Tới thời điểm này niềm tin của những tín đồ tiền ảo trung thành nhất cũng đang bị thử thách khi mà năm 2022 các sàn tiền ảo và quỹ đầu tư tiền ảo toàn cầu rơi vào khủng hoảng. Giá của các đồng tiền kỹ thuật số sụt mạnh, tài sản của các công ty trong lĩnh vực này lao dốc, hàng chục nghìn nhân viên đã phải khăn gói ra đi...
Dù rằng các tín đồ tiền ảo cũng đã quen với sự biến động chóng mặt, nhưng rồi cũng đến lúc hết chịu đựng nổi. Theo Nikkei Asia, năm 2022 là phép thử niềm tin vô cùng ghê gớm. Câu hỏi đặt ra là sau nhiều sóng gió liệu tiền ảo có phục hồi được trong năm 2023?
“Mùa đông tiền ảo” khiến nhà đầu tư nhụt chí
Cơn ác mộng của giới tiền ảo trong năm 2023 vẫn tiếp tục. Nó được coi là bắt đầu ở Singapore. Vụ quỹ đầu cơ tiền ảo Three Arrows Capital (3AC) phá sản vào tháng 7/2022 sau sự sụp đổ của tiền ảo Luna đã châm ngòi cho một đợt giảm giá mạnh trên toàn thị trường, dẫn tới điều mà nhiều người mô tả là “mùa đông tiền ảo” hay là “kỷ băng hà của tiền ảo”.
Sau đó, hỗn loạn lập tức bùng phát, kéo dài, dẫn tới sự sụp đổ của những tên tuổi lớn, và đáng chú ý nhất trong số này là một công ty có nguồn gốc châu Á - FTX. Người sáng lập sàn giao dịch tiền ảo FTX, Bankman-Fried, đã từ một tỷ phú tiền ảo trở thành tội phạm bị cáo buộc gian lận ở Mỹ khi công ty của ông ta phá sản vào tháng 11/2022.
Cũng cần nhắc lại rằng, chỉ một năm trước đó, vào tháng 11/2021, toàn thị trường tiền ảo đạt vốn hóa kỷ lục khoảng 3 nghìn tỷ USD, trước khi sụt giảm chỉ còn chưa tới 1 nghìn tỷ USD vào giữa năm 2022. Còn tuần đầu tháng 1/2023, thị trường tiền ảo vốn hóa ở con số nào, thì vẫn không có câu trả lời.
Chỉ biết rằng, Bitcoin - đồng tiền ảo phổ biến nhất và có vốn hóa lớn nhất, đã giảm giá xuống dưới 16.000 USD, cũng có nghĩa là giảm gần 80% so với mức cao nhất thiết lập vào cuối năm 2021.
Alex Au - người sáng lập Công ty quản lý tài sản Alphalex Capital (Hong Kong, Trung Quốc) nhận xét: Cơn cuồng loạn này đã khiến các nhà đầu tư nhụt chí. “Mùa đông tiền ảo” có thể kéo dài và trở thành một thứ gì đó nghiêm trọng hơn. Điều đó dẫn đến kỷ nguyên băng hà của tiền ảo. Tôi cho rằng năm 2023 thị trường tiền kỹ thuật số sẽ tiếp tục suy yếu, chủ yếu do mất niềm tin”.
Trong khi đó Công ty cung cấp dữ liệu CoinGecko lại ví tình hình như là chiếc “ví lạnh” - loại ví tiền ảo không được kết nối Internet để tránh bị hack. Thị trường sẽ duy trì ở trạng thái đứng im.
Bà Annabelle Huang - nhân sự cấp cao Công ty Amber Group (công ty quản ý tài sản kỹ thuật số, trụ sở tại Singapore) cho rằng thị trường gần như đã chết. “Mọi người đều hoảng sợ và không biết giao dịch ở đâu. Mọi người đều đang chờ giông tố lắng xuống”. Bà Huang còn nhận xét Hong Kong và Singapore vốn là hai trung tâm tài chính châu Á cạnh tranh để trở thành kinh đô tiền điện tử châu Á, thì cũng đã “hết hơi” khi họ đã chính thức từ bỏ tham vọng trở thành “đại bản doanh” tiền ảo.
Kết quả nghiên cứu được công bố dịp đầu năm mới 2023 do Matrixport và Longitude Research thực hiện cho biết giới nhà đầu tư giàu có đã “rụt lại” trước sự lao dốc của thị trường tiền điện tử. “Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy gần một nửa những người tham gia nói rằng hầu hết các loại tài sản số sẽ rất ảm đạm trong năm 2023” - bà Eugene Lim, người đứng đầu bộ phận tài sản tư nhân tại Matrixport, cho biết. Còn ông Au của Alphalex Capital, nhận định trong kỷ băng hà tiền ảo như thế này thì rất khó để bán tiền ảo, và cũng rất khó để khiến nhà đầu tư tin rằng họ có thể thu về lợi ích với rủi ro quá lớn.
Nhận xét của ông Au dựa trên vụ sàn tiền ảo lớn nhất thế giới Binance đã bị khách hàng rút lượng tiền ảo trị giá 1,9 tỷ USD trong vòng 24 tiếng đồng hồ tính đến ngày 13/12/2022; còn nhà sáng lập FTX Sam Bankman-Fried đã bị bắt ở Bahamas do đã bị Ủy ban Chứng khoán và Sàn giao dịch Mỹ (SEC) buộc tội lừa dối nhà đầu tư.
Trước tình thế nguy ngập, người phát ngôn của Binance nói sàn luôn “có thừa vốn” để đáp ứng nhu cầu rút của khách hàng. Tuy nhiên, thông tin trên trang CoinDesk lại cho rằng đó chỉ là cách trấn an của Binance mà thôi.
Giới chuyên gia tài chính-ngân hàng cho rằng vụ FTX sụp đổ là lời nhắc nhở rằng “chẳng có bữa trưa nào miễn phí” đối với những ai muốn kiếm tiền nhanh trên một thị trường còn tương đối mới mẻ và thiếu sự điều tiết”. Đặc biệt, chuyên gia kế hoạch tài chính Jon Ulin - CEO của Ulin & Co. Wealth Management còn bi quan hơn khi cho rằng “cuộc chiến” tranh giành thị phần giữa đồng tiền truyền thống với tiền kỹ thuật số đã chấm dứt với thất bại “không thể che giấu” của tiền ảo.
“Nếu vẫn còn nuối tiếc thì bạn chỉ nên đầu tư số tiền mà bạn sẵn sàng mất trắng, giống như chơi bạc ở Las Vegas vậy” - ông Ulin nhấn mạnh.
Còn nhà tư vấn tài chính Kevin Lum - người sáng lập công ty Foundry Financial khuyến cáo các nhà đầu tư cần phải hiểu tiền ảo được cất ở đâu và những rủi ro đi kèm với việc cất tài sản ở đó. Tuy nhiên, tại thời điểm này thì kể cả hình thức “lưu trữ lạnh” (cold storage) - tức đưa tiền ảo sang trạng thái ngoại tuyến, thì cũng không an toàn.
Bất cứ một “cuộc chơi” nào dính đến tiền thì cũng đều là một cuộc chiến
Trở lại với FTX, người ta nhận thấy rằng hành trình của Sam Bankmank-Fried từ khi bắt tay xây dựng sàn FTX thành một sàn giao dịch tiền ảo khổng lồ và sở hữu khối tài sản hàng chục tỷ USD cho tới khi sàn này bất ngờ phá sản đã để lại rất nhiều bài học.
Vào năm 2017, Bankman-Fried, sau khi rời vị trí nhà giao dịch định lượng của Công ty quản lý quỹ Street Capital, bất chợt phát hiện thấy một điều thú vị: có lúc giá Bitcoin trên các sàn khác nhau có thể chênh lệch tới 60%. Từ đó Bankman-Fried nắm ngay lấy cơ hội cho các giao dịch chênh lệch giá: mua Bitcoin ở một sàn rồi bán lại ở một sàn khác, bỏ túi phần chênh lệch giá giữa hai sàn.
Kiếm lời rất nhanh, Bankman-Fried mở công ty giao dịch của riêng mình, đặt tên là Alameda Research theo tên của thị trấn quê nhà Almeda thuộc bang California (Mỹ). Bankman-Fried tiết lộ với hãng tin CNBC rằng có những lúc công ty kiếm được tới 1 triệu USD mỗi ngày.
Nghe thì dễ nhưng cần phải hiểu rằng bất cứ một “cuộc chơi” nào dính đến tiền thì cũng đều là một cuộc chiến, người chiến thắng thì ít mà người thương vong, người tử nạn thì nhiều. Từ sự thành công của Alameda đã dẫn tới sự ra đời của sàn giao dịch tiền ảo FTX vào mùa xuân năm 2019, rồi là một quỹ đầu tư mạo hiểm trị giá 2 tỷ USD chuyên rót vốn cho các công ty tiền ảo khác. Vào lúc đỉnh điểm, khối tài sản ròng cá nhân của Bankman-Fried tăng lên mức hơn 16 tỷ USD.
Nhưng rồi mọi sự kết thúc khi giá tiền ảo lao dốc chóng mặt kể từ đầu năm 2022 và kéo dài tưởng chừng như vô tận. Lúc đầu, Bankman-Fried từng tuyên bố “đế chế” của mình hoàn toàn miễn nhiễm với sự sụt giảm của thị trường, nhưng rồi chính “đế chế” ấy lại tổn thương nặng nề nhất.
Trước khi Bankman-Fried “biến mất”, Alameda, FTX nộp đơn xin bảo hộ phá sản, thì ông chủ của đế chế tiền ảo lớn nhất thế giới đã phải rao bán căn penthouse trị giá 40 triệu USD của mình ở Bahamas. Không còn là biểu tượng thành công, những bức ảnh Bankman-Fried trên những tấm biển quảng cáo phải gỡ xuống; không chỉ là lời nhắc nhở về sự sụp đổ của một đế chế tài chính mà còn như một chỉ dấu vô cùng mệt mỏi cho thế giới tiền ảo. Liệu tiền ảo có sống sót qua "kỷ băng hà” được không?
Những năm qua, nhà kinh tế học nổi tiếng Paul Krugman đã nhiều lần chỉ trích Bitcoin và các loại tiền ảo khác, cho rằng đây là những đồng tiền vô dụng, lãng phí, không phổ cập và chỉ được gán giá trị do hoạt động đầu cơ và thổi giá. Ông Paul Krugman từng giành giải thưởng Nobel đã để lại những “thông điệp” cho lĩnh vực tiền ảo.
Giữa năm 2018, Krugman nhận xét: "Tiền ảo không có dây cương và cũng không có sự ràng buộc với thực tế. Giá trị của chúng phụ thuộc hoàn toàn vào những kỳ vọng, đồng nghĩa rằng nó hoàn toàn có khả năng sụp đổ. Và lúc đó Bitcoin sẽ trở nên vô giá trị”. Tháng 5/2021, Brugman lại tuyên bố: "Bitcoin không phải là một sự đổi mới. Nó đã xuất hiện từ năm 2009 và trong khoảng thời gian đó dường như không ai tìm thấy bất kỳ mục đích sử dụng hợp pháp nào cho nó. Nhưng tôi đã từ bỏ việc dự đoán về “cái chết sắp xảy ra” của Bitcoin vì biết đâu rằng tiền ảo này như một giáo phái có thể tồn tại vô thời hạn". Cuối tháng 1/2022, Brugman lại nói: "Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy rủi ro của tiền ảo đang tập trung một cách thiếu cân xứng vào những người không biết họ đang làm gì và ở thế yếu khi ứng phó với rủi ro đó”.
Nhà kinh tế Paul Krugman