Tiếng đàn Trần Thị Mơ

TRẦN THỊ TRƯỜNG 09/10/2023 09:16

Cũng đến 5 năm trôi qua tôi mới có dịp gặp lại Trần Thị Mơ và được cùng ngồi với nhau ở nhà chị tại phố Ngọc Khánh, Hà Nội. Trông Mơ chẳng khác gì những năm trước…

NSND Trần Thị Mơ.

Nghệ sĩ độc tấu nổi tiếng

Mơ vẫn trẻ đẹp và nụ cười luôn nở trên môi. Cánh nghệ sĩ vẫn đùa: “Ông trời quá bất công, cho Trần Thị Mơ nhiều quá, người đâu đã tài lại còn đẹp”. Hôm nay gặp, Mơ vẫn nhẹ nhàng giản dị chẳng ra vẻ nghệ sĩ lớn. Trong khi Ngô Hoàng Quân nấu ăn trong bếp thì Mơ cũng cầm cây gậy lau nhà, mặc dù chị vừa ở sàn tập về, mấy hôm nữa chị tham gia một buổi diễn ở Nhà hát Lớn Hà Nội.

Từ hồi Ngô Hoàng Quân tu nghiệp ở Nga, Trần Thị Mơ còn đang sống một mình sau cuộc hôn nhân lần đầu đổ vỡ, chúng tôi hồi đó gặp nhau thường xuyên. Tôi làm việc với Ngọc Tân, còn Mơ thì ngoài những buổi diễn với Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam, Mơ diễn trong show của Ngọc Tân.

Qua những lần gặp đó tôi hiểu sự hết lòng dấn thân cho nghệ thuật và tình yêu của cặp đôi cello rất trẻ và nổi tiếng này. Rồi Ngô Hoàng Quân về nước, họ về một nhà sống hạnh phúc bên nhau từ ngày đó đến nay, đã hơn 30 năm. Tôi quý tính cách, tấm lòng của họ nhưng trên hết là tài năng, một cặp nghệ sĩ cello hàng đầu của Việt Nam.

Hôm nay kể chuyện Mơ trước. Mơ sinh năm 1959 tại Thái Bình theo bố mẹ lên Đoàn cải lương Bắc Thái. Gia đình có truyền thống âm nhạc. Mơ bắt đầu học đàn cello từ nhỏ khi có một người hàng xóm nói với bố của Mơ rằng, cháu nó có năng khiếu ông nên cho nó đi học. Hồi đó, Mơ không có cảm tình nhiều với cây đàn cello vì thấy nó to và… xấu.

Nhưng bố Mơ thì quyết tâm khuyên bảo con. Nghe lời bố, tốt nghiệp lớp 7, 14 tuổi Mơ thi vào Nhạc viện, nay là Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam và đỗ luôn. Nhà thì nghèo, ăn còn không đủ nhưng đã đỗ vào trường thì phải học. Thấy người cùng khóa chơi đàn rất giỏi vì họ được học trước khá lâu rồi, ban đầu cũng hơi hoang mang. Nhưng lòng tự trọng và cả tự ái cá nhân nữa Mơ quyết tâm, phấn đấu phải theo kịp các bạn. Nhưng chỉ là năm đầu thôi.

Năm thứ 2, chị đã vượt qua các bạn học từ 7 năm trước. Năm thứ 3, Mơ vượt lên top đầu và năm thứ 4 thì đi thi quốc tế, rồi được tuyển thẳng vào đại học. Khi đã chinh phục được những bản nhạc rất khó, mê đắm nó thì cũng là lúc Mơ nhận thấy vẻ đẹp duyên dáng, quý phái của cây cello. Mơ may mắn được học với nhạc sĩ, PGS.NSND Hoàng Dương, ông vừa là tác giả vừa là một nghệ sĩ đàn cello có tiếng, cũng là người có công đầu xây dựng bộ môn cello và khoa đàn dây Nhạc viện Hà Nội, và quan trọng nhất là ông nhận ra tiềm năng một nghệ sĩ lớn ở Mơ.

Ông tận tình chỉ bảo, ông rèn cho người học trò những kỹ năng sâu sắc của người nghệ sĩ cello. Không phụ lòng thầy và trong sâu thẳm Trần Thị Mơ đã có một quyết tâm… Sau thời gian học, Trần Thị Mơ tốt nghiệp xuất sắc môn Violoncelle tại đây. Năm 1982, Mơ được chọn tham gia cuộc thi âm nhạc quốc tế mang tên Tchaikovsky tại Moscova (Liên Xô cũ).

Trần Thị Mơ, là người có ý chí và nghị lực, từ chỗ không thích học đàn, từng muốn đập vỡ cây đàn khi bị ép học, chị bước đến một vị trí đáng nể trong dàn cello của dàn nhạc. Chị thành công trong nghệ thuật diễn tấu một cây đàn hàn lâm phương Tây với những tác phẩm kinh điển mà chị đã từng trình diễn của A.Vivaldi, P.I.Tchaikovsky, F.Schubert, D.Shostakovich, J.Brahms, C. Saint-Saens, A. Dvorak, E.Elgar.

Không chỉ vậy, Mơ còn chinh phục khán thính giả với các tác phẩm của nhiều tên tuổi lớn trong làng âm nhạc Việt như: Nguyễn Văn Thương, Hoàng Dương, Nguyễn Tài Tuệ, Nguyễn Văn Nam… Những dàn nhạc danh tiếng thế giới trong những chương trình lưu diễn ở Việt Nam, nếu có Concerto cho cello thì nhà tổ chức hoặc mời Trần Thị Mơ hoặc mời Ngô Hoàng Quân, chồng chị.

Khi về nước Mơ gắn bó với Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam ở vị trí bè trưởng cello, đồng thời cũng là một nghệ sĩ độc tấu nổi tiếng được công chúng yêu thích và đồng nghiệp mến mộ đánh giá cao. Trần Thị Mơ cũng có nhiều chương trình độc tấu và biểu diễn cùng dàn nhạc dây, Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam, Dàn nhạc Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam. Chị cũng từng tham gia và giành nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế.

NSND Trần Thị Mơ biểu diễn cùng dàn nhạc. Ảnh: Nguyễn Đình Toán.

Vẫn tiếp tục cống hiến

Cello là một loại đàn dây, không có phím. Người chơi đàn, ngoài khả năng cảm âm tốt, một đôi tay khéo léo nhạy cảm để lướt cần đàn cộng với 50% sự khổ luyện đóng vai trò quyết định đem lại những điều đó, nhưng phần còn lại rất quan trọng là tài năng thiên bẩm và xúc cảm từ trái tim người nghệ sĩ. Trời không phụ lòng một người như Trần Thị Mơ. Một người sống hết lòng cho nghệ thuật và cho gia đình, cho mọi người xung quanh.

Tôi có dịp đi cùng chị nhiều lần ở những show diễn, chị hòa đồng, thân thiện, dễ chịu và tốt bụng. Chơi với nhau thường thấy ở chị tiếng cười, những câu chuyện hài hước, hóm hỉnh đầy nữ tính.

Gần 50 năm chơi cello, ở vị trí bè trưởng hoặc solo Trần Thị Mơ luôn được Giám đốc nghệ thuật của Dàn nhạc tin tưởng. Tiếng đàn của Trần Thị Mơ nhiều nội lực và giàu cảm xúc. Năm 2014 Trần Thị Mơ đến tuổi nghỉ hưu nhưng vẫn được mời ở lại trong các buổi diễn với Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam. Chị bảo chỉ khi nào không cầm nổi cây đàn nữa thì mới ngừng chơi đàn.

Nhưng trong "Hòa nhạc Toyota 2014", một chương trình hòa nhạc rất uy tín ở Việt Nam, mang đẳng cấp quốc tế Trần Thị Mơ ở vị trí solo bản concerto cung mi thứ op85 viết cho cello và dàn nhạc của nhà soạn nhạc Edward Elgar đã biểu diễn rất xuất sắc. Với những nghệ sĩ cello thì đây là một tác phẩm đầy thử thách, nhưng cũng là cơ hội để khẳng định tài năng của một cellist.

E.Elgar viết bản concerto này trong thời kỳ hậu thế chiến thứ nhất và nó khác hẳn chất trữ tình và đam mê như khi ông viết cho violon trước đó. Trần Thị Mơ đã từng trình diễn solo tác phẩm này với Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam, và lần này chị lại cùng Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam đã cho khán giả thưởng thức cái đẹp bi hùng của tác phẩm đặc biệt này.

Từng biểu diễn ở hàng trăm sân khấu lớn nhỏ trong và ngoài nước, nhưng sau khi nghỉ hưu, NSND Trần Thị Mơ không chọn cuộc sống hưởng thụ, an nhàn mà vẫn tiếp tục cống hiến. Chị bảo, chị thấy mình không thay đổi, thậm chí còn thấy đang ở độ chín nhất của nghề.

Năm 2017 Dàn nhạc Giao hưởng Mặt trời - The Sun Symoony Orchestra được thành lập. Một Dàn nhạc tập hợp được nhiều nghệ sĩ có đẳng cấp quốc tế, mang hy vọng làm giàu thêm đời sống tinh thần của con người, mang đến những tiêu chuẩn mới cho văn hóa nghệ thuật nước nhà, đưa những buổi diễn có giá trị nghệ thuật của dòng âm nhạc cổ điển thính phòng đến với công chúng yêu nhạc cổ điển Việt Nam, hợp tác giáo dục và phát triển, nâng đỡ những tài năng trẻ... Nhận thấy những điều đó phù hợp với suy nghĩ của mình nên khi Dàn nhạc có lời mời, Trần Thị Mơ đã nhận lời về đây làm việc.

Kể từ khi là thành viên của Dàn nhạc Giao hưởng Mặt trời chị thôi có mặt ở những dàn nhạc khác chị từng tham gia, nhưng vẫn có thể biểu diễn trên những chương trình truyền hình hoặc trên sóng phát thanh. Ngoài ra chị còn tham gia giảng dạy ở Học viên Âm nhạc quốc gia Việt Nam.

Trần Thị Mơ được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú năm 2001, và được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân năm 2015; Huy chương Vì sự nghiệp Âm nhạc Việt Nam.

Gần 50 năm chơi cello, ở vị trí bè trưởng hoặc solo Trần Thị Mơ luôn được Giám đốc nghệ thuật của Dàn nhạc tin tưởng. Tiếng đàn của Trần Thị Mơ nhiều nội lực và giàu cảm xúc. Năm 2014 Trần Thị Mơ đến tuổi nghỉ hưu nhưng vẫn được mời ở lại trong các buổi biểu diễn với Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam. Chị bảo chỉ khi nào không cầm nổi cây đàn nữa thì mới ngừng chơi đàn. Từng biểu diễn ở hàng trăm sân khấu lớn nhỏ trong và ngoài nước, nhưng sau khi nghỉ hưu, NSND Trần Thị Mơ không chọn cuộc sống hưởng thụ, an nhàn mà vẫn tiếp tục cống hiến. Chị bảo, chị thấy mình không thay đổi, thậm chí còn thấy đang ở độ chín nhất của nghề.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tiếng đàn Trần Thị Mơ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO