Việc Công ty TNHH đầu tư xuất nhập khẩu Viễn Đông chấp nhận bồi thường 1.000 USD và gửi thư xin lỗi du khách nước ngoài bị vấp móc sắt do đơn vị này “bỏ quên” trên đường Lê Lợi (phường Bến Nghé), theo yêu cầu của lãnh đạo quận 1 (TP HCM) đã nhận được sự tán thưởng của dư luận xã hội. Vấn đề biết nhận lỗi, buộc phải nhận lỗi do mình tạo ra dù muốn hay không muốn, thể hiện việc phải làm trong xã hội hiện đại, văn minh, văn hóa.
Một đô thị văn minh thì sẽ không có kiểu rào chông ở vườn hoa công cộng.
Sự việc khởi nguồn từ ngày 4-4, khi một nữ du khách nước ngoài bị ngã dập mũi vì vấp móc sắt tại ngã tư Lê Lợi - Nam Kỳ Khởi Nghĩa.
“Bẫy” móc sắt đó là hậu quả để lại từ việc thi công cẩu thả của Công ty TNHH đầu tư xuất nhập khẩu Viễn Đông. Trong quá trình tháo đỡ hệ thống đèn trang trí trên vỉa hè, đơn vị này đã “bỏ quên” không nhổ những móc sắt nhô cao hơn mặt đường 5-7cm, tạo thành mối nguy hiểm cho người qua lại.
Sau khi hình ảnh nữ du khách nước ngoài bị ngã chảy máu mũi được post lên mạng xã hội đã gây “bão”, dư luận hết sức phẫn nộ vì sự tắc trách của đơn vị thi công.
Nhận được thông tin trên, lãnh đạo UBND quận 1 đã lập tức gửi công văn tới Công ty TNHH đầu tư xuất nhập khẩu Viễn Đông yêu cầu rà soát, xử lý dứt điểm những móc sắt còn tồn tại trên các tuyến đường quận 1, đảm bảo lối đi thông thoáng, an toàn tuyệt đối cho người đi bộ.
Đặc biệt, trong công văn gửi Công ty TNHH đầu tư xuất nhập khẩu Viễn Đông, lãnh đạo quận 1 cũng đã yêu cầu đơn vị này ngoài việc gỡ bỏ những chiếc “bẫy sắt” hại người kia, còn phải xin lỗi bằng văn bản công khai, chịu toàn bộ chi phí đền bù thiệt hại cho du khách bị thương. Kết quả thực hiện phải thông báo bằng văn bản cho UBND quận 1 trước ngày 15/4.
Tới ngày 10/4, tại buổi làm việc với Phó Chủ tịch UBND quận 1, Công ty TNHH đầu tư xuất nhập khẩu Viễn Đông đã chấp nhận bồi thường 1.000 USD, đồng thời gửi thư xin lỗi đến du khách nước ngoài gặp nạn.
Hành động nói trên không chỉ củng cố mà còn nâng cao hình ảnh đất nước, con người Việt Nam trong con mắt du khách nước ngoài. Nếu như Công ty TNHH đầu tư xuất nhập khẩu Viễn Đông thực sự có ý định xin lỗi và bồi thường cho nạn nhân dù không có công văn yêu cầu của UBND quận 1 thì quả là điều đáng mừng.
Song, ngay cả khi buộc phải bồi thường và xin lỗi theo yêu cầu của UBND quận 1 thì cũng chứng tỏ đơn vị này tiệm cận được sự văn minh khi đã biết cầu thị, biết nhận và sửa sai, chứ không “cãi chày, cãi cối” như một vài doanh nghiệp khác.
Chẳng phải đã có vô số người bị nạn, nhẹ thì bươu đầu sứt trán, nặng thì mất mạng vì những cái “bẫy” do các đơn vị thi công “đặt” lại trên đường đó sao?! Nạn nhân có nhiều, trong đó bao gồm nam, phụ, lão, ấu đủ cả, có người thì rơi xuống hố chết khi mải chạy đuổi theo xe buýt, có em nhỏ thì sa chân xuống hố ga chết đuối...
Các nạn nhân bị thương hay thậm chí xấu số tử vong do lỗi tắc trách, cẩu thả trong và sau khi thi công công trình đã là điều không thể chấp nhận được. Thế nhưng, nếu nạn nhân bị thương hay tử vong chỉ vì những “sáng kiến” nào đó thì không thể chấp nhận được.
Chuyện những thanh tre vót nhọn từng được cắm chổng ngược lên không trung tại vườn hoa Nhà hát lớn Hà Nội nhằm để tránh bị xéo lên hoa, lên cỏ vừa mất mỹ quan, vừa khiến người ta vô cùng nghi ngại về độ an toàn của nó khi đi dạo trong vườn hoa. Ai dám đoán chắc rằng không có em nhỏ, hay thậm chí là cả người lớn, trong khi đùa nghịch hay vô ý lạc bước vào “vườn chông” này?
Trong một xã hội văn minh, người ta không chỉ biểu thị cái tôi của mình, mà còn phải vì cái chúng ta của mọi người trong cộng đồng nữa. Theo đó, người ta không thể cẩu thả vô trách nhiệm, hay thậm chí vì bớt xén công đoạn thi công để giảm chi phí mà tạo ra những cái bẫy chết người, để rồi xảy ra những bi kịch đau lòng cho người khác.
Nếu chẳng may bi kịch xảy ra thì người trong xã hội văn minh sẽ biết cầu thị tự nhận lỗi và chuộc lỗi hòng có sự tha thứ của nạn nhân và dư luận xã hội. Có những sự việc mà không ai, tòa án nào có thể kết tội được người gây hại, song tòa án lương tâm của người đó cũng sẽ không buông tha mà sẽ đeo bám khiến cả cuộc đời họ không yên.
Còn nữa, một đô thị văn minh thì sẽ không có chuyện như kiểu rào chông ở vườn hoa công cộng. Người xưa nói, tiên trách kỷ, hậu trách nhân, mỗi người hãy tự nhận thức về ý nghĩa của cụm từ “văn minh, lịch sự” và tự sửa mình trước, tự khắc mọi sự sẽ tốt đẹp, bởi văn minh vốn là phạm trù thuộc ý thức tự giác chứ không thể dùng “bẫy” để cưỡng ép được.