Sức khỏe

Tiêm vaccine đầy đủ cho chó mèo khi bệnh dại “vào mùa”

Đức Trân 15/06/2024 09:27

Mặc dù các cơ quan chức năng liên tục khuyến cáo về việc tiêm phòng vaccine dại và huyết thanh kháng dại cho những người bị súc vật tấn công, nhưng hàng năm vẫn có nhiều trường hợp tử vong vì căn bệnh này.

bai-chinh.jpg
Bệnh nhi mắc bệnh dại điều trị tại Bệnh viện Nhi trung ương. Ảnh: BVCC.

Số liệu từ Cục Y tế dự phòng Bộ Y tế cho biết, ở các nước Đông Nam Á, hàng năm tỷ lệ chết vì bệnh dại chiếm 80% trên toàn thế giới. Đồng thời, từ năm 2004 đến nay bệnh dại tăng lên rõ rệt ở các nước trong khu vực, trong đó có Việt Nam.

Với khoảng 5,4 triệu con chó ở 3,5 triệu hộ nuôi, nhưng chỉ có khoảng 40% được tiêm phòng trên phạm vi cả nước, Việt Nam ghi nhận hầu hết các tỉnh, thành phố trên toàn quốc đều có sự lưu hành và phát triển của bệnh dại. Ước tính, mỗi năm có tới 400.000-500.000 bị chó cắn, phải điều trị dự phòng và 80-100 người tử vong do lây bệnh dại từ chó mèo.

Một thực tế rất đau lòng tại Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung, đó là khoảng 1 nửa số bệnh nhân tử vong về bệnh dại là trẻ em dưới 15 tuổi. Một trường hợp cụ thể, Bệnh viện (BV) Nhi trung ương mới đây đã tiếp nhận một bé trai 2 tuổi khởi phát bệnh dại, nhập viện trong tình trạng nguy kịch.

Khai thác bệnh sử, gia đình cho hay, trước khi nhập viện 1 tháng, trẻ bị chó của gia đình nuôi (chưa tiêm phòng dại) cắn vào vùng cổ và cằm. Ngay sau khi bị cắn, trẻ chỉ được rửa vết thương bằng xà phòng và không được tiêm vaccine phòng dại và huyết thanh kháng dại. Khoảng 8 ngày trước khi vào viện trẻ lên cơn sốt, biểu hiện bất thường nên được gia đình đưa đến bệnh viện tỉnh điều trị với chẩn đoán theo dõi bệnh dại. Tuy nhiên, tình trạng trẻ ngày càng nặng và chuyển biến nhanh nên đã được chuyển đến BV Nhi trung ương. Hiện tại, trẻ vẫn trong tình trạng hôn mê sâu, tiên lượng xấu nguy cơ tử vong cao.

TS.BS Đào Hữu Nam - Trưởng khoa Điều trị tích cực, Trung tâm Bệnh nhiệt đới (BV Nhi trung ương) cho biết: Hàng năm, khoa tiếp nhận một số trường hợp trẻ mắc bệnh dại đến khám và điều trị. Đa số các trường hợp trẻ nhập viện đều chưa được tiêm phòng do cha mẹ chưa hiểu biết về bệnh dại, tâm lý chủ quan cho rằng chó nhà cắn và tại thời điểm cắn, chó bình thường, tâm lý e ngại với vaccine phòng dại, một số trường hợp trẻ bị chó cắn nhưng không nói với gia đình…

Trong khi đó, nhận định về tình hình bệnh dại trong thời gian tới, BS Bạch Thị Chính - Giám đốc Y khoa, Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC đánh giá, thời gian sắp tới là giai đoạn cao điểm mùa nắng nóng, hay còn có thể được gọi là “mùa bệnh dại” vì nguy cơ tiếp xúc với các mầm gây bệnh tăng cao. Vào mùa hè, các hoạt động vui chơi ngoài trời gia tăng, các loài động vật cũng có xu hướng hoạt động nhiều hơn và các gia đình cũng tổ chức đi du lịch ở nhiều địa phương khác nhau. Tất cả những điều này đều tăng nguy cơ phơi nhiễm bệnh dại.

“Đa số các trường hợp tử vong do dại thường thiếu hiểu biết về phòng chống bệnh, đặc biệt là không chủ động tiêm ngừa vaccine ngay sau khi bị động vật nghi dại cắn. Thực tế, mặc dù các ngành chức năng liên tục khuyến cáo về việc tiêm vaccine dại, nhưng tại nước ta, trung bình mỗi năm vẫn có trên dưới 100 người tử vong vì dại. Điều đáng nói, các ca tử vong vì dại chủ yếu là do chó, mèo của gia đình hoặc hàng xóm cắn. Chính tâm lý chủ quan đã dẫn đến nhiều hậu quả đáng tiếc” – BS Chính thông tin.

Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Hoàng Minh Đức cho hay, thời gian cao điểm ghi nhận các ca bệnh dại thường là mùa hè, tập trung vào các tháng 8, 9 trong năm. Nguy cơ lây nhiễm bệnh dại từ động vật sang người vẫn tiếp tục. Một phần do tỷ lệ tiêm vaccine phòng dại trên tổng đàn chó, mèo còn thấp, công tác quản lý đàn chó, mèo còn hạn chế.

Do vậy, để chủ động phòng chống bệnh dại, người dân nuôi chó, mèo cần tiêm vaccine phòng dại đầy đủ và tiêm nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo của ngành thú y; nuôi chó phải xích, nhốt, khi ra đường phải mang rọ mõm. Kịp thời đến cơ sở y tế để khám, tư vấn và tiêm vaccine phòng dại, huyết thanh kháng dại; tuyệt đối không tự chữa trị hoặc nhờ thầy lang chữa trị. Truyền thông, hướng dẫn cho trẻ em cách phòng tránh chó, mèo cắn và thông báo ngay cho cha, mẹ hoặc người thân sau khi bị chó, mèo.

Bệnh dại là bệnh truyền nhiễm do virus dại lây từ chó mèo hoặc vật nuôi sang người thông qua vết cắn, cào hoặc tiếp xúc với vết thương hở, dẫn đến nhiễm trùng não. Thời gian ủ bệnh dại ở người phụ thuộc vào tình trạng nặng nhẹ của vết cắn. Khi đã xuất hiện các triệu chứng lâm sàng, bệnh dại gần như gây tử vong 100%.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tiêm vaccine đầy đủ cho chó mèo khi bệnh dại “vào mùa”