Huyện Tiên Phước (Quảng Nam) nổi tiếng với giống tiêu bản địa. Nhưng do ảnh hưởng của đợt mưa lũ kéo dài, nhiều vườn tiêu của người dân nơi đây đang bị vàng lá do gốc tiêu bị ngập úng. Nếu không có biện pháp xử lý kịp thời sẽ dẫn tới cây tiêu bị chết, gây thiệt hại lớn cho người nông dân.
Tại các xã như Tiên Châu, Tiên Mỹ, Tiên Lập,… huyện Tiên Phước nhiều khu vườn bị ngập từ 2 đến 3 ngày. Cây tiêu là loại cây thân leo, bộ rễ rất nhạy cảm mỗi khi bị ngập úng do mưa lớn kéo dài gây ảnh hưởng tới quá trình sinh trưởng của cây.
Cuối năm 2016, nhiều vườn tiêu của bà con trong vùng đã bị chết vì hư rễ và mắc các loại nấm gây hại do mưa lớn kéo dài nên hiện nay người dân rất lo lắng. Một khóm tiêu sau gần 3 năm sẽ bắt đầu cho quả, với giá tiêu trên thị trường hiện nay, trung bình mỗi choái tiêu từ 5 năm tuổi trở lên có thể cho thu nhập hơn 2 triệu đồng/năm.
Ông Tống Phước Thuần, cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tiên Phước cho biết, sau đợt mưa lớn, úng ngập vừa qua, các loại nấm gây hại cho cây tiêu có dịp bùng phát, làm cho thân cây bị héo, chết nhanh.
Còn theo Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước Lê Trí Hiệu, Tiên Phước là huyện vùng trung du, có địa hình cao nhưng đợt mưa lũ lịch sử vừa qua đã gây thiệt hại lớn đến các vườn cây ăn trái trên địa bàn huyện, đặc biệt là cây tiêu. Hiện nay, huyện đang lên kế hoạch hỗ trợ người dân một phần thuốc bảo vệ thực vật để khẩn trương bảo vệ vùng trồng tiêu của huyện.
Huyện Tiên Phước có diện tích trồng tiêu khoảng 100 ha, tập trung ở các xã Tiên Phong, Tiên Thọ, Tiên Châu, Tiên Hiệp… Sản lượng tiêu hàng năm của huyện ước đạt 50 tấn. Bình quân 1kg tiêu Tiên Phước cho thu nhập từ 600 đến 700 ngàn đồng. Giá tiêu bản địa Tiên Phước có giá trị kinh tế rất cao, gấp hơn 3 lần so với tiêu trồng ở những vùng khác.
Chính vì thế huyện Tiên Phước đang triển khai nhiều phương án đồng bộ, hỗ trợ về kỹ thuật để giúp bà con nông dân trồng tiêu và các loại cây đặc sản khác hạn chế thiệt hại do mưa lũ gây ra.