Tích tụ ruộng đất không có nghĩa là nông dân bán ruộng

Trần Duy Hưng 04/01/2017 17:34

Đó là quan điểm được ông Trần Văn Chung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nam Định chia sẻ tại buổi gặp mặt các cơ quan báo chí ở Trung ương và địa phương, do Tỉnh ủy tỉnh này tổ chức ngày 4/1...

Ông Trần Văn Chung cùng lãnh đạo UBND tỉnh, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nam Định chủ trì buổi gặp mặt báo chí.

Theo đó, thông tin về đời sống “tam nông” ở địa phương, ông Trần Văn Chung cho biết, đến hết năm 2016, Nam Định đã có trên 70% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, tỉnh đang phấn đấu đến hết năm 2020 trở thành “Tỉnh nông thôn mới”. Ông cũng khẳng định nợ đọng xây dựng nông thôn mới của tỉnh không lớn, vẫn trong vòng kiểm soát.

“Khi xét duyệt công nhận, xã nào nợ đọng từ 3 tỷ đồng trở lên là chúng tôi chưa công nhận”, ông cho hay.

Liên quan đến vấn đề tích tụ ruộng đất trong nông nghiệp, ông Trần Văn Chung cho rằng tình trạng chung của sản xuất nông nghiệp ở địa phương là nhỏ lẻ, manh mún, rất cần thiết phải được tích tụ để hình thành nền sản xuất nông nghiệp tập trung, hiện đại, ứng dụng khoa học công nghệ.

Tuy nhiên, theo ông Chung, tỉnh Nam Định không khuyến khích nông dân chuyển nhượng hẳn quyền sử dụng ruộng đất mà chỉ khuyến khích nông dân góp hoặc cho thuê ruộng đất, đảm bảo quyền sử dụng ruộng đất vẫn thuộc về nông dân. Một số mô hình tích tụ ruộng đất trên địa bàn tỉnh, theo ông Chung, đang được thực hiện theo cách này.

“Trước đây chúng ta làm cách mạng để người cày có ruộng. Giờ, nếu không cẩn thận lại thành ra người cày không còn ruộng. Nếu chỉ chú trọng tích tụ ruộng đất, không để ý đến các vấn đề xã hội đi kèm thì rất nguy hiểm. Ví dụ như quê tôi đang có khoảng 400 ha ruộng đất. Nay mai có một hai người về hỏi mua hết ruộng của nông dân là tôi không đồng ý. Không còn ruộng thì sau đó hàng nghìn người biết làm gì, nghề khác thì lại không có. Rất nguy hiểm! Chính vì vậy, tỉnh chỉ khuyến khích nông dân góp hoặc cho thuê đất, đảm bảo nông dân vẫn còn quyền sử dụng đất. Tất nhiên chuyển nhượng hay không là quyền của các hộ nông dân nhưng tỉnh không khuyến khích việc này”, ông Chung lý giải.

Ông Trần Văn Chung cũng cho hay tới đây HĐND tỉnh sẽ nghe UBND tỉnh báo cáo về việc xây dựng, ban hành các chính sách để khuyến khích việc tích tụ ruộng đất. “Ví dụ như tới đây có doanh nghiệp nào đó đứng ra thuê, gom tích tụ ruộng đất thì họ được hưởng những chính sách gì?”, ông nói.

Liên quan đến những hạn chế trong công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động tín ngưỡng và các vấn đề liên quan tại Quần thể di tích Phủ Dầy, địa chỉ tín ngưỡng gắn liền với tín ngưỡng thờ Mẫu (“Thực hành tín ngưỡng Tam phủ của người Việt” vừa được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại) dẫn tới những mâu thuẫn, xung đột lợi ích kéo dài giữa một số đền phủ và chính quyền địa phương, ông Trần Văn Chung cho hay tỉnh đã nắm được vấn đề này.

“Nguyên do nằm ở vấn để lợi ích. Ở di tích Đền Trần, địa phương đã thành lập riêng ban quản lý; các khoản thu chi đều được thực hiện theo quy định, bao nhiêu nộp vào ngân sách, bao nhiêu dùng để tu bổ di tích đều theo quy định, nhờ vậy Ban quản lý hoạt động rất nền nếp, hiệu quả. Tuy nhiên, khi áp dụng mô hình quản lý này ở Phủ Dầy thì có việc phản ứng của người dân. Tỉnh sẽ từng bước có những chỉ đạo phù hợp để làm lành mạnh hóa hoạt động tín ngưỡng và các vấn đề liên quan tại đây”, ông Trần Văn Chung cho hay.

Về việc thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, của Thủ tướng Chính phủ về việc chăm lo Tết cho người nghèo, không mang quà tới chúc tết lãnh đạo cấp trên, ông Chung bày tỏ: “Đương nhiên là chúng tôi nghiêm túc thực hiện. Tôi trả lời không phải theo nguyên tắc đâu, mà đúng là phải như thế! Việc này theo tôi rất phù hợp, cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Vừa rồi tỉnh cũng chỉ đạo các huyện, thành phố, các xã không chúc tết lãnh đạo tỉnh, để dành thời gian, kinh phí lo Tết cho hộ nghèo, hộ chính sách”.

Tại buổi gặp mặt, báo chí cũng phản ánh việc tiếp cận thông tin từ phía các cơ quan, địa phương trên địa bàn tỉnh chưa thực sự thuận lợi. Liên quan đến việc này, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nam Định khẳng định cá nhân ông luôn chỉ đạo, nhắc nhở các cơ quan, địa phương trong tỉnh thực hiện tốt việc chủ động cung cấp thông tin, tạo điều kiện cho báo chí tác nghiệp.

“Chúng tôi hiểu và chia sẻ với sự vất vả của các nhà báo. Trong năm qua có khoảng 2.000 tin, bài phản ánh về Nam Định. Chúng tôi rất hoan nghênh, cả với những tin bài phản ánh những mặt tích cực và những tin bài phản ánh những mặt không tích cực. Phản ánh mặt tích cực sẽ cổ vũ, động viên địa phương phát huy; phản ánh mặt không tích cực sẽ giúp chúng tôi có thông tin để kịp thời chỉ đạo khắc phục”, ông nói.

Vị Chủ tịch HĐND tỉnh cũng chia sẻ: “Cá nhân tôi thấy anh em báo chí phần nhiều rất thân thiện, không có vấn đề gì. Có điều một số anh em ở các sở ngành, địa phương vẫn có tâm lý ngại báo chí, sợ mình cung cấp thông tin không chính xác. Chúng tôi sẽ tiếp tục có những chỉ đạo để khắc phục, đảm bảo hoạt động của báo chí trên địa bàn đúng luật, ngày càng thuận lợi”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tích tụ ruộng đất không có nghĩa là nông dân bán ruộng