Trong những năm gần đây, nhiều chính sách đã được đưa ra nhằm thúc đẩy sự phát triển của điện ảnh Việt Nam. Tuy nhiên, với vấn đề nguồn nhân lực thì vẫn còn nhiều thách thức. Phóng viên Báo Đại Đoàn Kết đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Đỗ Lệnh Hùng Tú - Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam xung quanh vấn đề này.
PV: Ông đánh giá thế nào về tiến trình phát triển của điện ảnh Việt Nam cho đến nay?
PGS.TS Đỗ Lệnh Hùng Tú: Trong suốt thời kỳ 2 cuộc kháng chiến, các nghệ sĩ điện ảnh đã làm nên những thước phim tài liệu sống động về cuộc chiến chống ngoại xâm của dân tộc. Khi đó, nghệ sĩ cũng là chiến sĩ. Họ vừa chiến đấu vừa làm những thước phim chân thực về chiến tranh.
Bước vào thời kỳ hòa bình và đổi mới, điện ảnh phim truyện và điện ảnh tài liệu vẫn tiếp tục bám sát các đề tài của dân tộc và đại chúng phục vụ đông đảo nhân dân. Cùng với sự phát triển chung, bên cạnh dòng phim về đề tài lịch sử còn có thêm dòng phim giải trí. Ở đây phim về đề tài lịch sử chủ yếu do Nhà nước đặt hàng, còn phim giải trí chủ yếu do tư nhân đảm nhiệm.
Hướng đến giải trí và doanh thu thì mục đích chính của những người làm phim là lợi nhuận cao. Trên thực tế, gần đây phim của Trấn Thành, Nguyễn Quang Dũng, Lương Đình Dũng, Phan Gia Nhật Linh… với doanh thu cao đã cho chúng ta thấy dòng phim giải trí của Việt Nam đang ngày càng có sự cải thiện. Những tác phẩm phim giải trí được xây dựng rất đời thường, nhân vật với ngôn ngữ rất gần gũi, để khi khán giả xem như thấy mình xuất hiện trong đó. Và điều này đã phần nào tạo nên thành công của dòng phim giải trí hiện nay.
Với dòng phim lịch sử, nếu như ở các nước trên thế giới phát triển rất tốt dòng phim về đề tài lịch sử thì ở ta phim lịch sử vẫn chưa tạo được sự hấp dẫn, chưa thu hút được người xem.
Nói cho cùng, dòng phim nào cũng đang rất cần bổ trợ một lực lượng làm phim mạnh, sáng tạo. Đặc biệt trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, nguồn nhân lực chất lượng cao càng cần hơn bao giờ hết.
Luật Điện ảnh sửa đổi được kỳ vọng sẽ tạo hành lang pháp lý cho Điện ảnh nước nhà phát triển đặc biệt trong thời kỳ công nghệ số hiện nay. Vậy theo ông, điện ảnh Việt Nam cần chớp cơ hội này như thế nào?
- Chúng ta có thể thấy ngày nay việc phát hành phim không chỉ ở rạp chiếu bóng công cộng, không chỉ trên truyền hình mà còn ở các nền tảng số. Khán giả, người xem có thể xem phim bất cứ lúc nào, bất cứ khi nào và ở bất cứ đâu. Chính vì thế công tác quản lý và công tác đào tạo nghệ sĩ... đòi hỏi cần có sự quan tâm của nhà nước để vừa phát triển được dòng phim chính thống và phát triển được đội ngũ những người làm phim giải trí từ đó làm ra nhiều tác phẩm điện ảnh có dấu ấn.
Luật Điện ảnh sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1/1/2023 là minh chứng rõ nét về sự quan tâm của Nhà nước đến lĩnh vực văn hóa nghệ thuật nói chung và trong đó có điện ảnh nói riêng. Các quy định được sửa đổi đã mở ra nhiều triển vọng cho hoạt động của ngành điện ảnh, để người làm điện ảnh có thể mở rộng các cơ hội tiếp xúc, đưa người làm điện ảnh đến với những ý tưởng mới, sáng tạo mới và cách tiếp cận mới. Tuy nhiên trong quá trình vận hành luật thì cần tiếp tục lắng nghe thực tế để có những điều chỉnh phù hợp với sự phát triển của xã hội.
Vậy theo ông, nguồn nhân lực hiện tại có thể đáp ứng được cho sự phát triển của điện ảnh trong thời gian tới?
- Hiện nay chúng ta có hai trung tâm đào tạo lớn nhất là trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội và Sân khấu - Điện ảnh TPHCM, ngoài ra có một số trường có khoa nghệ thuật đào tạo. Nhưng thực tế nguồn nhân lực của chúng ta vẫn rất thiếu. Nguồn nhân lực có học hàm học vị càng không đủ để đáp ứng cho nhu cầu phát triển.
Trong khi, các lĩnh vực làm phim như thiết kế kỹ thuật, quay phim… phần lớn là truyền nghề, tự học nghề. Những người được đào tạo bài bản từ các trường học đang còn rất thiếu so với đòi hỏi thực tế. Nhân lực tay nghề cao cũng thiếu trầm trọng.
Nhìn sang Hàn Quốc, quốc gia có nền điện ảnh phát triển mạnh mẽ thì thấy, họ đã đưa hàng trăm nhân lực ra nước ngoài để học nghề, để được đào tạo nâng tầm. Từ đó, điện ảnh Hàn Quốc đã được “thay máu”, phát triển mạnh mẽ. Ở Việt Nam, chúng ta cũng đã tiếp cận với những đề án hợp tác đào tạo của nước ngoài, nhưng hiệu quả vẫn hạn chế do trình độ ngoại ngữ không cao, người có ngoại ngữ lại kém về chuyên môn.
Có thể thấy, ngoại ngữ chính là trở ngại lớn nhất đối với các học viên khi muốn tham gia các dự án với nước ngoài. Rất ít học viên có thể đáp ứng được yêu cầu về ngoại ngữ mà phía nước ngoài quy định.
Hội Điện ảnh Việt Nam đang mời chuyên gia nước ngoài sang nói chuyện chuyên đề với các nghệ sĩ trong nước, nhằm mục đích tăng cường sự hiểu biết, giao lưu học hỏi lẫn nhau. Tuy nhiên, đó mới chỉ là những chương trình ngắn hạn, chưa đủ chuyên nghiệp và kéo dài để có thể tạo ra nền tảng kiến thức cơ bản, dài hạn.
Trân trọng cảm ơn ông!