Sức khỏe

Tiến bộ mới lĩnh vực ghép thận

An Thái 22/03/2024 07:53

Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức thông tin, tỷ lệ sống 5 năm sau ghép thận đạt trên 98,9%; tỷ lệ thận ghép hoạt động 10 năm là 95,7%.

bai-chinh(2).jpg
Ghép thận cho bệnh nhân tại Bệnh viện Hữu nghị Việt – Đức. Ảnh: BVCC.

Chú trọng điều trị sau ghép thận

Tại Hội nghị Khoa học ghép thận vừa được Bệnh viện (BV) Hữu nghị Việt - Đức tổ chức, TS.BS Dương Đức Hùng - Giám đốc BV cho biết, ghép thận hiện được thực hiện thường quy tại viện, với khoảng 100 ca ghép mỗi năm. Không chỉ thực hiện ghép thận thường quy, từ người cho sống, BV cũng thực hiện nhiều ca ghép thận từ người cho chết não, bên cạnh việc thực hiện các kỹ thuật ghép tạng khác như ghép tim, ghép gan....

Từ ca ghép thận đầu tiên vào năm 2002, đến nay, với khoảng 20 năm phát triển, ghép thận tại BV Hữu Nghị Việt - Đức đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Cụ thể, tỷ lệ sống 5 năm sau ghép thận đạt trên 98,9%; tỷ lệ thận ghép hoạt động 10 năm là 95,7%. Tổng số bệnh nhân điều trị sau ghép thận tại BV đến nay là hơn 1.800 trường hợp, trong đó 67% là nam giới. Về mặt kỹ thuật, công tác ghép tạng không quá khó trong ngoại khoa, tuy nhiên ghép tạng và ghép thận đòi hỏi công tác tổ chức, phối hợp giữa các bộ phận nhuần nhuyễn.

Theo BS Hùng, suy thận có hai nhóm nguyên nhân chính là suy thận bẩm sinh và do mắc phải. Trước đây, suy thận do mắc phải thường do nhiễm khuẩn như viêm thận do liên cầu. Hiện nay, với sự phát triển của kháng sinh, nguyên nhân suy thận do viêm đã giảm đi. Tuy nhiên, một nguyên nhân khác góp phần gây suy thận hiện nay đó là thực phẩm. Hiện nhiều thực phẩm sử dụng quá nhiều hóa chất độc hại để bảo quản. Về nguyên lý, các chất khi đưa vào cơ thể đều được chuyển hóa, đào thải qua gan và thận. Chính vì vậy, những thực phẩm này gây ảnh hưởng đến chức năng gan, thận đầu tiên..

Bệnh suy thận đang trẻ hóa do người trẻ là đối tượng tiếp xúc với nhiều nguy cơ mắc bệnh hơn. Người trẻ có thể tiếp xúc với môi trường lao động độc hại; ăn các loại thực phẩm không an toàn; lạm dụng rượu, bia,… Bên cạnh đó, hiện vẫn còn tình trạng người dân khi phát hiện suy thận không theo phác đồ điều trị của bác sĩ mà tự uống thuốc dân gian không rõ nguồn gốc, dẫn đến bệnh chuyển nặng.

Các chuyên gia BV Hữu nghị Việt - Đức lưu ý, việc theo dõi, điều trị sau ghép thận rất quan trọng để kéo dài tuổi thọ của thận ghép, giúp người bệnh có chất lượng cuộc sống tốt. Nhờ thực hiện tốt điều đó, hiện tỷ lệ thận hoạt động trên 10 năm sau ghép rất cao.

Nghiên cứu sửa đổi quy định pháp lý về hiến ghép tạng

BS Dương Đức Hùng nhấn mạnh, ghép thận làm cho chất lượng cuộc sống của những bệnh nhân tốt hơn hẳn, giảm được nhiều gánh nặng so với chạy thận 3 lần/tuần. Tuy nhiên, một số quy định pháp lý về hiến ghép tạng không còn phù hợp, thậm chí có nội dung còn là rào cản trong thực tế công tác ghép tạng hiện nay, trong đó có ghép thận. Đơn cử, việc chúng ta không nghĩ đến đối tượng ghép tạng là trẻ em, nhiều trường hợp trẻ em chết não, gia đình cũng muốn hiến tạng nhưng do luật không quy định nên không thể lấy tạng của trẻ em.

Các chuyên gia cũng cho hay, hiện nay bảo hiểm y tế đã chi trả chi phí điều trị cho bệnh nhân suy thận và người ghép thận, giúp bệnh nhân được điều trị ổn định hơn. Tuy nhiên, hiện nay nguồn hiến ghép tạng nói chung và nguồn hiến thận nói riêng chủ yếu vẫn là người cho sống. Trong khi đó, việc người hiến thận sống sau khi hiến đòi hỏi theo dõi, chăm sóc sức khỏe, ít nhiều gây ảnh hưởng đến cuộc sống. Bởi vậy, cần tăng nguồn tạng hiến từ người chết não để thêm cơ hội cứu sống nhiều người bệnh.

Ông Vương Ánh Dương - Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) đánh giá, kỹ thuật ghép tạng tại nước ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Tuy nhiên, lĩnh vực này vẫn còn rất nhiều khó khăn như nguồn tạng hiến, chi phí ghép và điều trị dài ngày sau đó cho bệnh nhân… Những khó khăn đó, Bộ Y tế đã ghi nhận để tìm cách tháo gỡ trong thời gian tới. Hiện nay Bộ Y tế đã phê duyệt 23 cơ sở y tế ghép tạng, cả tuyến tỉnh và tuyến Trung ương. Việt Nam đã triển khai hiệu quả các kỹ thuật trong ghép tạng với kết quả đã ghép được 6 bộ phận cơ thể người, gồm: Thận, gan, phổi, tim, tụy, chi thể.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng đang tiến hành nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác theo hướng sửa đổi một số nội dung thuận lợi hơn cho vận động hiến tạng; đồng thời, xây dựng thông tư về tổ chức và điều phối hiến tạng, tổ chức truyền thông vận động người cho chết não…

TS.BS Nguyễn Thế Cường - Trưởng Khoa Thận - Lọc máu (Bệnh viện Hữu Nghị Việt - Đức) cho biết, trong điều trị sau ghép tạng, bệnh nhân được cập nhật, chia sẻ nhiều kiến thức, kinh nghiệm không chỉ từ y bác sĩ, mà còn từ chính những người đã được ghép thận trước đó, khi họ tham gia vào Câu lạc bộ bệnh thận để chia sẻ những kinh nghiệm trong quá trình điều trị tại bệnh viện.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tiến bộ mới lĩnh vực ghép thận

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO