PGS.TS Dương Thị Hồng - Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương (Bộ Y tế) cho biết, mặc dù số ca mắc sởi hiện nay rất thấp, song không được chủ quan. Nếu ngay trong tháng 12 này, Viện nhận được vaccine sởi, sẽ cấp ngay cho các địa phương để triển khai tiêm sớm cho trẻ.
Thu hẹp khoảng trống miễn dịch
Thời gian qua, tình trạng thiếu vaccine trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng (TCMR) xảy ra tại nhiều địa phương. Vấn đề này xuất phát từ nguyên nhân năm 2023, thực hiện Luật Ngân sách, các địa phương phải thực hiện các thủ tục mua sắm vaccine từ ngân sách của mình. Tuy nhiên, các địa phương đều gặp khó khăn trong việc bố trí, phê duyệt kinh phí, vướng mắc thủ tục đấu thầu, phê duyệt giá, kinh nghiệm triển khai...
Trước thực tế này, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 98 ngày 10/7/2023, Quyết định số 931 ngày 5/8/2023 giao kinh phí để Bộ Y tế thực hiện mua tập trung các loại vaccine. Tuy nhiên, theo đại diện Bộ Y tế, do thực hiện theo các quy định của pháp luật và thực hiện mua vaccine theo hình thức đặt hàng (quy trình gồm 9 bước), mất thời gian nên đã xảy ra tình trạng thiếu vaccine trên quy mô toàn quốc.
PGS.TS Dương Thị Hồng cho biết: Chúng ta thiếu vaccine 5 trong 1 của Chương trình TCMR từ tháng 2/2023, thiếu vaccine DPT (phòng 3 bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván) thiếu từ tháng 4/2023, các vaccine khác được cung cấp cho tới tháng 10/2023 vừa qua.
Tại hội thảo về truyền thông chính sách y tế vừa tổ chức, bà Hồng cho biết, ngày 15/12/2023 vừa qua, Chương trình TCMR đã tiếp nhận 490.600 liều vaccine DPT-VGB-Hib (một loại vaccine phối hợp 5 trong 1, có khả năng phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi do Hib, viêm màng não mủ do Hib) do chính phủ Australia viện trợ để triển khai trong tiêm chủng thường xuyên cho trẻ trong các tháng đầu năm 2024.
Theo đó kế hoạch đặt ra, quý I/2024, Chương trình sẽ ưu tiên cho trẻ trên 2 tháng chưa được tiêm mũi 1 vaccine DPT-VGB-Hib, bao gồm cả trẻ hơn 12 tháng tuổi, trong đó ưu tiên tiêm trước cho nhóm tuổi nhỏ nhất; tiêm trả mũi 2, mũi 3 cho trẻ chưa được tiêm đủ 3 mũi vaccine DPT-VGB-Hib, gồm cả trẻ hơn 12 tháng tuổi.
Ngoài ra, trong quý I/2024, Chương trình tiếp tục triển khai công tác tiêm chủng bù mũi, tiêm vét cho trẻ bảo đảm an toàn tiêm chủng, đặc biệt một số vaccine phòng chống dịch trong mùa đông - xuân như sởi, rubella...; tiếp tục tăng cường giám sát các bệnh như sởi, rubella, bại liệt, bạch hầu, ho gà, uốn ván sơ sinh, giám sát điểm ca tiêu chảy cấp do virus Rota; chuẩn bị triển khai tiêm vaccine Rota là một vaccine mới trong Chương trình TCMR tại 33 tỉnh, thành phố từ quý II/2024…
Quý II/2024 sẽ triển khai loại vaccine mới
Liên quan đến việc tiêm vaccine ngừa sởi, bà Dương Thị Hồng cho hay, theo giám sát của Chương trình TCMR, số ca mắc sởi hiện nay rất thấp, thấp hơn những năm 2017-2019. Tuy nhiên, năm 2024 nằm trong logic chu kỳ 4-5 năm có nguy cơ bùng phát dịch sởi, tỷ lệ tiêm vaccine sởi năm 2023 còn thấp, nếu không triển khai tiêm vaccine này đầy đủ thì sẽ có nguy cơ cao bùng phát dịch.
Bà Hồng nhận định, thời gian qua do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều trẻ đã không tiêm vaccine sởi - rubella (mặc dù vaccine sởi có thiếu nhưng chỉ thiếu rải rác). Nếu ngay trong tháng 12 này, Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương nhận được vaccine sởi- rubella, sẽ cấp ngay cho các địa phương và các địa phương cần triển khai tiêm ngay cho trẻ. Nếu triển khai sau Tết thì có nguy cơ cao xảy ra dịch sởi trong năm 2024.
Lãnh đạo Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương cũng cho biết, năm 2024, Bộ Y tế sẽ bắt đầu triển khai vaccine thứ 11 trong Chương trình TCMR cho trẻ là vaccine Rota (phòng bệnh tiêu chảy - Rotaviruts). Theo đó, trong quý I/2024, Bộ Y tế sẽ triển khai tập huấn, hướng dẫn tới tất cả cán bộ của 33 tỉnh, thành phố triển khai trước. Quý II, Bộ Y tế sẽ triển khai cho trẻ tại các tỉnh, thành uống vaccine này. Cuối năm 2024 sẽ triển khai cho trẻ uống vaccine này trên quy mô toàn quốc. Và đến năm 2025, sẽ có đủ vaccine Rota cho toàn bộ trẻ dưới 1 tuổi trên cả nước.
Hiện nay, giá vaccine phòng Rotavirus trên thị trường dao động từ 400.000 đồng đến 800.000 đồng/liều tùy nước sản xuất. Việc đưa vaccine phòng Rotavirus vào chương trình tiêm chủng miễn phí được đánh giá giúp nhiều trẻ tiếp cận với nguồn vaccine phòng bệnh.
Vaccine Rota là vaccine được hỗ trợ của Liên minh toàn cầu về vaccine và tiêm chủng (GAVI). Theo đó, GAVI hỗ trợ 20% số vaccine, Việt Nam tự túc 80%. Vaccine phòng bệnh Rotavirus sản xuất trong nước đang được Bộ Y tế, Bộ Tài chính phê duyệt giá. Giống như các vaccine khác nếu hoàn thành, Chương trình TCMR có thể tiếp nhận được vào quý I/2024.
PGS.TS Dương Thị Hồng cho hay: Hiện Việt Nam vẫn đang có hơn 400.000 liều vaccine Covid-19 dự trữ cho những vùng có ổ dịch, nhóm nguy cơ cao…, hạn sử dụng vaccine đến tháng 9/2024. Đến thời điểm này, số lượng đăng ký tiêm ngừa Covid-19 bổ sung của các địa phương dưới 50.000 liều, chúng ta vẫn còn vaccine dự trữ cho tình huống dịch quay lại.