Mùa hè, sau những ngày rong chơi bêu nắng ngoài bờ ao và bị đánh đòn thì cuối cùng tôi cũng chịu ở nhà, quanh quẩn chơi dưới gốc xoan bên vườn nhà hàng xóm.
Chỗ ấy luôn khô ráo, mặt đất toàn sỏi đá ong, không có nước để lội và khỏi lo chuyện bị “những con ma” nấp dưới mặt ao dìm chết đuối. Vườn xoan chỉ có tôi và một đứa bạn hàng xóm thơ thẩn chơi cùng nhau, lúc thì đánh rải ranh lúc lại chơi đánh chuyền, mùa nào có quả xoan thì lấy làm đạn bắn súng phốc, chả bao giờ mẹ phải lo chuyện tôi đi gây chuyện cãi lộn hay làm lấm bẩn quần áo nữa.
Mảnh vườn mà tôi đang kể gọi là “vườn xoan” cho oai chứ thực ra nó chỉ là một mảnh đất nhỏ trồng cả thẩy chỉ có mấy cây xoan cao vút. Đó không phải chỗ để cả bọn trong xóm lui tới vì chẳng có gì để chén được cả. Khu vườn không có cổng ngõ gì nên hai chúng tôi thơ thẩn cả ngày ở đấy và người lớn cũng mặc kệ vì chẳng có gì để chúng tôi làm hư hại được.
Đứa bạn tôi tuy gần nhà nhưng xa ngõ, nhà nó có một lối đi tắt sang ngay chỗ vườn xoan, tôi ở nhà mình chạy sang cũng đi qua vườn xoan là tới. Chúng tôi yên lặng ngồi dưới gốc xoan dỏng tai nghe bầy chào mào cãi cọ trên vòm lá và chìa tay hứng những đồng tiền vàng đung đưa mỗi khi mặt trời hé mắt chiếu ánh nắng lung linh qua kẽ lá.
Cái xóm nhỏ của tôi ngày ấy có rất đông những đứa trẻ lúc nào cũng đầu trần chân đất, da cháy nắng và mốc cời mốc thếch. Nhưng chỉ da đen mốc thôi thì chưa có gì đáng nói, nhiều đứa còn thường xuyên rôm sảy, hoặc chốc đầu nhìn rất sợ. Có thể do vệ sinh cá nhân còn chưa khoa học, điều kiện sống thiếu thốn lại ăn uống không đầy đủ dưỡng chất nên nhưng bệnh ngoài da như thế rất phổ biến. Việc chẳng may bị chốc đầu xấu hổ chẳng dám đến lớp vì bị bạn bè “lêu lêu” không phải là hiếm. Và phương thuốc tốt nhất lúc bấy giờ vẫn chỉ là thứ lá đắng ngắt lấy từ những cây xoan, mà xoan chồi (tức là cây xoan đã bị bẻ đi giờ mọc lại) là tốt nhất. Lá xoan chồi đun đặc dùng để gội đầu hay tắm ghẻ công hiệu vô cùng, tất nhiên nếu có tắm bằng thứ lá ấy thì chớ có dại mà để giây vào miệng bởi nó đắng khủng khiếp. Ngoài tác dụng “chữa bệnh” này thì tôi còn thấy mẹ lấy lá xoan về để dấm cho chuối, hồng mau chín, có lúc lại được đem ra ruộng làm “phân xanh” bón lúa. Lá xoan hình như cũng giúp cho cây lúa bớt bị sâu bệnh và cho đồng ruộng bớt bạc màu đi một chút.
Khu vườn xoan vắng vẻ chỉ có tiếng gió reo trên tán lá và thỉnh thoảng vài bầy chim ghé qua làm cho nó sống động lên một chút. Hai đứa bọn tôi có trò chơi muôn thuở là nhặt lá vàng làm tiền và tìm cách hái những quả xoan xanh xuống để làm đạn bắn ống phốc. Những chùm quả xoan xanh ngoài việc làm đạn ống phốc hình như không thể dùng vào việc gì được nữa.
Nhưng chắc chắn chúng sẽ khiến lũ chào mào vui hơn khi những chùm quả bắt đầu vàng mọng trên cành. Tiếng ríu rít của bầy chim làm khu vườn bé tí rộn rã, xóa đi sự tĩnh mịch đến độ gió xào xạc trên ngọn lá cũng có thể dễ dàng nghe thấy được.
Bây giờ mỗi lần nhìn thấy những cây xoan đơn độc đứng bên vệ đường tôi lại nhớ về khu vườn bé bỏng ngày nào. Khu vườn giờ đã không còn trong cái xóm nhỏ đang dần trở nên đông đúc và nhộn nhịp. Nhớ đến nó, tôi lại nhớ về niềm hạnh phúc con trẻ mỗi khi cầm trong tay một chùm quả xanh mỡ màng, sung sướng mang nó ra làm đạn bắn thay vì dùng những tờ giấy nhúng ướt vo viên cho khẩu súng phốc chế từ một cái ống tre bé tí. Cả nỗi ganh tị với lũ chào mào khi chúng ríu rít tranh giành bên chùm quả chín bây giờ vẫn thấp thoáng đâu đây trong trí nhớ.