Ngành làm mát không chỉ là nguồn tiêu thụ điện năng lớn mà còn đồng thời phát thải lượng đáng kể khí nhà kính và các chất làm suy giảm tầng ozone. Để hướng đến phát triển bền vững, giảm phát thải, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ tầng ozone, Việt Nam đang tích cực hành động quốc gia về làm mát xanh.
Quá trình đô thị hóa nhanh trong thời gian qua đã làm gia tăng hiệu ứng đảo nhiệt đô thị (hiện tượng xảy ra khi nhiệt độ tại khu vực đô thị cao hơn đáng kể so với vùng nông thôn xung quanh), chênh lệch từ 3 - 5°C trong những ngày nắng nóng cao điểm. Nguyên nhân là do tỷ lệ che phủ thực vật thấp, mật độ xây dựng cao tại các khu vực đô thị, việc công trình sử dụng nhiều loại vật liệu hấp thụ nhiệt và do khu vực đô thị tập trung hoạt động sản xuất, sinh hoạt của cộng đồng đông dân cư.
Chưa hết, nhiệt độ tăng cùng với đô thị hóa dẫn đến tăng mạnh nhu cầu sử dụng các thiết bị làm mát. Tiêu thụ điện năng để làm mát hiện vào khoảng 71,4 TWh - chiếm 25,2% tổng tiêu thụ điện quốc gia và dự kiến tăng gấp ba lần vào năm 2050. Mặt khác, điều này còn dẫn đến gia tăng mạnh sử dụng các môi chất lạnh (chủ yếu dùng trong ngành công nghiệp làm mát) gây phá huỷ tầng ozone và làm nóng lên toàn cầu. Hiện nay, 20% điện năng sản xuất ra trên thế giới được sử dụng cho nhu cầu làm lạnh và điều hòa không khí.
Theo ước tính của Ngân hàng thế giới, riêng trong năm 2020, Việt Nam đã chịu thiệt hại kinh tế do biến đổi khí hậu hơn 10 tỷ USD, trong đó riêng ngành làm mát thiệt hại khoảng 518 triệu USD. Bên cạnh đó, ngành làm mát cũng là nguồn tiêu thụ điện năng lớn, đồng thời phát thải đáng kể khí nhà kính và các chất làm suy giảm tầng ozone. Các nghiên cứu quốc tế chỉ ra, nếu không được kiểm soát, lượng phát thải khí nhà kính từ việc làm mát dự kiến sẽ tăng gấp đôi vào năm 2030 và gấp ba vào năm 2100.
Trong khi đó, theo ông Tăng Thế Cường - Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), biến đổi khí hậu đang có diễn biến rất phức tạp. Theo báo cáo công bố tháng 1/2025 của Tổ chức Khí tượng thế giới, năm 2024 là năm nóng nhất trong lịch sử, nhiệt độ bất thường ở đất liền và bề mặt đại dương, nhiệt độ đại dương cao kỷ lục, cùng với những hiện tượng thời tiết cực đoan ảnh hưởng đến nhiều quốc gia trên thế giới. Tại Việt Nam, nhiều tỉnh, thành phố ghi nhận mức nhiệt độ cao nhất trong lịch sử. Đặc biệt tại Đông Hà (Quảng Trị), nhiệt độ ngày 28/4/2024 đo được là 44 độ C, cao nhất từ năm 1976 đến nay.
Trước thực trạng trên, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu cho rằng, yêu cầu cấp bách là phải quản lý phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozone, thực hiện các mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu. Hiện Cục Biến đổi khí hậu đang tích cực hợp tác với các đối tác quốc tế như ETP, Ủy ban Kinh tế xã hội châu Á - Thái Bình Dương Liên hợp quốc (ESCAP), Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) để xây dựng Chương trình hành động quốc gia về làm mát (NCAP) tổng hợp và toàn diện cho Việt Nam.
Trong khi đó, theo ông John Robert Cotton, Phó Giám đốc Chương trình ETP, NCAP cần tập trung vào việc giảm phát thải khí nhà kính tại Việt Nam thông qua các hoạt động làm mát xanh, bền vững. Trong đó sẽ cần nhiều giải pháp làm mát đô thị, hỗ trợ các cộng đồng dễ tổn thương ở nông thôn và can thiệp vào chuỗi cung ứng thuốc, thực phẩm. Việt Nam đang tiên phong với cam kết phát thải ròng bằng 0 và đã có lộ trình cụ thể. Riêng với lĩnh vực làm mát, NCAP được kỳ vọng sẽ tạo bước phát triển mới, thúc đẩy các ngành công nghiệp có liên quan xem đây như một trong những giải pháp cần thiết để giảm phát thải khí nhà kính.
Chia sẻ dưới góc độ doanh nghiệp, bà Đặng Hồng Hạnh - Giám đốc điều hành Công ty cổ phần tư vấn năng lượng và môi trường (VNEEC) cho biết, thông qua hạn chế sản phẩm và thiết bị như thiết bị làm lạnh vận tải, thiết bị làm lạnh thương mại công nghiệp, bơm nhiệt, điều hòa di động, điều hòa gia dụng… để loại bỏ dần các công nghệ có tiềm năng nóng lên toàn cầu cao và tăng hiệu suất năng lượng. Chương trình NCAP kết hợp với lưới điện xanh hơn, lượng phát thải từ lĩnh vực làm mát sẽ giảm mạnh so với mức hiện tại, góp phần bảo đảm các mục tiêu NDC (đóng góp do quốc gia tự quyết) và trung hòa carbon của Việt Nam.