Giữa muôn trùng sóng nước đại dương, chúng tôi bàng hoàng khi nghe tiếng chuông chùa văng vẳng vang lên, lẫn trong ầm ào những đợt sóng biển nối nhau tự ngàn đời...
Tiếng chuông như làm bừng thức hàng trăm người khách phương xa, đánh thức những ký ức xa xưa mà gần gũi sâu trong tâm khảm, dẫn bước chân đi vào chốn thiện lương nhẹ nhàng. Dường như, tiếng chuông đã không mất đi mà chỉ lẫn vào tiếng sóng, còn âm vang mãi nơi đầu sóng tiền tiêu của Tổ quốc. Đó là tiếng chuông chùa trong một buổi sáng yên bình trên đảo Song Tử Tây, hòn đảo xa xôi nhất của huyện đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hoà).
Viên gạch mang hình quốc huy
Nằm bên cạnh tán những cây phong ba, cây mù u xanh um tùm, chùa Song Tử Tây trên xã đảo Song Tử Tây nổi bật giữa không gian đại dương mênh mông là kiểu kiến trúc quen thuộc của người dân Việt với mái ngói cong cong, màu đỏ quen thuộc. Đặc biệt, khuôn viên chùa mang đến cho người ta cảm giác gần gũi ngay từ ngoài cổng cho tới tận gian trong chính điện của chùa. Từ mái vòm cao cao, uốn lượn tượng trưng cho sự cao cả nhưng cũng mềm mại của Phật giáo ở cổng chùa cho tới hai pho tượng hộ pháp thiện ác mang biểu tượng răn đe và từ bi được đắp nổi trên tường án ngữ hai bên. Vào sâu bên trong là những pho tượng Phật La hán trang nghiêm nhưng cũng đầy ấm áp với nụ cười lẩn khuất trên mi mắt xen kẽ những cột gỗ thẳng vững chãi, biểu tượng của đức tin không gì lay chuyển nổi. Rồi những dòng chữ từ bi hỉ xả hay những rồng, lân, phượng... được đắp nổi, chạm khắc rất tinh xảo. Đặc biệt, cũng như tất cả các ngôi chùa khác ở Trường Sa, chùa Song Tử Tây cũng có mặt chính điện hướng thẳng về Thủ đô Hà Nội. Đó vừa là sợi dây gắn kết giữa đảo với đất liền vừa là biểu tượng của tấm lòng Phật tử, cán bộ chiến sĩ, người dân trên đảo luôn hướng về Thủ đô, trái tim của cả nước.
Dẫn chúng tôi đi một vòng quanh chùa, đại đức Thích Nhuận Đạt, quê Ninh Hoà (Khánh Hoà) trụ trì chùa Song Tử Tây cười nhẹ nhàng bảo, ông tu tập, chăm sóc chùa đã mấy năm nay. Do nằm giữa đại dương mênh mông nên cũng không có nhiều người ghé thăm. Tuy vậy, chùa cũng là địa điểm tâm linh quen thuộc các hàng trăm cán bộ chiến sĩ, người dân trên đảo cũng như những ngư dân đánh bắt cá trong vùng ghé vào đảo mùa mưa bão hay trao đổi hải sản, xăng dầu. Cũng theo thầy Nhuận Đạt, do được sự quan tâm của quý Phật tử đóng góp nên chùa dần dần cũng được xây dựng khang trang, sạch đẹp như ngày nay. Đặc biệt, tất cả những viên gạch sử dụng để xây chùa đều có in chìm hình Quốc huy nước Việt Nam ở phía trong như một cách đánh dấu chủ quyền đất nước. Không những vậy, những viên gạch mang hình Quốc huy ấy cũng như một phần của đất nước giữa bão gió đảo xa, để cho ngôi chùa như gần gũi với đất liền hơn. Đó cũng là tâm nguyện của những người theo đạo Phật chân chính, vẫn một lòng tâm niệm cho lợi ích của quê hương, đất nước.
Dẫn chúng tôi ra trụ chuông chùa được đúc bằng đồng đen, ngay sát bờ biển, bên cạnh tấm bia đá nguyên khối có khắc tên tuổi của tất cả 64 chiến sĩ đã hy sinh trong cuộc chiến bảo vệ đảo Gạc Ma (một hòn đảo thuộc quần đảo Trường Sa) mấy chục năm trước. Thầy Nhuận Đạt bảo hiện nay trên các đảo ở Trường Sa có nhiều bia tưởng niệm những chiến sĩ đã hy sinh trong công cuộc giữ gìn biển đảo, thềm lục địa. Nhưng bia tưởng niệm ở chùa Song Tử Tây thì mới được hoàn thành năm ngoái (2018). Từ đó đến nay, khách thập phương, người dân và cán bộ chiến sĩ ghé chùa đều tới thắp hương trước anh linh các liệt sĩ để tỏ lòng biết ơn về sự hy sinh cao quý ấy.
Vừa kể chuyện, thầy vừa lần lần tay cầm cây gậy đánh từng hồi chuông chùa. Những tiếng chuông như vang xa hơn trong không gian yên bình của đại dương, mang đến cho chúng tôi những giây phút yên ả quý báu để hồi tưởng, để nghĩ suy, để lắng đọng lòng mình trước đại dương mênh mông.
Với tất cả chúng ta, dù theo tôn giáo nào thì hẳn trong tiềm thức xa xôi của bản thân vẫn lưu lại, gìn giữ về hình ảnh một không gian với ngôi chùa, cánh đồng lúa và con đê làng trong ký ức tuổi thơ. Đó là hình ảnh quen thuộc đến nỗi bất cứ người Việt Nam nào cũng từng gặp gỡ trong đời. Thế nhưng, biến động của cuộc sống hiện thực đã ít nhiều làm không gian chùa chiền mai một trong tâm trí không ít người, kể cả bản thân tôi. Cho đến buổi sáng hôm ấy, nơi cách đất liền hàng trăm cây số giữa biển khơi mênh mông, tiếng chuông chùa ở đảo Song Tử Tây vang lên, đánh thức tất cả những hình ảnh đẹp đẽ mà cũ kỹ trong tôi. Nhìn bàn tay gầy guộc của sư trụ trì khi ông nhẹ nhàng ôm lấy cây gậy, dùng vạt áo lau nhẹ hai vòng trước khi thúc mạnh vào thành chuông. Tiếng chuông âm âm, u u vừa trầm vừa bổng cứ làm tôi thổn thức mãi.
Yên bình trong sóng dữ
Nhưng tôi không chỉ gặp riêng tiếng chuông chùa ở Song Tử Tây bởi sau đó, trong chuyến công tác của mình, tôi còn gặp những tiếng chuông chùa cũng rất đặc biệt trên đảo Sơn Ca, đảo Sinh Tồn hay đảo Trường Sa. Những hòn đảo này, cũng như bất kỳ cụm cư dân nào khác của người dân Việt Nam đều có một ngôi chùa. Bởi chùa không phải chỉ là nơi người theo đạo Phật tu tập, giảng đạo, tâm niệm bản thân mà còn là nơi để những lúc yếu lòng, người ta tìm đến. Nói không quá khi khẳng định, chùa chiền và không gian chùa chiền là một nét văn hoá đặc trưng của người Việt, dù ở bất cứ đâu. Nó cũng thân quen, gần gũi như lũy tre làng, như giếng nước, triền đê trong tâm thức chúng ta vậy. Lúc ngồi uống nước dưới tán những cây bàng vuông xanh um tùm ở đảo Sơn Ca, tôi được các chiến sĩ công tác trên đảo kể rằng cuộc sống trên đảo nhỏ, nằm giữa mênh mông đại dương, được nghe một tiếng chuông chùa thấy ấm lòng, thanh thản và bình yên lắm. Chỉ những ai trải qua cảm giác cả năm trời lúc nào cũng nghe tiếng sóng ì oạp mới thấm thía cái tiếng chuông chùa ấy. Nó bình dị, giản đơn nhưng lại như nguồn sức mạnh to lớn, cần thiết để những cán bộ chiến sĩ vững tay súng giữa sóng gió đại dương. Bởi suy cho cùng, dù có vững vàng bao nhiêu thì các cán bộ chiến sĩ trên đảo cũng là con người, cũng cần có những giây phút yên bình. Họ cũng cần thắp những nén nhang, cũng cần gửi những lời cầu khấn tâm linh cho bản thân mình, cho gia đình và người thân.
Đó là lý do tại chùa Sơn Linh, ngôi chùa bề thế trên đảo Sơn Ca không chỉ là nơi tu tập của sư sãi trong chùa mà những lúc rảnh rỗi, người dân, cán bộ chiến sĩ trên đảo cũng thường xuyên lui tới. Trụ trì chùa, đại đức Thích Nguyên Hoà bảo, có bữa một ngư dân tới ngày giỗ mẹ nhưng không về quê kịp, bèn tới chùa để xin thầy làm lễ giỗ để tỏ lòng thành với mẫu thân quá cố. Rồi những đợt cuối năm, mưa bão bất ngờ đổ xuống, hàng trăm ngư dân làm nghề câu quanh đảo không về kịp đất liền, họ phải vào trú trên đảo. Và những ngày ấy, họ cũng thường tới chùa thắp nhang, gửi những lời khẩn cầu tới Đức Phật trên cao phù hộ trời yên biển lặng, phù hộ cho chuyến đi biển được an toàn giữa bất an của thiên nhiên khắc nghiệt. Đó là lý do mà những tiếng chuông chùa vẫn đều đặn vang lên, giữa mênh mông đại dương, dù có thể nó sẽ chìm ngay vào tiếng sóng.
Tôi đã nghĩ rằng, Trường Sa là nơi đầu sóng ngọn gió với bao hiểm nguy và vất vả khi những cán bộ chiến sĩ phải căng mình từng ngày, từng giờ bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc. Sự thực thì đúng là như vậy bởi dù có đoàn từ xa ghé thăm đảo nhưng tại các chốt gác, bảo vệ, công sự chúng tôi vẫn thấy những cán bộ chiến sĩ đứng nghiêm trang canh gác, cần mẫn với công việc hàng ngày của mình. Tuy nhiên, Trường Sa cũng không chỉ có vậy bởi vẫn còn những tiếng chuông chùa làm dịu đi cái khắc nghiệt của tự nhiên hoang dại, mang đến một không gian sống yên bình, thanh thản hơn, như những làng biển khác mà tôi từng qua. Có lẽ, đó cũng là thông điệp cao quý, thiết thực nhất mà những ngôi chùa, dù ở bất cứ đâu trên đất nước này mang đến, tạo ra một không gian sống thực tại và tâm linh yên ả hơn cho mỗi con người, dù ở bất cứ nơi đâu.