Xinh đẹp, tài năng, giọng nói ngọt ngào, nghệ sĩ - Tiến sĩ Cello Đinh Hoài Xuân xuất hiện trong buổi họp báo với nụ cười thật tươi. Cello Fundamento là chuỗi hoà nhạc quốc tế cô sáng lập năm 2016, với khát vọng lan toả âm nhạc cổ điển rộng rãi đến công chúng Việt Nam. Sau 5 lần tổ chức thành công, Đinh Hoài Xuân tiếp tục tổ chức Cello Fundamento mùa 6, một đêm duy nhất tại Nhà hát Lớn Hà Nội vào 15/11 tới.
Với chủ đề “Oceana" (tiếng Latin nghĩa là “Đại dương”), Cello Fundamento 6 (CF6) kể câu chuyện về một nghệ sĩ Việt tài hoa, người đã đi ra nước ngoài học tập để rồi quay lại quê hương, ôm ấp khát vọng đưa âm nhạc Việt Nam vươn tầm thế giới bằng những chương trình hoà nhạc đẳng cấp quốc tế.
Một trong những điểm nhấn của chương trình là sự xuất hiện của Dàn nhạc giao hưởng quốc tế Bucharest Symphony Orchestra đến từ Romania. Được thành lập vào năm 2006 bởi Philson Young Association, sứ mệnh của Dàn nhạc Giao hưởng Bucharest là quảng bá âm nhạc và thu hút những người trẻ tuổi đến các phòng hòa nhạc cổ điển. Sự xuất hiện của dàn nhạc chứng tỏ nỗ lực vươn tầm quốc tế của hoà nhạc CF6 - Oceana.
Đặc biệt, CF 6 có sự đồng hành của Đại sứ quán Romania tại Việt Nam và bà Đại sứ Cristina Romila, nhân dịp kỷ niệm 72 năm ngoại giao hai nước Romania - Việt Nam. Đồng thời, nhà sáng lập Cello Fundamento - nghệ sĩ Đinh Hoài Xuân - cũng là Đại diện Danh dự âm nhạc Romania tại Việt Nam. Đại sứ quán sẽ tài trợ bữa tiệc chào mừng dàn nhạc Bucharest Symphony Orchestra, cũng như các nghệ sĩ khách mời.
Đinh Hoài Xuân bật mí 70 bộ trang phục của dàn nhạc Bucharest Symphony Orchestra, các solist, nghệ sĩ biểu diễn trong hòa nhạc được thiết kế tinh tế với các gam màu đỏ, xanh lam, vàng - màu quốc kỳ Romania do The Sages Modern Bespoke Tailoring tài trợ.
Những bản nhạc kinh điển được biểu diễn có thể kể đến: Khúc mở màn “The marriage of Figaro" (Đám cưới Figaro) của Mozart, tác phẩm của nhà soạn nhạc Rossini viết cho Clarinet, những bản Valse nổi tiếng thế giới như “The blue Danube" (Sông Danube xanh) của vua nhạc waltz Johann Strauss II hay “Waves of the Danube" (Sóng Danube) do nhà soạn nhạc người Romania Iosif Ivanovici sáng tác…
Điểm đặc sắc không thể không nhắc tới trong chương trình là sự xuất hiện của những bản nhạc phim nổi tiếng gắn liền với những kiệt tác điện ảnh như “The Godfather", “Schindler's list", “Cinema Paradiso", giúp khán giả có những trải nghiệm sống động, thể hiện sự kết nối giữa âm nhạc và điện ảnh, qua đó truyền đi thông điệp của Cello Fundamento về khả năng phổ biến và lan toả của âm nhạc cổ điển.
Như thường lệ, cuối mỗi chương trình Cello Fundamento là một màn trình diễn các ca khúc dân ca Việt Nam đã được chuyển soạn cho dàn nhạc giao hưởng. CF6 trình diễn các tác phẩm chuyển soạn từ các bản dân ca như “Còn duyên”, “Bắc kim thang”, “Đi cấy" và “Bèo dạt mây trôi".
Ngoài nhân vật chính là nghệ sĩ Đinh Hoài Xuân, chương trình còn có sự góp mặt của các nghệ sĩ khách mời đến từ Romania là Ciprian Marinescu - nhạc trưởng Dàn nhạc Osaka Nhật Bản và Răzvan Suma - Giáo sư tại Đại học Âm nhạc quốc gia Bucharest, người hướng dẫn luận án tiến sĩ phần biểu diễn cello cho nghệ sĩ Đinh Hoài Xuân tại Romania và cũng là người đã tham gia chương trình Cello Fundamento concert 2, 3, 4.
Đặc biệt, nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng sẽ xuất hiện trong CF6 6 với tác phẩm chuyển soạn đặc biệt dành riêng cho giọng hát, cello, violin, clarinet, piano, dàn nhạc và dàn hợp xướng.
Bên cạnh đó, chương trình có sự tham gia của: nghệ sĩ Cello Mladen Spasinovici đảm nhiệm phần chuyển soạn một số tác phẩm, nghệ sĩ Cello Ella Bokor và nghệ sĩ piano Iulian Ochescu từ Romania, ca sĩ Tân Nhàn - Tiến sĩ âm nhạc hiện là giảng viên khoa Thanh nhạc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam; nghệ sĩ Clarinet Trần Khánh Quang - Tiến sĩ chuyên ngành biểu diễn Clarinet tại Mỹ, giảng viên Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam.
Là khách mời của buổi hòa nhạc, ca sĩ Tân Nhàn tiết lộ sẽ thể hiện làn điệu âm nhạc truyền thống của Việt Nam là Bèo dạt mây trôi và Đi cấy.
Tân Nhàn bày tỏ sự ngưỡng mộ dành cho Đinh Hoài Xuân - người từng học cùng cô ở Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam: "Đinh Hoài Xuân là một cô gái vô cùng tài năng, chăm chỉ. Cùng với sự nhiệt huyết, tình yêu và đam mê của cô ấy và cây đàn cello và âm nhạc cổ điển, tôi nghĩ cô ấy sẽ đi rất xa. Mặc dù tôi học Tiến sĩ tại Việt Nam, Đinh Hoài Xuân học Tiến sĩ tại Romania nhưng chúng tôi vẫn giữ mối quan hệ thân thiết. Hai chị em vẫn có tình cảm khăng khít như những ngày còn ngồi trên ghế nhà trường".
Với mong muốn đem âm nhạc cổ điển đến gần hơn với công chúng Việt, đặc biệt là thế hệ trẻ, toàn bộ lợi nhuận của Cello Fundamento 6 đều dành để trao học bổng cho các tài năng âm nhạc trẻ và sử dụng cho những dự án âm nhạc vì cộng đồng của tổ chức Cello Fundamento, điển hình trong đó là dự án “Một triệu bàn tay chạm Cello” – đem tiếng đàn Cello đến các trường học trên khắp cả nước.
''Âm nhạc cổ điển và cây đàn cello đã giúp định hình trong tôi thế giới quan, những giá trị sống tốt đẹp cho bản thân và tạo cơ hội cho những bạn đồng nghiệp trẻ khác" - Đinh Hoài Xuân trải lòng.
Nghệ sĩ Đinh Hoài Xuân đến với âm nhạc từ năm 10 tuổi. Cô là thủ khoa Violoncello Học viện Âm nhạc Huế năm 2005. Cô tốt nghiệp xuất sắc Thạc sĩ biểu diễn Violoncello tại Học viện Âm nhạc Việt Nam 2012 và giành được học bổng kép bậc Tiến sĩ của Chính phủ Việt Nam và Romania cho chuyên ngành biểu diễn Cello tại ĐH âm nhạc quốc gia Bucharest, Romania. Hiện Đinh Hoài Xuân đã hoàn thành luận án Tiến sĩ chuyên ngành biểu diễn Cello tại ĐH Âm nhạc quốc gia Bucharest, Romania và trở thành nữ Tiến sĩ chuyên ngành biểu diễn Cello đầu tiên tại Việt Nam.
Đinh Hoài Xuân đã ra mắt nhiều MV và album ''Khúc phiêu du một đời''. Trong đó bộ phim ca nhạc "Hướng về Hà Nội" (Hoàng Dương) - sản phẩm ra mắt dịp kỷ niệm 60 năm giải phóng Thủ đô được đánh giá cao.
Đại sứ Cristina Romila: Đinh Hoài Xuân là một nghệ sĩ dám tiên phong
PV: Thưa bà Đại sứ, không biết bà đã theo dõi nghệ sĩ Hoài Xuân từ bao giờ và điều gì mà nghệ sĩ làm khiến bà lay động để đồng hành cùng nghệ sĩ trong buổi diễn này, một buổi biểu diễn đặc biệt có cả Dàn nhạc Quốc tế từ Romania sang Việt Nam?
Đại sứ C. Romila: Dàn nhạc lần này được đánh giá là uy tín nhất của Romania với sự công nhận của châu Âu cũng như quốc tế. Ngoài ra năm nay cũng kỷ niệm 72 năm quan hệ song phương giữa Romania và Việt Nam, sự có mặt của dàn nhạc là sự đóng góp cao quý, góp phần nâng cao mối quan hệ hữu nghị truyền thống vốn rất tốt đẹp giữa hai nước. Đây là sự kiện văn hoá được coi lớn nhất từ trước đến nay trong lịch sử 72 năm quan hệ 2 nước.
Đại sứ quán Romania rất vinh dự và tự hào khi được đồng hành trong sự kiện lần này. Nhân cơ hội này tôi cũng muốn gửi lời cảm ơn đặc biệt tới nghệ sĩ Đinh Hoài Xuân - Tiến sĩ Cello đầu tiên tại Việt Nam và là Đại sứ âm nhạc của Romania tại Việt Nam đã góp phần quảng bá âm nhạc cổ điển tới công chúng.
Đinh Hoài Xuân là người bạn lâu năm của Đại sứ quán Romania qua nhiều nhiệm kì Đại sứ. Năm ngoái khi tôi bắt đầu nhận nhiệm kỳ công tác thì tôi có cơ hội gặp gỡ Đinh Hoài Xuân. Khi biết đến ý tưởng của Đinh Hoài Xuân thì Đại sứ quán rất ủng hộ và sau đó tôi quyết định đề cử cô ấy đến Bộ Ngoại giao của Romania và Bộ trưởng đã đồng ý để Xuân làm Đại sứ Danh dự cho âm nhạc của Romania tại Việt Nam. Đấy là lý do chúng tôi có thể ngồi đây ngày hôm nay và cùng làm nên buổi hoà nhạc này.
- Bà đánh giá thế nào khi cá nhân một nghệ sĩ có thể tổ chức một sự kiện âm nhạc như vậy?
Việc mang cả một dàn nhạc quốc tế sang sẽ có nhiều khó khăn không chỉ về giấy tờ mà còn tài chính. Nhưng với đam mê và sự nỗ lực thì Đinh Hoài Xuân đã làm được. Với tôi đó là một sự “kết hôn” của Xuân cùng âm nhạc khiến tôi ngưỡng mộ. Cô ấy thực sự là một người rất tham vọng, một người dám tiên phong, và CF6 thực sự là buổi hoà nhạc rất đặc biệt.
Như mọi người đã biết Romania là đất nước có nhiều nhà soạn nhạc và nhiều nghệ sĩ nổi tiếng về âm nhạc cổ điển của thế giới. Tôi cũng rất tự hào vì Xuân có thể mang dàn nhạc ấy sang Việt Nam biểu diễn cũng như gia nhập gia đình âm nhạc của chúng tôi. Tôi hy vọng Xuân có thể đưa âm nhạc cổ điển đến gần hơn với nhiều công chúng và với các bạn trẻ.