Trung tuần tháng 6 năm ngoái, khi tỉ phú Donald Trump vốn dĩ luôn mang đầy tai tiếng tuyên bố sẽ ra tranh cử trong cuộc chạy đua vào Nhà trắng năm 2016, rất nhiều người đã coi đó như trò lộng giả. Thế nhưng, ở thời điểm cuối tháng 3 này, khi Trump đang chiếm vị trí dẫn đầu giữa những ứng cử viên Cộng hòa, không ít người đã phải đặt ra câu hỏi: đâu là bí quyết của doanh nhân thành đạt và dị thường này?
Donald Trump năm nay đã sát tuổi “cổ lai hy”: ông sinh ngày 19/6/1946. Tức là so với những ứng cử viên Cộng hòa khác như Ted Cruz 45 tuổi hay Marko Rubio 44 tuổi thì ông đúng là đáng bậc cha chú. Không trẻ, nhưng nếu nhìn từ góc độ khác, ông có thể được xếp vào những người giàu kinh nghiệm.
Ngoại hình Trump không có gì hấp dẫn đặc biệt nếu không muốn nói là ông thậm chí có những nét có thể mang ra làm trò cười cho thiên hạ. Mái tóc của ông trông lúc nào cũng như tóc giả. Tất nhiên, đối với phụ nữ thì đàn ông không cần đẹp. Cho tới hôm nay thì Trump đã ba lần cưới vợ, toàn cỡ đệ nhất mỹ nhân mang trong mình dòng máu Slavơ. Người vợ đầu là cựu vận động viên trượt tuyết từ xứ sở Tiệp Khắc Ivana Zenickova; cuộc hôn nhân của họ đã kéo dài từ năm 1977 tới năm 1991. Tiếp theo là nữ diễn viên Marla Maples, với “nhiệm kỳ” từ năm 1993 tới năm 1999. Người vợ hiện nay là siêu mẫu tới từ Slovenia, Melania Klauss; hai người đã kết hôn với nhau từ năm 2005…
Trump là một doanh nhân đã trải qua nhiều chìm nổi, tham chiến ở nhiều lĩnh vực khó khăn, nhưng rốt cuộc đã gây dựng được một gia sản không nhỏ. Của đáng tội, với 4,5 tỉ USD, thời gian gần đây, ông đã bị tạp chí Forbes dúi xuống vị trí 324 trong bảng xếp hạng các đại gia trên thế giới.
Từ lâu Trump đã nổi tiếng là người bạo nói. Với ông, dường như không có gì là điều kỵ húy. Hầu như ngày nào ông cũng đưa ra những phát ngôn “không giống ai”, khiến không ít người phải sởn gai ốc. Và thật lạ lùng là ông hầu như không bao giờ bị vạ miệng vì thế…
Với phụ nữ? Không ngại bị mang tiếng thô lỗ, Trump từng lên giọng dạy dỗ nữ phóng viên trên kênh Fox News khi nói bóng gió về chuyện kinh nguyệt của cô. Người khác ở vị trí của ông hẳn đã bị truyền thông ăn tươi nuốt sống, nhưng tỉ lệ tín nhiệm của Trump sau câu chuyện này lại vọt lên vùn vụt.
Với tín đồ Hồi giáo? Sau vụ thảm sát ở thành phố San Bernardino thuộc bang California làm 14 người chết, Trump đã đưa ra đề nghị cấm các tín đồ Hồi giáo nhập cảnh vào Mỹ cho tới khi chính quyền làm ra ngô ra khoai việc này. Thế mà ông vẫn bình an. Tất nhiên là đã có một số cuộc biểu tình phản đối ông, chính quyền Anh cũng lên tiếng tuyên bố cấm ông nhập cư vào xứ sở sương mù, nhưng những chuyện như thế không thể nào hạ bệ được Trump.
Chính sách đối ngoại? Bất chấp những sự công phẫn của giới tinh hoa trong đảng Cộng hòa và cả đảng Dân chủ, Trump không ngừng tuyên bố rằng, nếu ông đắc cử thì việc đầu tiên mà ông định làm là bay sang Moskva và tìm ra cho bằng được tiếng nói chung với Tổng thống Nga Vladimir Putin. “Ông ấy ít ra cũng là một thủ lĩnh. Không như những gì chúng ta đang có ở nước Mỹ…”
Người tị nạn và nhập cư? Trump đã đề nghị trục xuất khỏi Hoa Kỳ 11 triệu “người nhập cư bất hợp pháp”. Trong số này có cả những người tới từ Syria. Còn trong những người tị nạn tới từ quốc gia láng giềng Mexico, Trump chỉ nhìn thấy toàn các tội phạm tiềm ẩn.
Với Giáo hoàng? Vì những lời phát biểu về chuyện xây dựng hàng rào ngăn cách trên đường biên giới với Mexico, Trump đã được “vinh dự” nhận lời phán truyền từ đức giáo hoàng Franxico: “Bất cứ ai nghĩ tới việc dựng lên các bức tường ngăn cách chứ không phải các cây cầu đều không phải là tín đồ Thiên chúa giáo”. Tuy nhiên, cách nói nặng lời này của người đứng đầu đạo Thiên chúa đã không hề khiến tỉ phú Trump thoái chí: “Đối với một thủ lĩnh tôn giáo thì thật xấu hổ khi hoài nghi đức tin của con người. Tôi tự hào vì tôi là một tín đồ Thiên chúa giáo. Không có một thủ lĩnh nào, đặc biệt là thủ lĩnh tôn giáo, lại có quyền hoài nghi đức tin của người khác. Gíao hoàng La Mã đã nói về tôi những điều tiêu cực vì chính quyền Mexico đã thuyết phục được ông ấy tin rằng Trump là một người không tốt”.
Với người tàn tật? Trong một lần phát biểu tại bang Nam Carolina, Trump đã diễu cợt một phóng viên khuyết tật. Nhìn chung, là một người từng tham gia nhiều hoạt động trong giới truyền thông, Trump luôn hành xử một cách lỗ mãng với các đồng nghiệp: có lần, ông đã từ chối tham gia tranh luận trên truyền hình chỉ vì không thích người biên tập…
Trump trong cách tiếp nhận của truyền thông là một hình ảnh đa diện, rất không đồng nhất. Ông được so sánh với gã phù thủy thuộc phe hắc ám Voldemort trong truyện “Harry Potter” và với vị ông vua độc địa Joffrey trong bộ phim truyền hình nhiều tập “Trò chơi vương quyền”. Rồi với cả “Ngôi sao tử thần” oan nghiệt trong Star Wars. Rồi với cả quái vật Godzilla. Với ông già Tuyết. Thậm chí với cả gã hề…
Theo một ý nghĩa nào đó, những so sánh trên, nhìn từ góc độ tiêu cực hay tích cực, đều phản ánh một điều là: Donald Trump ở một mức độ rất cao là sản phẩm của một nền công nghiệp giải trí. Và đó là một thực tế. Thực tế cho thấy Trump đã thể hiện mình trong công nghiệp giải trí rất rõ nét, không kém gì trên chính trường hay trong kinh doanh. Ông từng được hai lần đề cử cho giải Emmy nhờ các vai trong phim nhựa và truyền hình (từ “Một mình ở nhà” phần 2 tới “10 ngày trong đời”). Nhờ tham gia vào bộ phim nhiều tập “Ứng cử viên”, Trump đã được khắc tên trên ngôi sao tại đại lộ Vinh quang ở Hollywood. Ông cũng là gương mặt quen thuộc trong nhiều chương trình truyền hình ăn khách. Chính ông cũng từng là MC cho các chương trình truyền hình thực tế trên kênh NBC…
Lý giải về sức hấp dẫn hiện nay của Trump đối với công chúng, các chuyên gia cho rằng, cử tri Mỹ đã quá mệt mỏi vì tình trạng na ná như nhau của các đảng chính trị chủ đạo. Và khi xuất hiện một gương mặt mới nổi bật, khác biệt với những gì còn lại thì ngay lập tức đã tạo ra sức hút mạnh mẽ. Nhìn từ góc độ đó, trong cuộc chạy đua vào Nhà trắng năm nay, ngoài Trump còn có thể kể đến thượng nghị sĩ Bernie Sanders, một hình mẫu ứng cử viên hoàn toàn khác nhưng cũng có chương trình chính trị và tư tưởng hấp dẫn cử tri. Về phần Trump thì có thể thấy rõ, ông thực sự là một tài năng trong việc sử dụng các phương tiện truyền thông đại chúng hiện đại, các chiến dịch tuyên truyền và các show chính trị. Ông là một phần tất yếu của thế giới showbiz. Nhìn trong quá khứ, hiện tượng tương tự như thế đã là Ronald Reagan – cựu minh tinh màn bạc này cũng rất khéo léo trong tiếp xúc với cử tri và cũng là một diễn giả đại tài. Ngay cả khi Reagan bị lỡ lời hay đưa ra những quyết định sai quấy, thì ông cũng luôn luôn được cử tri chín bỏ làm mười. Trump cũng là một con người thuộc típ đó. Sức hấp dẫn của Trump còn ở chỗ ông rất khéo léo làm thiên hạ “lác mắt” bởi những phát ngôn không giống ai, cực đoan nhưng lôi cuốn mà rất khó có chính trị gia nào dám tung ra.
Ở thời điểm hiện nay, một số nhà quan sát đặt ra câu hỏi, trên con đường nước rút tới vị trí là ứng cử viên duy nhất của đảng Cộng hòa, tài năng đó của Trump liệu có còn được phát huy tiếp theo nữa hay không? Câu trả lời còn để ngỏ. Tuy nhiên, những gì đã diễn ra trong những vòng bầu cử sơ bộ vừa qua cũng đủ cho thấy, Trump thực sự là một chính trị gia rất khéo léo xoay xở…
Trump đã không chỉ một lần tuyên bố rằng ông sẵn sàng bỏ ra cả tỉ USD để tiến hành chiến dịch vận động tranh cử: “Mỗi năm tôi kiếm được tới 400 triệu USD nên tiền bạc đối với tôi là chuyện nhỏ. Tôi chỉ muốn duy nhất một điều – biến nước ta thành một quốc gia vĩ đại!” Và chính điều này đã khiến Trump trở nên khác biệt với những người còn lại đang muốn trở thành ứng cử viên tổng thống Mỹ. Thế nhưng cũng chính điều đó đang tạo thêm khó khăn đối với Trump trên con đường dẫn tới Nhà trắng. Trong tâm lý cử tri Mỹ từ nhiều thập niên nay đã hình thành một định kiến rằng, các tỉ phú không có việc gì làm trong Nhà trắng cả. Đấy chính là lý do đã dẫn tới thất bại của tỉ phú Ross Pero trong cuộc chạy đua năm 1992: mặc dù mất rất nhiều tiền nhưng ông này vẫn không thể nào đọ được với các ứng cử viên từ hai đảng chính thống là Dân chủ và Cộng hòa. Hiện nay với vai trò nổi bật của Trump trong chiến dịch vận động tranh cử, có thể thấy rằng dường như nước Mỹ, sau 8 năm cầm quyền của tổng thống Barack Obama, đang chín muồi một nhu cầu mới: một ứng cử viên không phụ thuộc vào các nhà tài trợ, đi tới Nhà trắng bằng đôi chân của mình, bằng tiền của mình! Và nếu như Trump giành được thắng lợi thì đó sẽ là một hình mẫu trái ngược với ông Obama.
Bởi lẽ, nếu ông Obama đã chứng minh được rằng, hậu duệ sinh ra trong túp lều Bác Tôm có thể trở thành nguyên thủ quốc gia ở Mỹ thì Trump nếu lọt vào Nhà trắng sẽ là lời khẳng định: nguyên tắc trên đã lỗi thời vì mọi người đều thấy nó đã dẫn nước Mỹ đi tới đây và bây giờ sẽ phải thực hiện một nguyên tắc khác. Đó là hãy kiếm ra thật nhiều tiền trong kinh doanh tư nhân rồi mới đi làm chính khách phục vụ cho lợi quyền chung của xã hội…