Nhiều năm qua, trên chuyến phà ngang qua dòng sông Hậu nối hai bờ thành phố Cần Thơ và thị xã Bình Minh (tỉnh Vĩnh Long), người dân đã quá quen thuộc với một người đàn ông mù đánh đàn thau. Đó là một cây đàn kỳ lạ, chỉ làm bằng một tấm ván gỗ mục và chiếc thau (chậu) bằng nhôm.
Vậy nhưng, qua bàn tay khéo léo của ông, những bản nhạc quen thuộc như dạ cổ hoài lang, lý con sáo, chiều mưa nhớ người, Trường Sơn đông -Trường Sơn tây… đã làm say đắm long người.
Chủ nhân cây đàn là ông Trương Thanh Liêm, còn gọi là Năm Liêm, một người bị mù từ nhỏ làm nghề bán vé số ở đây.
“Độc đáo nhất thế gian”
Có những con người dường như sinh ra để mang số kiếp khổ đau và làm những điều đặc biệt. Ông Năm Liêm là một trong số đó. Bởi thế gian xưa nay người hát hay, đàn giỏi không hiếm. Người mù loà cũng rất nhiều. Nhưng tất cả những điều đặc biệt ấy nó thu lại trong người đàn ông nhỏ bé và cây đàn của ông, ngay trên chuyến phà nối hai bờ sông Hậu. Ngày qua ngày, năm qua năm, bất kể mưa nắng cuộc đời, bất kể phía xa xa kia, cầu Cần Thơ đã nối hai bờ sông Hậu thì chuyến phà này vẫn tồn tại, và ông Năm Liêm vẫn ngồi đó, cùng cây đàn thau “độc đáo nhất thế gian”, có một không hai của mình. Những điệu đàn của ông có lẽ cũng quen thuộc như tiếng sóng ngoài xa vậy.
Chúng tôi tìm đến ông Năm Liêm vào một trưa cuối tuần mùa mưa nhưng trời nắng khá gắt. Khách trên phà cũng khá thưa vắng, hầu hết là người nghèo trong vùng, có nhiều người đi xe đạp. Dù cầu Cần Thơ đã xây xong hàng chục năm nhưng nhiều cư dân ven khu Cồn Khương và phía bờ thị xã Bình Minh vẫn chọn đi phà, bởi đi vòng lên cầu rất xa. Chia sẻ với chúng tôi, ông Năm Liêm bảo cây đàn đã theo ông hơn 40 năm. Nó cũng là một phần của cuộc đời ông. Ông sinh ra và lớn lên ở vùng đất Năm Căn (Cà Mau) nhưng từ nhỏ xíu đã mắc bạo bệnh, rồi mất khả năng cảm nhận ánh sáng. Từ đó, cuộc đời ông chìm vào bóng tối. Nhưng đó chưa phải là bị kịch lớn nhất cuộc đời ông. Tới năm ông 19 tuổi, cha mẹ lần lượt qua đời. Lúc này, ông phải tự bươn bả mưu sinh. Cũng như nhiều người nghèo khổ khác, ông bắt đầu lang thang bán vé số trên những chuyến phà. Tuy ông trời không mang đến ánh sáng cho ông nhưng bù lại, ông có khả năng cảm thụ âm thanh tinh tế. Thế là ông vừa bán vé số vừa hát, rồi mày mò làm những dụng cụ âm nhạc thô sơ. Chiếc đàn thau ra đời từ đó.
Lúc này, chúng tôi mới bắt đầu nhìn rõ hơn cây đàn của ông Năm Liêm. Đó thực sự là một điều kỳ lạ, không phải chỉ bởi chiếc thau nhôm úp lên hộp đàn mà tất cả các chi tiết khác, đều là những thứ bỏ đi và thân quen. Trong đó hộp đàn là một tấm ván gỗ sơ sài, được ông mua ở xưởng cưa với giá hai trăm ngàn. Dụng cụ để điều khiển cây đàn là miếng lót giầy ai bỏ đi và chiếc lọ thuỷ tinh đựng dầu gió. Dây đàn là 2 dây thép được ông lấy từ dây phanh (thắng) xe đạp, đóng đinh lại. Mặc dù chỉ là những đồ vật bỏ đi nhưng qua bàn tay ông Năm, những giai điệu vô cùng quen thuộc và êm đềm được tạo ra. Người ta có thể dễ dàng bắt gặp những khúc nhạc như lý con sáo, dạ cổ hoài lang, điệu buồn phương Nam, chiều mưa nhớ mẹ, nỗi buồn hoa phượng, sầu tím thiệp hồng…
Ông Năm Liêm còn chia sẻ thêm, lúc trẻ ông vẫn có thể vừa đàn, vừa hát những bản đờn ca tài tử nhưng hiện nay, phần vì lớn tuổi giọng không thể cất lên được và phần vì không có dụng cụ kích âm (loa) nên ông chỉ mua vui cho khách bằng tiếng đàn.
Nói về lý do sử dụng cây đàn kỳ dị này suốt hơn 40 năm, ông Năm chẳng giấu diếm gì bảo ngày xưa vì không có tiền để mua đàn ghi-ta, và cũng vì đàn ghi-ta phải học vất vả nên ông tự chế tạo cây đàn này. Tự luyện âm và đánh đàn một cách thuần thục như vậy. Trải qua nhiều năm, dù không biết nốt nhạc nhưng chỉ cần nghe lời bài hát trên đài vài lần, ông có thể tự đánh nhạc bằng chiếc đàn thau 2 dây độc đáo của mình.
“Mấy năm trước, nhiều khách qua phà thấy tôi đàn hay quá, họ ngỏ ý muốn mua tặng cây đàn ghi-ta. Mình cũng mến ân tình của khách đem theo đàn bán vé số nhưng đàn ghi ta mỏng, cồng kềnh mà dễ hư hỏng lắm. Người mù như tôi, lỡ tay chân va đạp vào đâu là hỏng, tuột dây lại không thành tiếng được. Thế là mấy bữa sau, tôi lại quay về với cây đàn thau này”, ông nói.
Nghe ông nói, nhìn đôi bàn tay chai sạn, gần như chỉ còn da bọc xương ghì chặt dây đàn khiến chúng tôi rưng rưng theo điệu nhạc. Gần như tất cả sức lực, tâm trí, tâm hồn ông đã ăn nhập vào cây đàn thau ấy. Ông và cây đàn, dường như đã nhập vào nhau, quyện thành một số phận vừa éo le, khốn khó, vừa đẹp đẽ du dương trên dòng sông Hậu hiền hoà này.
Lương duyên từ một điệu đàn
Không chỉ đem đến sinh kế nuôi sống bản thân suốt 40 năm qua, nhờ cây đàn thau gắn bó bên mình, ông Năm Liêm đã gặp người phụ nữ rồi nên duyên vợ chồng. Mối tình của ông tuy không đẹp đẽ nhưng nó giúp ông bớt cô độc hơn. Và tiếng đàn cũng nỉ non, bớt trầm sầu hơn. Ông bảo, ông gặp bà ấy khi cả hai người đều đã qua ngưỡng tuổi 40 của cuộc đời, trên một chuyến phà. Người phụ nữ kia cũng vì mê tiếng đàn, thương người đàn ông cô độc mà cả hai gá nghĩa vợ chồng. Hai người chung sống đã lâu nhưng không có con cái, chỉ lặng lẽ bên nhau san sẻ những khó khăn, nhân lên những niềm vui hiếm hoi lúc hoàng hôn nắng tắt.
Ông bảo, vợ ông cũng làm nghề bán vé số. Hai người thuê trọ bên bờ thị xã Bình Minh (Vĩnh Long) rồi cùng nhau mưu sinh. Hàng ngày, sau khi đưa ông ra tới bến phà này thì vợ ông lại tất cả đi bộ quanh TP Cần Thơ bán vé, cho tới chiều thì về đây đón ông trở lại phòng trọ. Năm vừa rồi, vợ ông bị bệnh xương khớp đi lại khó khăn nên một mình ông lặng lẽ ra bến phà này bán vé số, sống nhờ vào tiếng đàn, lòng nhân ái của người đời.
Ông cũng kể thêm, hồi trước tết năm ngoái có mấy bạn trẻ trên thành phố Hồ Chí Minh đi qua phà gặp ông, họ rất bất ngờ khi thấy chỉ nhờ cái thau, tấm ván gỗ mà ông làm thành loại nhạc cụ, đàn đủ các điệu khác nhau. Sau đó họ đưa những điệu đàn ấy lên mạng xã hội, rất nhiều người biết và gửi tiền cho ông. Một số tiền lớn lên đến hàng chục triệu đồng. Ông bảo tới giờ ông vẫn cất số tiền đó, chưa dám tiêu gì vì sợ mai mốt không đi đánh đàn được nữa, không biết sống ra sao thì sẽ lấy ra mua đồ ăn...
Ngồi trên chuyến phà, nhìn phía xa xa là cầu Cần Thơ, một trong những cây cầu nổi tiếng nhất cùng Cửu Long Giang trong êm đềm tiếng song, những giai điệu đàn quen thuộc của ông Năm Liêm lại cất lên, vắt véo. Ông kéo đàn mà không nhìn thấy người nghe, không biết tiếng đàn có dành cho ai, hay lọt thỏm giữa mênh mông dòng sông. Nhưng ông vẫn kéo, bền bỉ như chuyến phà này, bất chấp những đổi thay hai bên bờ sông vậy.