Văn hóa

Tiếc nuối nhà cổ ở “xứ công tử”

NGUYÊN DU 30/11/2023 07:13

Bạc Liêu có nhiều nhà cổ quý. Thế nhưng, có những ngôi nhà lưu dấu vàng son một thuở giờ đang rêu phong cùng năm tháng, không phát huy được tiềm năng du lịch, một số căn thì xuống cấp nghiêm trọng...

anh-1-bai-tren.jpg
Hình ảnh căn nhà Carrie trước hạ giải. Ảnh: Nguyễn Du.

Đầu tháng 11/2023, căn nhà cổ có tuổi thọ lên đến 100 năm, có tên là “nhà Carrie”, được xây dựng theo kiến trúc biệt thự Pháp vào những năm 1920, với quy mô đồ sộ bị đập bỏ với lý do “không thể tu bổ được nữa”.

Không chỉ là kiến trúc cổ, “nhà Carrie” còn là trụ sở của Tỉnh ủy lâm thời và Ủy ban Mặt trận Việt Minh từ ngày 20/8/1945. Với những giá trị kiến trúc cổ, nhà Carrie được đưa vào danh sách nhà cổ tiêu biểu của tỉnh và được UBND tỉnh Bạc Liêu xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh năm 2013.

Dù là di tích cấp tỉnh nhưng dường như ngôi nhà này vẫn bị lãng quên. Trước khi được hạ giải, ngôi nhà xuống cấp khá nghiêm trọng. Lãnh đạo thành phố Bạc Liêu - đơn vị quản lý, bảo vệ di tích theo phân cấp - lý giải do ngôi nhà đã xuống cấp nghiêm trọng không còn khả năng phục hồi.

anh-2-bai-tren.jpg
Hình ảnh căn nhà Carrie sau hạ giải. Ảnh: Nguyễn Du.

Việc đập phá hoàn toàn một ngôi nhà cổ như vậy khiến không ít người cảm thấy xót xa trong việc bảo tồn nhà cổ ở Bạc Liêu. Hiện nay, ngoài một số ngôi nhà cổ được tu bổ, phát huy giá trị trong việc thu hút khách du lịch, còn lại khá nhiều ngôi nhà đang trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng. Nhiều căn nhà gắn với lịch sử, minh chứng một thời, nhưng hiện tại chưa được khai thác du lịch một cách hiệu quả.

Chẳng hạn căn biệt thự số 41 ở hẻm 11, đường Võ Thị Sáu, thành phố Bạc Liêu xây dựng vào năm 1928. Qua gần 100 năm không được trùng tu, sữa chửa nhà xuống cấp, rêu phong phủ bám, tường bong tróc loang lổ, phần gỗ và ngói trên mái lâu ngày bị gió cuốn văng.

“Mưa gió ngói rớt xuống hoài rất nguy hiểm mà không có tiền sửa, mà muốn sửa thủ tục nhiều lắm, Nhà nước cũng không có hỗ trợ nên chúng tôi cứ để vậy mà sống chứ biết làm sao. Giờ muốn bán nhưng người đồng ý, người không đồng ý vì là tài sản chung của 5 gia đình nên rất khó xử lý” - bà Nguyễn Thị Mỹ Hoa, cháu dâu chủ nhân căn biệt thự nói.

Khó khăn này cũng là bài toàn chưa có lời giải trong việc bảo tồn và gìn giữ những ngôi nhà cổ ở Bạc Liêu. Năm 2021, thống kê của ngành chức năng Bạc Liêu, tỉnh có 21 công trình nhà cổ cùng một quần thể công trình kiến trúc phố chợ nằm trên đường Điện Biên Phủ (đoạn từ đầu đường Hà Huy Tập đến giáp cầu Kim Sơn) được xây dựng từ nửa cuối thể kỷ XIX đến đầu thế kỷ X. Thế nhưng, theo báo cáo mới nhất của Ban quản lý di tích tỉnh Bạc Liêu đầu năm 2023, hiện tỉnh chỉ còn 17 công trình nhà cổ và nhiều nhà đang xuống cấp nghiêm trọng.

anh-3-bai-tren.jpg
Căn biệt thự đường Võ Thị Sáu xuống cấp nghiêm trọng. Ảnh: Nguyễn Du.

Nhiều ngôi nhà đã rêu phong nhưng đường nét cổ kính vẫn còn đó, như minh chứng cho sự phồn vinh của xứ Bạc Liêu một thời nổi tiếng là vùng đất nhiều sản vật nhất nhì Nam kỳ lục tỉnh. Thông qua những nét kiến trúc, kết cấu, hoa văn, họa tiết, sự bài trí của nhiều ngôi nhà cổ, người đời nay sẽ thấy được các giá trị văn hóa, kiến trúc nghệ thuật, lịch sử dân tộc qua từng giai đoạn phát triển mà người đời trước đã gửi lại trong mỗi công trình.

Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết xung quanh việc làm thế nào để có thể bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị của nhà cổ ở Bạc Liêu, ông Nguyễn Văn Quang - Giám đốc Ban quản lý di tích tỉnh Bạc Liêu cho biết, trước đây đã có quyết định về phân cấp quản lý di tích rồi, di tích cấp tỉnh do cấp huyện, thành phố quản lý còn di tích cấp quốc gia, quốc gia đặc biệt do Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch quản lý. Tuy nhiên, thực tế vẫn có những ngôi nhà cổ đang xuống cấp mà chưa có giải pháp xử lý dứt điểm.

“Xung quanh việc giữ lại hoặc đập bỏ (hạ giải) nhà cổ xuống cấp vẫn có nhiều ý kiến khác nhau. Chẳng hạn như căn nhà Carrie được liệt vào danh sách nhà cổ tiêu biểu của tỉnh, tuy nhiên, biên bản giám định của Sở Xây dựng về chất lượng công trình cho thấy nhà đã xuống cấp quá, không thể tu bổ” - ông Quang nói.

Ông Quang thông tin thêm, những năm trước, Bảo tàng Bạc Liêu có làm hồ sơ về điều tra có kế hoạch bảo tồn nhà cổ. Những nhà cổ có danh sách sẽ được bảo tồn nhưng chính sách bảo tồn nhà cổ hiện vẫn còn một số vướng mắc. Chẳng hạn như ở những tỉnh khác, chủ nhà muốn sửa chữa, nâng cấp thì chính quyền hỗ trợ tiền, nhưng ở Bạc Liêu chưa có cơ chế đó nên cũng rất khó.

Bạc Liêu sở hữu nhiều di sản vật thể quý giá. Đa số các ngôi nhà cổ ở Bạc Liêu đều có không gian thoáng đãng, dù là mùa nào cũng cảm thấy thoáng mát, dễ chịu. Mặt khác, với nét kiến trúc có sự kết hợp hài hòa giữa hai yếu tố hiện đại và truyền thống, kết hợp phong thủy đã hình thành nét độc đáo rất riêng trong kiến trúc nhà cổ Bạc Liêu.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tiếc nuối nhà cổ ở “xứ công tử”