Sau khi có kết quả khảo sát trình độ tiếng Anh của giáo viên, Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) TPHCM sẽ tính toán, xây dựng kế hoạch và lộ trình bồi dưỡng, hỗ trợ nâng cao năng lực ngoại ngữ cho các thầy cô giáo một cách phù hợp, hiệu quả và khả thi, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục theo Kết luận 91-KL/TW.
Theo Sở GDĐT TPHCM, vừa qua khảo sát năng lực tiếng Anh của giáo viên toàn thành phố được thực hiện với gần 50.300 giáo viên công lập từ tiểu học đến THPT, trong đó chỉ khoảng 4.700 là giáo viên dạy Tiếng Anh, còn lại thuộc các môn học khác. Lực lượng đông đảo nhất tham gia khảo sát là giáo viên tiểu học (gần 22.300 người), tiếp đến là bậc trung học cơ sở (THCS - 10.000 người) và THPT (8.200 người).
Sở GDĐT TPHCM phân loại kết quả khảo sát thành 3 nhóm: có độ tin cậy, chưa đủ độ tin cậy và chưa có thông tin tin cậy. Kết quả khảo sát nói trên cũng cho thấy có sự chênh lệch giữa giáo viên môn Tiếng Anh và các môn khác. Đơn cử, với dữ liệu khảo sát “có độ tin cậy” khoảng 31% giáo viên tại thành phố có năng lực tiếng Anh ở mức A1, A2 - hai bậc thấp nhất trong khung trình độ 6 bậc; 8% giáo viên Tiếng Anh đạt trình độ C2, trong khi không có giáo viên môn khác nào đạt mức này. Ở trình độ C1, tỷ lệ chênh lệch cũng rất lớn: 45% so với 2%. Nếu tính chung toàn bộ dữ liệu khảo sát, tỷ lệ giáo viên dưới trình độ B1 là 17% - thấp hơn đáng kể so với nhóm dữ liệu được đánh giá tin cậy (41%).
Theo Luật Giáo dục, kể từ năm 2020, giáo viên từ tiểu học trở lên phải có bằng đại học. Người học cần đạt chuẩn về ngoại ngữ (tiếng Anh, Pháp, Trung Quốc, Nga...), tương đương mức B1 theo khung tham chiếu châu Âu trở lên mới được tốt nghiệp. Kết quả khảo sát do Sở GDĐT TPHCM công bố đã làm dấy lên không ít băn khoăn trong cộng đồng giáo viên tại địa phương, đặc biệt là những lo ngại về việc “bị buộc đi học” nếu không đạt chuẩn hoặc “ai chưa có kết quả khảo sát sẽ bị xử lý”…
Tuy nhiên, Sở GDĐT TPHCM cho biết mục đích cốt lõi của việc khảo sát là đánh giá thực trạng, không phải kiểm tra trình độ cá nhân. Kỳ khảo sát này được thực hiện nhằm đánh giá một cách tổng thể bức tranh chung về năng lực tiếng Anh của đội ngũ giáo viên toàn ngành. Kết quả khảo sát là dữ liệu đầu vào quan trọng và cần thiết để TPHCM có cái nhìn thực tế, khoa học về hiện trạng. Theo đó, việc khảo sát có ý nghĩa quan trọng bởi sẽ là nền tảng để thành phố xây dựng kế hoạch phát triển. Dữ liệu thu thập được sẽ là cơ sở để xây dựng Đề án “Từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2 trong trường học”, một mục tiêu quan trọng nhằm nâng cao chất lượng giáo dục và hội nhập quốc tế.
Ông Hồ Tấn Minh - Chánh văn phòng Sở GDĐT TPHCM khẳng định, từ kết quả tổng thể, Sở GDĐT sẽ tính toán, xây dựng kế hoạch và lộ trình bồi dưỡng, hỗ trợ nâng cao năng lực ngoại ngữ cho đội ngũ một cách phù hợp, hiệu quả và khả thi, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục theo Kết luận 91-KL/TW.
Cụ thể là xây dựng bao nhiêu tiết học tiếng Anh trong nhà trường, những hoạt động nào sẽ được tổ chức bằng tiếng Anh, lộ trình bồi dưỡng, hỗ trợ nâng cao năng lực ngoại ngữ cho đội ngũ ra sao… cần phải có các góc nhìn khách quan, tính toán số liệu dựa trên phân tích khoa học. Theo ông Minh, đây không phải là kỳ thi đánh giá, xếp loại năng lực hay chuyên môn của từng giáo viên. Kết quả khảo sát này tuyệt đối không được sử dụng cho bất kỳ mục đích nào khác như đánh giá thi đua, xét lương, kỷ luật hay các mục đích cá nhân khác. Đồng thời, Sở GDĐT TPHCM cũng cam kết về bảo mật thông tin của kỳ khảo sát này.
Trong thời gian tới, Sở GDĐT TPHCM sẽ tiếp tục triển khai các cuộc khảo sát khác về năng lực chuyển đổi số, chuyên môn theo môn học và các kỹ năng mềm, nhằm có cái nhìn toàn diện hơn về chất lượng đội ngũ giáo viên và xây dựng kế hoạch bồi dưỡng phù hợp. Mọi thông tin chính thức sẽ được công bố trên các kênh chính thống của Sở.
Sở GDĐT TPHCM cho hay, những giáo viên thuộc diện cần nâng cao năng lực tiếng Anh sẽ được tự chọn hình thức, phương pháp bồi dưỡng, đơn vị giảng dạy phù hợp hoặc tự học, miễn đạt mục tiêu. Những giáo viên có năng lực tiếng Anh tốt, có nguyện vọng tham gia giảng dạy một số môn học bằng tiếng Anh sẽ được Sở cử đi học bằng ngân sách nhà nước.