Tiếng vọng không dứt thời hậu chiến

21/06/2015 10:21

Nếu may mắn được trở về từ chiến tranh thì cũng không ai còn là người như cũ nữa. Và dường như những cuộc chiến tranh vẫn đang tiếp diễn dù tiếng súng đã ngưng từ lâu, một khi vẫn còn những người cựu binh đang sống. Và không có sự nhắc nhở nào đáng lắng nghe hơn những tiếng vọng từ bi kịch trong đời sống thời bình mà những cựu binh đó đang phải gánh chịu...

Tôi đã nghĩ như thế khi đọc nhiều những tác phẩm hay nhất của các nhà văn, nhà thơ Xôviết viết về cuộc chiến tranh Vệ quốc vĩ đại. Trong tâm trí của rất nhiều cựu binh vẫn âm vọng những ký ức hôi hổi những dòng máu đỏ từ những ngày chinh chiến cũ. Rất nhiều năm sau khi chiến tranh kết thúc, nhà thơ cựu binh Nga Yuri Levitansky đã viết bài thơ đầy nhức nhối về quá khứ đầy đạn lửa:

“Tôi đã từng ở đấy, thế thì sao?!
Tôi ở đấy lâu rồi. Tôi quên hết.
Tôi không nhớ những tháng ngày xa tít,
Những dòng sông tôi đã vượt hôm nào.

(Tôi chỉ là người lính không tên tuổi,
Cậu binh nhì như tất cả mà thôi.
Tôi - viên đạn đang bay chưa tới đích,
Tôi - lớp băng bị máu hồng loang.
Như vết bọt ăn sâu vào hổ phách,
Tôi muôn đời đã dính chặt vào băng).

Tôi đã từng ở đấy, thế thì sao?!
Tôi thoát chiến tranh rồi. Tôi quên hết.
Tôi không nhớ những tháng ngày xa tít,
Những miền quê ngùn ngụt khói ba đào.

(Tôi là tiếng vó ngựa dồn mệt mỏi,
Giọng vội vàng khản gọi lúc tàn hơn.
Tôi - khoảnh khắc của ngày chưa trọn sống,
Cuộc giao tranh dữ dội chốn tiền phương.
Tôi - ngọn lửa cháy trên đài tưởng niệm,
Viên đạn trong công sự rực hồng lên...)

Tôi đã từng ở đấy, thế thì sao?!
Thế thì sao, ở hay là không ở?!
Khốc liệt cũ hầu như tôi chẳng nhớ,
Tôi muốn quên những điều đó thật mau.
Không phải tôi đã tham gia chiến đấu,
Chính chiến tranh đang tiếp diễn trong tôi.
Và trên đôi gò má tôi ngời ngợi
Ánh hào quang lửa tưởng niệm muôn đời.

Giờ thì không thể rút tôi ra khỏi
Cuộc chiến tranh khủng khiếp đó được đâu.
Không chữa nổi, giờ không ai chữa nổi
Nhưng vết thương từ đông ấy còn đau.
Khỏi rẻo đất chiếm trong mùa đông ấy
Giờ không ai có thể tách rời tôi.
Trên lớp tuyết cũ giờ không ai thấy
Dấu vết tôi hóa thạch tự lâu rồi.

Nhưng tôi từng ở đấy, từng ở đấy
Và dư âm thuở ấy mãi còn đây!...”

Thật ám ảnh! Tôi lại càng cảm thấy ám ảnh hơn khi đọc bài thơ “Bản ba lát về một người mất trí” của nhà thơ Ukraina, Igor Pinchuk. Bài thơ này thực ra rất giản dị, vẫn như một câu chuyện văn xuôi về một cựu chiến binh ở vùng ven sông Dniep, đã bị mất trí trong một trận đánh. Tưởng như chẳng có gì nhiều để nói nhưng Pinchuk đã khiến chúng ta phải đắng lòng khi đọc:


Ở thành phố thuộc vùng sông Dniep,
Dân chúng thấy anh đi giữa phố phường
Trong chiếc áo lính bạc mầu nhàu nát,
Với vết sẹo dài sâu ở thái dương,

Cặp môi hệt như lưỡi kìm mím chặt,
Mắt thẳng nhìn về phía trước điên điên…
Đám phụ nữ, nếu bất ngờ phải gặp
Anh giữa đường, kinh sợ lánh sang bên.

Chỉ một mình cô gái nhỏ kia thôi
Trong quán báo, đợi chờ anh tự sáng.
Anh bước tới, mái tóc nâu bù rối,
Móng tay dài đen cáu bẩn như than…

Nhưng anh chẳng mua gì, anh chỉ hỏi,
Câu hỏi với cô quen tự lâu rồi:
-Thế nào, quân ta ở Stalingrad,
Thắng chưa, hay giặc vẫn quẩn quanh hoài?

- Giặc bị vây chặt rồi, chả mấy chốc
Sẽ phải thua, - cô như thật trả lời.
Và cô nhìn, ánh mắt buồn trách móc
Những kẻ bên cửa sổ ngả nghiêng cười…

Đó là hai học trò vô tích sự
Trốn tiết đi hút thuốc lang thang.
Chúng đã bỏ không dự giờ Lịch sử,
Nơi chuyện anh được ghi giữa dòng văn,
Bỏ Lịch sử mà trong bom trong lửa,
Anh giữ gìn, anh chẳng tiếc gì thân…

Ờ, hồi đó anh mới bao nhiêu tuổi?
Chắc chỉ nhiều hơn chúng độ vài năm.
Người anh yêu đã yêu anh lắm lắm,
Nhưng chị giờ đang vui sống cùng ai,
Và chị đã gả chồng cho con gái,
Đã thành bà từ gần một năm nay…

Anh thì chẳng được có con… Chẳng có!
Họa chăng chỉ còn cô gái kia thôi.
Và kỷ niệm cháy xém khi mìn nổ
Bắt anh lâm vào cảnh thảm thương này
Là người bạn rất đau buồn, là vợ…
Anh vô cùng biết ơn “cô con gái”:
-Lũ chó già tới lúc phải tan thây!...
Rồi anh trở về nhà như trong mộng
Với nụ cười vui dại dại ngây ngây…

Mới rạng sáng đã không sao ngủ tiếp,
Hút thuốc xong, anh vội vã ra sân:
-Rào nhà mình có chỗ gần bị sập,
Búa đâu rồi, chị đưa cho em nhanh!

Và tìm cách ngồi xuống cho thật tiện,
Và đặt bên ván gỗ với hộp đinh,
Rất say mê, rất loạn cuồng, rất mạnh,
Anh bắt tay vào công việc của mình….

Tựa người lính sống lại trong chiến trận…
Ôi biết bao thân quý với tay anh
Cái khoảnh khắc được hồi sinh ngắn ngủi
Khiến sáng nào cũng vụt thoáng qua nhanh!

-Chát – chát – chát! – cây búa, chàng phiêu lãng
Gõ xuống nẩy lên khéo léo nhịp nhàng.
“Tác – tách – tách”, sữa bò từng giọt một
Rơi xuống xô trong tiếng búa rền vang.

Anh vươn mình thở nồng nàn không khí
Tràn đầy mùi rau húng thật thơm ngon.
Người chị gái mặc lệ trào khỏi mí,
Lặng nhìn em, thương xót quặn trong lòng…

-Ksenia, đủ lắm rồi, chị ạ,
Em tất nhiên cũng hơi lạ khác người…
Em chỉ muốn ngồi thế này suốt buổi
Dù chỉ một lần cho tới tận khuya…

Để họ thấy chị em mình vui vẻ
Với huân chương, huy hiệu đeo đầy.
Còn số phận dầu dữ dằn đến thế
Dù trong đêm em cũng trị được ngay…

Phải, lại đến rồi cơn điên dại đó,
Đến từ từ như sóng ra-đi-ô,
Mặt trời càng lên cao càng tỏa nắng,
Đôi mắt anh càng kinh ngạc thẫn thờ.
Mồ hôi đã vương đọng đầy trên trán,
Người anh căng, vai anh vươn thẳng lên,
Như cố nhớ điều gì quan trọng lắm,
Như có điều gì muốn được nói thêm…

-Vania! Vania! Nghỉ chút,
Vào đây! Vào uống sữa đi em!..
Anh im lặng, và hóa thành tiếng quát
Lòng thương em của người chị:
- Đứng yên!

Nhưng anh trong điệp trùng cơn mê muội
Nào biết gì, nào có hiểu điều chi,
Khoác lên mình tấm áo xanh cũ kỹ
Lại lụi lầm ra quán báo...
Lại đi...

Cũng có thể ai đó đủ bình thản nhẫn tâm mà thốt lên rằng, nhìn từ góc độ nào đấy, anh lính bị mất trí vẫn may mắn hơn những người cựu binh tỉnh trí, nếu họ lại phải chứng kiến những cảnh đầu rơi máu chảy thêm một lần nữa trong đời. Đã 70 năm trôi qua kể từ ngày chiến tranh thế giới thứ hai cũng như ngày chiến tranh Vệ quốc vĩ đại kết thúc. Siêu cường Xôviết cũng đã không còn nữa mà thay vào đó là một không gian rộng lớn với nhiều nước cộng hòa theo những định hướng khác nhau, thậm chí còn mâu thuẫn và hơn thế nữa, còn đang thù hận nhau… Có lẽ anh thương binh mất trí trong bản ba lát trên đã không còn sống nữa… Và thực đáng buồn thay, ở vùng đất gần 70 năm được sống và phát triển trong hòa bình như tổ quốc Ukraina của nhà thơ Pinchuk giờ đây lại bị chìm trong những xung đột vũ trang nồi da nấu thịt. Rồi đây sẽ có những người lính nào nữa sẽ lại bị rơi vào những thảm cảnh tương tự? Hóa ra lịch sử có thể lặp lại nhưng vẫn chưa (hay không?) dạy dỗ cho loài người thêm được sự thông thái để ngăn chặn trước những tấn bi kịch mới với nội hàm như cũ…

Linh Vân

* Hai bài thơ trong bài đều do nhà thơ Hồng Thanh Quang dịch từ bản tiếng Nga.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tiếng vọng không dứt thời hậu chiến