Tiếng khèn trên vùng đá núi

Hoàng Thu Đào (giới thiệu) 21/06/2021 10:00

Đến Cao nguyên đá Đồng Văn (tỉnh Hà Giang), ta như đắm chìm vào tiếng khèn của những chàng trai người Mông. Tiếng khèn da diết, trầm bổng vang vọng giữa những núi đá trùng điệp.

Vùng núi cao phía Bắc là vùng đất huyền thoại, thiên nhiên bao la hùng vĩ, vừa hoành tráng lại vừa thơ mộng. Đây cũng là vùng đất phong phú tinh hoa văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số. Dòng chảy văn hóa chưa bao giờ đứt đoạn. Cho dù văn hóa hiện đại đang hiện diện khắp các thôn bản vùng cao, thế nhưng dòng chảy văn hóa truyền thống của đồng bào vẫn vô cùng mạnh mẽ. Một trong những biểu hiện đặc sắc ấy chính là niềm đam mê khèn của người dân nơi đây.

Đến Cao nguyên đá Đồng Văn (tỉnh Hà Giang), ta như đắm chìm vào tiếng khèn của những chàng trai người Mông. Tiếng khèn da diết, trầm bổng vang vọng giữa những núi đá trùng điệp. Người ta nói rằng, cây khèn gắn bó với người Mông mỗi khi xuống chợ cũng như trong các dịp lễ, tết và cả trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày. Thiếu tiếng khèn, là thiếu đi “linh hồn” của người Mông.

Khèn là một trong những nhạc cụ nổi bật của đồng bào Mông. Tiếng khèn được chàng trai cất lên trong những lễ hội, trong một vòng tròn dù đông người hay ít người. Tiếng khèn còn lưu luyến trong không gian núi rừng, trong thung lũng như lời tự sự, như lời gọi bạn tình của những chàng trai. Được nghe khèn trong lễ hội thật là thú vị. Nhưng cũng vô cùng khác lạ khi một buổi chiều trong thung lũng, bên dòng suối nhỏ hiền hòa, văng vẳng đâu đây tiếng khèn như một lời thổn thức của người đàn ông đang yêu.

Đã từ bao đời nay, khèn là một nhạc cụ truyền thống không thể thiếu trong cuộc sống của người Mông, cũng chính là một phần quan trọng tạo nên nét đặc sắc trong văn hóa Mông. Cây khèn độc đáo bởi hình dạng, cấu tạo và chức năng tạo âm thanh. Âm thanh được phát ra theo cả luồng hơi thổi ra, hít vào. Đây là điều rất đặc biệt khi so khèn Mông với những loại nhạc cụ hơi khác.

Thông thường, một cây khèn Mông có 6 ống làm từ 1 loại trúc gắn trên 1 cái bầu bằng gỗ khoét rỗng, kết nối bằng nhựa cây và vỏ cây đào rừng. Thứ duy nhất từ kim loại là lam đồng (lưỡi gà). Mọi công đoạn đều làm thủ công với những dụng cụ đồng bào tự chế.

Chuẩn bị vật liệu để làm khèn.

Bầu đàn thường được làm từ loại gỗ thông như thông đá, kim giao hoặc pơ mu. Cách chế tác khèn cũng vô cùng độc đáo khi rất khó có thể tìm ra được quy chuẩn chung. Cũng chính vì thế mà mỗi cây khèn lại mang tính độc bản, nói cách khác là độc nhất vô nhị, không cây khèn nào giống hệt cây khèn nào cả về hình dáng lẫn âm thanh. Các nghệ nhân làm khèn đều đo bằng tay, ngắm bằng mắt để chế tác, không có nguyên tắc chung nhưng để có được cây khèn ưng ý, thổi được đúng các làn điệu dân ca Mông, cần sự khéo léo, kiên nhẫn và kinh nghiệm.

Không một chàng trai người Mông nào lại không biết thổi khèn. Ngày từ khi lên mười tuổi, các cậu bé người Mông đã được cha dạy thổi khèn. Điều đó đã hình thành kỹ năng cũng như vun đắp cho tâm hồn của mỗi một con người. Sống ở Cao nguyên đá Đồng văn, đi đâu người đàn ông Mông cũng mang theo chiếc khèn. Hoặc là để thổi góp vui cùng bè bạn, người quen; hoặc là để kết bạn; mà cũng có thể để thổi lên cho riêng mình khiến con đường về bản bớt xa, những con đường dốc núi bớt cheo leo. Tiếng khèn làm người ta thôi đơn độc, mà hòa mình vào với cộng đồng, với thiên nhiên.

Nhưng, độc đáo hơn cả với đồng bào Mông chính là vừa thổi khèn vừa múa, thường được gọi là múa khèn. Cấu tạo của khèn vì thế cũng phù hợp với dáng khum người và các thế quay, nhảy. Người đàn ông Mông múa khèn với những bước nhún, bước đảo, bước quay hoặc vừa ôm khèn, vừa lăn mình trên đất tạo nên vũ đạo rất đẹp. Trong khi thực hiện những động tác ấy, thì tiếng khèn vẫn không dứt, đó là điều khó khăn, không luyện rèn thì không thể làm được.

Cậu bé với chiếc khèn.

Tiếng khèn cũng có nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau. Bắt nguồn từ phong tục, tập quán và cuộc sống sinh hoạt mà khèn Mông có rất nhiều chủ đề và bài bản. Với tiếng khèn vui, người Mông mời gọi bạn đi chơi xuân, gọi bạn xuống chợ, chúc nhau những điều may mắn. Còn khi buồn, tiếng khèn chậm và trầm, thường thổi trong đám ma để chia buồn cùng gia đình, để tiễn đưa người mất sang bên kia thế giới. Tiếng khèn vui khiến người nghe có cảm giác hưng phấn, rạo rực; nhưng tiếng khèn buồn có thể khiến người nghe cảm thấy xúc động mạnh mẽ.

Cuộc sống hiện đại với nhiều thay đổi, nhiều thu hút mới nhưng cây khèn Mông thì vẫn còn đó, nguyên sơ và hấp dẫn kỳ lạ như thuở ban đầu. Nghệ nhân chế tác khèn vẫn còn trong tất cả các bản làng người Mông. Tại xã Sủng Trái (huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang) hiện còn khá nhiều người Mông giữ được nghề làm khèn. Các nghệ nhân cho biết, phải biết thổi khèn, biết cảm thụ cung bậc của tiếng khèn thì mới làm được cây khèn tốt.

Đi trên những con đường đất núi quanh co của cao nguyên đá Đồng Văn, chúng ta càng tự hào về vẻ đẹp văn hóa, về cây khèn Mông. Nó không chỉ là một nhạc cụ, mà hơn thế, nó là biểu hiện, là kết tinh của văn hóa, mang đến cho đời âm thanh đẹp đẽ và làm cho cuộc sống của chúng ta thêm hương sắc.

Cây khèn không thể thiếu với người đàn ông Mông.
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tiếng khèn trên vùng đá núi