loại chi phí và lãi suất ngân hàng cao.

Tôm là mặt hàng chịu nhiều áp lực.

Khó khăn kép

Theo thống kê của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), 5 tháng đầu năm nay, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt khoảng 3,5 tỷ USD, giảm gần 30% so với cùng kỳ năm trước. Các mặt hàng thủy sản xuất khẩu đều giảm khoảng 13 - 34%. Trong đó, mặt hàng tôm giảm mạnh nhất (giảm 34%), đạt 1,2 tỷ USD và cá tra giảm 30%, đạt 0,841 tỷ USD. Các thị trường xuất khẩu lớn như Mỹ và Trung Quốc đều ghi nhận mức giảm kỷ lục, lần lượt giảm 50% và giảm 26%.

Trước những khó khăn từ thị trường, ngành thủy sản Việt Nam phải điều chỉnh mục tiêu xuống còn 9 tỷ USD. VASEP dự báo, thị trường Mỹ sẽ phục hồi từ nửa cuối năm do lạm phát hạ nhiệt, mức tồn kho giảm, nhu cầu phục vụ dịp lễ cuối năm tăng. Điều này giúp kim ngạch xuất khẩu thủy sản sang Mỹ trong nửa cuối năm sẽ tăng 40 - 50% so với cùng kỳ. Dù tín hiệu thị trường đã cải thiện, nhưng các doanh nghiệp (DN) cũng chỉ ra thách thức trong nửa cuối năm là cạnh tranh về giá thành, nguồn nguyên liệu.

Số liệu về doanh thu, sản lượng thành phẩm tiêu thụ trong tháng 5 cũng cho thấy những khó khăn, thách thức mà ngành thủy sản đang phải đối mặt. Đơn cử như tháng 5/2023, Công ty CP Vĩnh Hoàn ghi nhận doanh thu đạt 954 tỷ đồng, giảm 37% so với cùng kỳ năm 2022. Lũy kế 5 tháng đầu năm nay, công ty ghi nhận 4.074 tỷ đồng doanh thu, giảm 36,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Tương tự, Công ty CP thực phẩm Sao Ta đạt 68,1 triệu USD doanh thu, giảm 29,8% so với cùng kỳ năm ngoái; sản lượng tôm tiêu thụ đạt 5.507 tấn, giảm 30%.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Sắc - Chủ tịch VASEP, ngành thủy sản không chỉ đổi mặt với các rủi ro khách quan mà còn đối diện rất nhiều khó khăn khác khi ngành tôm Việt Nam còn phải cạnh tranh giá với Ecuador, Ấn Độ. Ngành cá tra đối diện với thách thức về chi phí tăng cao, nguồn giống chất lượng thiếu ổn định. Thẻ vàng IUU cũng đang là một hạn chế lớn cho sự tăng trưởng xuất khẩu thủy sản của Việt Nam.

Tiếp sức cho doanh nghiệp

Trước khó khăn của DN, VASEP vừa có công văn gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp báo cáo và đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngành thuỷ sản trong giai đoạn hiện nay.

Hiệp hội cho biết, các DN đang phải đối mặt với 2 vấn đề lớn: nguy cơ thiếu nguyên liệu tôm, cá trầm trọng vào đầu năm 2024 khi đã thu hẹp sản xuất.

Trong đó, thách thức tăng chi phí của DN đến từ những nguyên nhân như chi phí nguyên vật liệu, lãi vay, logistic, điện, bao bì, nhân công… Những bất cập trong việc cấp phép và hướng dẫn thủ tục DN lắp đặt điện mặt trời áp mái nhà để sử dụng cho sản xuất (chế biến, trang trại nuôi tôm - cá) và không phát lên lưới điện chung.

Bên cạnh đó, theo VASEP, lãi suất ngân hàng và các khoản phí quá cao, DN thủy sản chủ yếu là sản xuất hàng xuất khẩu thường vay USD. Từ quý III/2022, nhiều ngân hàng đã thông báo và áp dụng ngay sau đó việc tăng lãi suất vay USD từ 2,1-2,8% lên 3-3,3% và thậm chí đến 4,5%.

VASEP kiến nghị NHNN tiếp tục quan tâm và xem xét gói kích cầu 10.000 tỷ đồng cho thủy sản nuôi ở ĐBSCL. Gói kích cầu dành cho các DN mua dự trữ nguyên liệu từ nay để xuất khẩu sau 3-6 tháng nữa trong năm 2023 và quý I/2024, ứng phó với tình trạng đơn hàng xuất khẩu không có trong giai đoạn hiện nay. Thực hiện kích cầu sớm sẽ khiến người nuôi thủy sản có tâm lý yên tâm tiếp tục thả nuôi thay vì treo ao như hiện nay.

Bên cạnh đó, để hỗ trợ DN vượt qua giai đoạn khó khăn, khuyến khích DN đầu tư và thúc đẩy sản xuất, thu mua nguyên liệu thủy sản cho nông, ngư dân, VASEP đề nghị Chính phủ, Bộ Tài chính và NHNN xem xét điều chỉnh lãi suất vay USD xuống dưới 4% và lãi suất vay VNĐ xuống dưới 7% để hỗ trợ cho DN xuất khẩu; rà soát thủ tục và xem xét có các gói tín dụng ưu đãi đặc biệt dành cho hộ nuôi thủy sản nhỏ lẻ để họ có cơ hội tiếp cận vay vốn ngân hàng với lãi suất phù hợp.

Đồng thời, cho các DN thủy sản được giãn nợ 4-6 tháng cho các khoản vay đến lịch phải trả trong quý II-III/2023 và tiếp tục được vay theo hạn mức trong bối cảnh giảm xuất khẩu của 6 tháng đầu năm để các DN có thể thu gom ổn định nguồn nguyên liệu của nông, ngư dân và chế biến, trữ hàng chuẩn bị cho xuất khẩu ở các quý tiếp theo…

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng cho rằng, dù nhiều khó khăn nhưng DN ngành thủy sản vẫn có kế hoạch sản xuất phù hợp, đảm bảo việc làm cho người lao động, duy trì, đa dạng hóa thị trường và vượt rào cản thương mại. Tuy nhiên, ngành này vẫn cần bệ đỡ để lấy đà hồi phục trong năm tiếp theo.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thủy sản tìm cách gỡ khó

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO