Tích cực phòng chống dịch bệnh mùa hè

T.Bình 22/03/2018 08:40

Ngày 21/3, tại Đà Nẵng, Bộ Y tế đã tổ chức Hội nghị tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết và các dịch bệnh mùa hè năm 2018. Đây là lần thứ hai kể từ đầu năm đến nay, Bộ Y tế tổ chức hội nghị toàn quốc về công tác phòng chống dịch bệnh.

Tích cực phòng chống dịch bệnh mùa hè

Cán bộ y tế Thừa Thiên-Huế hướng dẫn diệt bọ gậy tại cộng đồng.

Bệnh sởi đối với bà mẹ, trẻ em

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, Hội nghị lần này là dịp để ngành y tế nhận định tình hình phòng chống dịch trên toàn quốc và đưa ra các dự báo cho công tác phòng chống dịch bệnh năm 2018 trên cơ sở đánh giá công tác phòng chống dịch bệnh năm 2017, những biện pháp đã triển khai và các bài học kinh nghiệm đã được rút ra.

Ông Long cho biết, từ đầu năm đến nay chưa xảy ra dịch bệnh nguy hiểm bùng phát, nhưng dịch bệnh sốt xuất huyết vẫn là nguy cơ đe dọa.

Ông Long dẫn chứng vụ dịch năm ngoái xảy ra tại Hà Nội, và coi đó là một bài học, để từ đó cần sớm đánh giá tình hình, đưa ra dự báo đối với một số dịch bệnh như sốt xuất huyết và những dịch bệnh mùa hè.

Từ đầu năm tới nay, đã có hơn 80 trường hợp bị sởi, đáng chú ý trong đó có nhiều trẻ dưới 2 tháng tuổi. Trong tổng số các bệnh nhân, nguy hiểm là việc phòng bệnh sởi ở người lớn rất ít.

Còn với trẻ nhỏ tuổi, vì sao có nhiều trường hợp mắc ho gà? Theo ông Long, nguyên nhân là do miễn dịch từ người mẹ không có, nên đã ảnh hưởng đến con.

Vì vậy, ông Long khuyến cáo, Cục Y tế dự phòng, chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia và chương trình tiêm chủng nói chung về việc đảm bảo bao phủ vaccine với người lớn, đặc biệt tập trung cho các bà mẹ trong độ tuổi sinh đẻ về các bệnh sởi, ho gà, bạch hầu...

Riêng đối với trẻ em, trước đây tiêm vaccine phòng sởi khi 9 tháng tuổi, nay có thể hạ xuống ở mức 6 tháng tuổi.

Sốt xuất huyết: Không thể coi thường

Thông tin tại Hội nghị, ông Đặng Quang Tấn- phó cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết, ​sốt xuất huyết liên tục gia tăng về phạm vi và số lượng người mắc bệnh qua từng năm tại nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó khu vực Đông Nam Á chịu ảnh hưởng nặng nề, trong đó có Việt Nam.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hiện bệnh lưu hành tại 128 quốc gia, hơn 3,9 tỷ người sống trong vùng nguy cơ bị mắc bệnh, hàng năm có khoảng 390 triệu người nhiễm bệnh.

Năm 2017, số mắc/100.000 dân tại nhiều nước khu vực châu Mỹ và Đông Nam Á ở mức rất cao như: Peru (195), Nicaragua (199), Argentina (121), Brazil (171), Ecuador (49), Malaysia (141), Philippines (33), Lào (30), Singapore (20).

Tại Việt Nam, bệnh sốt xuất huyết đã giảm trong những năm gần đây, có tỷ lệ mắc và tỷ lệ tử vong thấp nhất so với các quốc gia trong khu vực, tuy vậy hàng năm ghi nhận trung bình 50.000 đến100.000 trường hợp mắc, 50 đến100 trường hợp tử vong.

Về nguyên nhân, theo ông Tấn, tập quán tích trữ nước của người dân chưa thay đổi đáng kể so với trước đây, tạo môi trường cho mầm bệnh khu trú, phát triển.

Các dụng cụ chứa nước là nơi sinh sản muỗi truyền bệnh.

Cùng đó, sự phối hợp của người dân với cán bộ y tế chưa cao trong công tác loại bỏ các ổ lăng quăng/bọ gậy, phun diệt muỗi xử lý ổ dịch.

Bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vaccine dự phòng chưa được sử dụng nên biện pháp phòng bệnh chủ yếu là diệt muỗi, diệt loăng quăng/bọ gậy và phòng chống muỗi đốt.

Tích lũy từ đầu năm 2018 đến nay, cả nước ghi nhận 10.557 trường hợp mắc, không có tử vong.

So với cùng kỳ 2017 (16.503/4) số mắc cả nước giảm 36%. Số mắc có xu hướng giảm trong các tuần gần đây và giảm so với tuần cùng kỳ năm 2017.

Không có tỉnh nào ghi nhận số mắc gia tăng đột biến trong các tuần đầu năm 2018.

Cục Y tế dự phòng dự báo dịch bệnh sốt xuất huyết trong thời gian tới vẫn còn có thể diễn biến phức tạp, có nguy cơ gia tăng số mắc nếu không thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống do tình hình sốt xuất huyết tại nhiều nước trong khu vực vẫn duy trì ở mức cao.

Di biến động dân cư, giao lưu đi lại giữa các vùng miền làm gia tăng nguy cơ lan rộng và khó quản lý, kiểm soát nguồn truyền bệnh.

Đô thị hóa, nhiều công trình xây dựng, công ty, nhà máy, nhà trọ, lán trại và khu tập thể cũ không được quan tâm xử lý,... tạo nhiều ổ nước đọng sau mưa, phát sinh các ổ bọ gậy khó xử lý. Đặc biệt, mùa hè tới gần, nhiệt dộ tăng cao cũng là điều kiện để mầm bệnh phát sinh.

Tuy nhiên, bệnh mùa hè không chỉ có sốt xuất huyết, sởi... mà còn có thể có các bệnh như tay chân miệng, viêm não Nhật Bản, đau mắt đỏ, thủy đậu, viêm cầu lợn, tiêu chảy, tả, lỵ...- theo phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương Trần Như Dương.

Ông Dương khuyến cáo, mọi người đều có thể mắc các bệnh truyền nhiễm vào mùa hè nhưng trẻ em là đối tượng dễ bị nhiễm bệnh và lây lan.

Vì vậy, công tác phòng chống dịch cho trẻ cần phải được chủ động thực hiện tốt tại cả gia đình và trường học, nhà trường cần liên hệ, phối hợp tốt với phụ huynh trong việc giám sát, theo dõi sức khỏe trẻ.

Để phòng chống dịch bệnh mùa hè, ​Bộ Y tế khuyến cáo:

Người dân cần đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng. ​

Hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn.

Loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp xe cũ, hốc tre, bẹ lá... ​Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay kể cả ban ngày. ​

Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, thực hiện ăn chín, uống chín, không uống nước lã. Khi có dấu hiệu bất thường nghi nhiễm bệnh, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tích cực phòng chống dịch bệnh mùa hè

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO