Các thông tin tiền điện tháng 6 tăng đột biến… đang thu hút sự quan tâm của dư luận. Nhiều người dân chia sẻ, dẫu biết giá điện sinh hoạt được điều chỉnh tăng nhưng vẫn sốc với tiền điện tháng 6.
Chị Minh Phương (Toà nhà Imperia, 143 đường Nguyễn Tuân, Hà Nội) chia sẻ, khá sốc khi thanh toán tiền điện tháng 6 cho gia đình với mức tiền lên tới 3,2 triệu đồng cho hộ gia đình 4 người. “Tháng vừa rồi gia đình tôi sử dụng rất tiết kiệm, phải rất nóng mới mở điều hòa. Nhiều thứ cũng hạn chế để tiết kiệm điện nhất có thể vậy mà nhận hóa đơn chóng cả mặt” - chị Phương than thở.
Anh Nguyễn Hùng (nhà ở đường Tam Khương, Hà Nội) cho biết, dẫu biết thông tin giá điện đã tăng và ngành điện điều chỉnh bậc thang tính giá bán lẻ điện sinh hoạt nhưng cũng không nghĩ tiền điện gia đình tăng vọt như vậy. Thời điểm này năm ngoái, tiền điện hộ gia đình 4 người thường giao động từ 1,8 triệu đồng – 2 triệu đồng, vậy mà năm nay hơn 3 triệu đồng.
Trước thực trạng người dân than phiền vì tiền điện sinh hoạt tăng vọt, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã có văn bản yêu cầu các tổng công ty điện lực chỉ đạo công ty điện lực nghiêm túc rà soát những trường hợp khách hàng có sản lượng điện năng hoặc số tiền thanh toán tăng bất thường trong tháng 6.
Đặc biệt, EVN yêu cầu các tổng công ty, công ty điện phải kịp thời cung cấp thông tin, giải thích rõ ràng cho khách hàng; đồng thời tuyên truyền rõ cách tính tiền điện tháng 6, những thay đổi trong phát hành hóa đơn, quản lý hợp đồng và thu tiền điện trước và sau thời điểm sáp nhập đơn vị hành chính.
Các đơn vị cũng được yêu cầu cung cấp thông tin về giải pháp giám sát chỉ số điện năng hằng ngày/hằng tháng qua App/Web chăm sóc khách hàng và hướng dẫn sử dụng điện an toàn, tiết kiệm, hiệu quả...
Liên quan đến phản ánh của người dân về tình trạng hoá đơn tiền điện tháng 6 tăng đột biến, mới đây Tổng Công ty Điện lực TP Hà Nội (EVN Hà Nội) lý giải do lượng điện năng tiêu thụ tăng theo quy luật hằng năm vào những tháng hè cộng với việc giá bán lẻ điện tăng từ ngày 10/5. Đặc biệt, kỳ nghỉ hè của học sinh trùng với cao điểm nắng nóng, dẫn đến thời gian sử dụng điều hòa và các thiết bị điện kéo dài liên tục cả ngày lẫn đêm làm tổng số tiền điện tháng 6 các hộ dân phải trả cao hơn so với tháng trước.
Còn theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam, máy điều hòa nhiệt độ là một trong 5 thiết bị điện phổ biến (điều hòa, tủ lạnh, bình nóng lạnh, bếp điện và nồi cơm điện) trong gia đình "ngốn" điện nhất.
Điều hòa có thể chiếm từ 28-64%, thậm chí lên tới 80% tổng lượng điện tiêu thụ trong gia đình tùy vào tần suất và điều kiện sử dụng. Đặc biệt, khi trời càng nắng nóng, nhiệt độ ngoài trời càng cao thì lượng điện tiêu thụ của điều hòa sẽ càng lớn.
Khi nhiệt độ môi trường tăng thêm 1 độ C thì mức tiêu thụ điện của điều hòa sẽ tăng thêm 2-3%. Chẳng hạn, khi nhiệt độ tăng 5 độ C, điều hòa có thể tiêu thụ thêm khoảng 10% điện năng.
Giới chuyên gia khuyến cáo, để tiết kiệm điện thì cách đơn giản nhất là dùng ít đi, cài đặt nhiệt độ phòng cao nhất có thể, đóng kín cửa nhưng phải thông gió cho phòng sau mỗi 3-4h sử dụng để đủ dưỡng khí. Khi nhiệt độ ngoài nhà xuống dưới 26 độ C thì nên tận dụng gió trời xuyên phòng làm mát phòng để đỡ phải bật điều hòa.
Vậy nên, vào những ngày trời nắng nóng từ 35-40 độ C, điều hòa hoạt động hết công suất thì điện năng tiêu thụ tốn hơn rất nhiều so với những ngày nắng nóng có nền nhiệt 30-35 độ C.
Ngoài ra, thói quen cài đặt nhiệt độ quá thấp cũng "ngốn" rất nhiều điện năng. Theo đó, người dùng cài đặt nhiệt độ điều hòa thấp hơn 1 độ C so với mức cài đặt nhiệt độ tiêu chuẩn (khoảng 24-27 độ C) thì sẽ tiêu tốn thêm 1-2% lượng điện. Đó là lý do vì sao nếu điều hòa không được sử dụng đúng cách, cuối tháng hóa đơn tiền điện sẽ tăng vọt, đặc biệt là với những hộ gia đình đông người sử dụng 3-4 máy điều hòa.