Tại Hội thảo “Tổng kết dự án tăng cường chẩn đoán và điều trị viêm gan virus C tại Việt Nam” vừa tổ chức tại Hà Nội, GS Nguyễn Văn Kính- Giám đốc BV Nhiệt đới trung ương cho hay: Bệnh viêm gan đã trở thành nguyên nhân gây tử vong cao thứ 3 ở Việt Nam. Tuy nhiên, cho đến nay có rất nhiều người dân chủ quan với nhưng căn bệnh liên quan đến gan.
Bệnh nhân điều trị viêm gan tại bệnh viện Bạch Mai. Nguồn: Tạp chí Tuyên giáo.
Đa phần tới khám khi bệnh đã quá nặng
Ước tính của Bộ Y tế và Tổ chức Y tế thế giới (vào tháng 7/2017), Việt Nam có 7,8 triệu người viêm gan B mạn và 1 triệu người có virus viêm gan C. Ít nhất có 3,22 triệu người mắc viêm gan B ở nước ta cần phải điều trị và 1,28 triệu người được chẩn đoán, 689 nghìn người đủ tiêu chuẩn điều trị. Ước tính có 24 nghìn ca ung thư gan ở khu vực miền Nam và miền Trung. Tỉ lệ mắc mới ung thư gan ở Việt Nam đứng thứ 2 trong khu vực Tây Thái Bình Dương, sau Mông Cổ và thứ 4 so với toàn cầu. Tuy nhiên, trên thực tế, chỉ có gần 44 nghìn người được điều trị.
GS Kính chia sẻ, có người bị viêm gan B, xơ gan, ung thư gan rồi mới đến các cơ sở y tế thăm khám. Nhiều gói xét nghiệm của BV Nhiệt đới trung ương đến các khu công nghiệp, cứ xét nghiệm viêm gan B, viêm gan C là công nhân từ chối không làm vì chi phí xét nghiệm không được doanh nghiệp chi trả.
Đây chính là một trong những nguyên nhân mà phần lớn người nhiễm viêm gan virus không biết mình mắc bệnh. Nguy hiểm hơn, hầu hết bệnh nhân tới BV Nhiệt đới trung ương khám đều ở tình trạng nặng, phần lớn chuyển sang xơ gan và ung thư gan. Đáng lo ngại hơn khi hiện nay có 80.000 ca mắc viêm gan C được chẩn đoán và trên 30.000 ca đủ điều kiện điều trị, nhưng tới nay chỉ có 4.500 ca mắc viêm gan C được điều trị. Lý giải thêm, GS Kính cho biết, khi bị nhiễm virus viêm gan, người bệnh có thể bị tiến triển nhanh tới viêm gan cấp và suy gan, có thể viêm mạn tính và dẫn đến xơ gan, ung thư gan. Đáng chú ý, bệnh viêm gan virus thường diễn biến thầm lặng, có tới 90% người nhiễm không biết về tình trạng nhiễm virus của bản thân.
Một thực trạng cũng được ông Kính nhắc tới là, nhiều trường hợp bệnh nhân khi được điều trị gan đã khỏi nhưng khi về đời thường sinh hoạt vẫn giữ thói quen, nề nếp cũ như uống rượu bia, ăn nhiều chất béo, ngọt, lười vận động... Điều này chính là thủ phạm, một lần nữa lại tàn phá gan người bệnh một cách nhanh chóng. Đây chính là khó khăn trong công tác điều trị bệnh gan tại Việt Nam. Ngoài ra hiện còn rất nhiều người chủ quan coi những triệu chứng mệt mỏi, chán ăn là điều bình thường và không đi khám sức khỏe định kỳ. Theo đó, chức năng gan càng ngày suy giảm và dẫn đến viêm gan khi nào không hay.
Đề xuất đưa thuốc mới chữa viêm gan C vào danh mục BHYT
Theo GS.TS Nguyễn Văn Kính, hiện nay chưa có vắc xin dự phòng cho viêm gan C, tuy nhiên viêm gan C có thể được chữa khỏi nhờ các thuốc mới có tác dụng trực tiếp lên vi rút viêm gan C. Hiện tại đã có khoảng 50 loại DAAs khác nhau và cách phối hợp thuốc khác nhau, tỉ lệ khỏi bệnh đã đạt đến trên 95%. Các thuốc thế hệ mới có tác dụng trực tiếp lên vi rút (direct acting agent –DAA) là những thuốc có hiệu quả cao và có tác dụng với hầu hết các phân nhóm (genotype) và ít độc hơn.
Tuy nhiên, GS Kính cho hay việc tiếp cận với các thuốc này vẫn còn hạn chế do chi phí điều trị hiện còn cao so với khả năng chi trả của nhiều người bệnh, chưa được bảo hiểm y tế chi trả, dịch vụ chẩn đoán và điều trị không sẵn có. Đây là thách thức lớn trong việc hỗ trợ, chăm sóc và điều trị cho người bệnh nhiễm viêm gan C. Mặt khác, việc không tuân thủ đầy đủ phác đồ điều trị có thể làm giảm hiệu quả của việc điều trị.
Để đảm bảo có thuốc điều trị cho bệnh nhân viêm gan C, TS Nguyễn Thị Khánh Phương- Trưởng khoa Kinh tế Y tế, Viện Chiến lược và Chính sách Y tế (Bộ Y tế) đề xuất cần có hướng dẫn cụ thể việc tổ chức đấu thầu các thuốc DAAs mới, bổ sung vào danh mục chi trả BHYT để các địa phương và cơ sở y tế thực hiện; đưa các thuốc này vào Danh mục thuốc đấu thầu tập trung quốc gia và đàm phán giá thuốc, giảm giá thuốc cung ứng cho bệnh nhân bảo hiểm y tế; xem xét các giải pháp để giá thuốc DAAs bán tại Việt Nam giảm về mức hợp lý.