Tinh hoa Việt

Tiến sĩ Nguyễn Thụy Anh: Nghề giáo cần nhất tình yêu và lòng bao dung

Việt Quỳnh (thực hiện) 18/01/2024 16:35

“Tất cả chúng ta, trong cuộc sống tốc độ ngày hôm nay, không ai tránh khỏi các áp lực. Các thầy cô giáo cũng vậy. Áp lực cơm áo gạo tiền; áp lực thành tích, chỉ tiêu; áp lực từ phía phụ huynh… Với những công việc trực tiếp liên quan đến con người như bác sĩ, giáo viên, áp lực đến cả từ hiệu ứng đám đông - dư luận thông qua mạng xã hội phán xét có đúng có sai, có hợp lý, có cả những phản hồi đã “khuếch đại” qua nhiều lăng kính khác nhau”, Tiến sĩ Nguyễn Thụy Anh nói.

Dường như có nhiều người đến với nghề giáo, họ chưa xác định được bản thân có phù hợp không, vì vậy, tình yêu thương với nghề và sự kiên nhẫn với học sinh bị thiếu hụt, thưa chị?

chan-dung-ts-nguyen-thuy-anh-va-bo-chao-tieng-viet(1).jpg
Tiến sĩ Nguyễn Thụy Anh.

Tiến sĩ NGUYỄN THỤY ANH: Nghề nào cũng cần sự phù hợp và lòng yêu nghề. Riêng với nghề giáo thì đòi hỏi cao hơn nữa ở “tình yêu”. Đó là yêu con người, yêu những đứa trẻ đang học để trở thành người lớn. Chỉ có tình yêu và lòng bao dung mới giúp thầy cô có được sự bình tĩnh khi đánh giá và xử lý các tình huống sư phạm khó chắc chắn sẽ luôn phải đối mặt.

Nhiều khi tôi nghĩ, nếu nghề y có lời thề Hippocrate thì nghề giáo cũng cần một lời hứa khi vào nghề để có thể vượt qua mọi định kiến thông thường, để chấp nhận lỗi sai của trẻ, kiên nhẫn với quá trình sửa sai của các em, đồng thời luôn cập nhật kiến thức xã hội, tự bồi dưỡng về chuyên môn, kỹ năng sư phạm để hoàn thiện mình, đáp ứng sự đòi hỏi khắc nghiệt của nghề. Thật ra, khi ta đã lựa chọn là đã tìm hiểu và chấp nhận mọi khó khăn, áp lực của nghề, của xã hội. Tôi nghĩ, đây không phải lý do để than thở.

Một bộ phận giáo viên đến với nghề chỉ đơn giản là để mưu sinh mà không tự vấn về thiên hướng, năng lực và tình yêu trẻ của mình thì sớm muộn cũng sẽ gặp vấn đề trong ứng xử với học trò.

Làm thế nào chị vẫn luôn dành nụ cười với học trò của mình, luôn nghĩ ra những ý tưởng sáng tạo mới để tăng sự phấn khởi trong học tập và trau dồi kiến thức của các em?

- Tôi cũng như những thầy cô yêu nghề thôi (cười). Với nghề giáo, tình yêu và năng lực chuyên môn là hai khái niệm không tách rời. Tình yêu cũng là một tiêu chí của chuyên môn - có thể nói như vậy. Chỉ có tình yêu và hiểu biết về tâm lý lứa tuổi mới giúp thầy cô hiểu được trò, hiểu được mình cần làm gì để hỗ trợ học trò.

Một nguyên tắc trong ứng xử sư phạm với học sinh là sự tôn trọng, lòng tin. Từ việc tôn trọng học trò, thầy cô dễ dàng lắng nghe, trân trọng từng ý tưởng mới mẻ, bất ngờ của các em. Từ lòng tin ở tính thiện của con người, lòng tin vào khả năng tiếp thu kiến thức của học sinh, thầy cô có thể nở nụ cười và gửi cái nhìn tin cậy, khích lệ trẻ. Việc tìm tòi các cách tiếp cận khác nhau để tạo động lực học, động lực tham gia hoạt động ở trẻ - đây là vấn đề thuộc lĩnh vực chuyên môn, giáo viên nào cũng cần thực hiện.

Với cá nhân tôi, chính các em nhỏ, các bạn trẻ đáng yêu và sáng tạo đã cho tôi năng lượng trẻ trung, mới mẻ để không ngừng nghĩ và nghĩ khác biệt. Chấp nhận cách nghĩ khác biệt của học sinh cũng là “bí kíp” của tôi trong việc vì các em mà không ngừng sáng tạo.

img_8143.jpg
Thầy cô hạnh phúc sẽ góp phần quan trọng cho "trường học hạnh phúc". Ảnh: K.Giang.

Chị đã vượt qua những khó khăn, sự mẫn cảm của một nhà thơ, trực giác nhạy cảm của nghệ sĩ, ra sao? Để chăm sóc yêu thương các em như con mình như vậy?

- Tôi không cho sự mẫn cảm của nhà thơ là khó khăn, cản trở công việc của mình. Ngược lại, cảm nhận tinh tế của người viết giúp tôi nắm bắt mọi thay đổi bé nhỏ, tinh tế nhất trong tâm lý các em. Thật vui khi được các em tin cậy, ngồi cạnh nhau im lặng với sự chia sẻ không lời hoặc kể lể giãi bày không e ngại.

Trực giác giúp tôi biết khi nào nên hỏi, khi nào cần can thiệp, khi nào chỉ quan sát mà không đến gần, không gạn hỏi, không tỏ ra “cô biết hết” và tôn trọng quá trình nghĩ ngợi, suy ngẫm, tự điều chỉnh của các em.

Từ những tiếp xúc trực tiếp, chị chia sẻ về những khác biệt thế hệ, nhất là với các em Gen Z và Gen Alpha?

- Các em là các “nhân vật của thời đại công nghệ”, chắc chắn khác biệt so với học sinh các thế hệ trước. Các em cảm thấy thoải mái, dễ chịu khi tiếp cận công nghệ, khi kết nối với nhau bằng công nghệ nhưng lại vụng về trong các mối quan hệ xã hội cần sự tương tác trực tiếp bằng lời nói, ánh mắt…

Các em có ưu điểm hơn thế hệ trước về thông tin, công nghệ nhưng lại thiếu hụt ở nhiều kỹ năng trong cuộc sống thực. Và chúng ta đang đồng hành cùng các em bổ sung những khuyết thiếu đó, giúp các em sống hết mình với cuộc sống xung quanh, để tâm đến cảm xúc của người bên cạnh, ngắm vẻ đẹp của thiên nhiên, nhận ra những rung động thầm kín của lòng mình.

Tuy nhiên, ta cũng nên khâm phục và công nhận năng lực làm chủ công nghệ của các em, khuyến khích các em sử dụng năng lực ấy sao cho phù hợp để sống được hạnh phúc.

Theo chị, giáo viên ngoài trau dồi nghiệp vụ sư phạm, tìm hiểu tâm lý học sinh, còn phải quan tâm đến việc chăm sóc sức khỏe tinh thần của bản thân như thế nào để vượt qua được những khó khăn áp lực trong nghề, làm tròn bổn phận của người thầy, người cô?

- Các thầy cô, những người nắm được tâm lý sư phạm, lại cần hiểu chính mình rõ nhất để luôn tự điều chỉnh suy nghĩ, giải tỏa cảm xúc tiêu cực, tránh được căng thẳng - từ đó tránh được sự mất kiểm soát khi xử lý các tình huống sư phạm.

Việc đọc sách, nghe nhạc, chăm cây chăm hoa, vận động cơ thể, tham gia hoạt động bên ngoài… cần được lên lịch như là việc phải làm của một giáo viên để bổ sung năng lượng tích cực cho công việc. Các thầy cô cũng nên giao lưu, trò chuyện với các chuyên gia tâm lý, vừa để trao đổi và được tư vấn về các vấn đề của học sinh, đồng thời cũng giải tỏa những vấn đề của chính mình.

Thầy cô khỏe tinh thần sẽ thấy hạnh phúc với nghề. Và cảm giác hạnh phúc đặc biệt cần cho những người làm các công việc liên quan đến con người, đến trẻ em.

Xin cảm ơn những chia sẻ của chị!

Với các hoạt động giáo dục nhiệt thành và tích cực, Tiến sĩ Nguyễn Thụy Anh đã được FORBES Việt Nam vinh danh Top 20 phụ nữ truyền cảm hứng năm 2021. Tiến sĩ Nguyễn Thụy Anh vừa được nhận Giải A, tại lễ trao Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ 6, với bộ sách “Chào Tiếng Việt”, tối 29/12/2023.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tiến sĩ Nguyễn Thụy Anh: Nghề giáo cần nhất tình yêu và lòng bao dung