Theo hướng dẫn mới nhất của Bộ LĐTB&XH, đối với trường hợp nộp hồ sơ và trả kết quả xác nhận người lao động tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc, người sử dụng lao động có thể nộp qua nhiều hình thức, trong đó có hình thức trực tuyến (giao dịch điện tử).
Ba hình thức nộp hồ sơ
Cụ thể, về việc xác định đơn vị tại các khu công nghiệp, khu chế xuất hoặc khu vực kinh tế trọng điểm, Bộ LĐTB&XH đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở LĐTB&XH và các cơ quan liên quan triển khai thực hiện rà soát, thống kê các đối tượng doanh nghiệp, người lao động thuộc khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế trên địa bàn và kịp thời cung cấp thông tin cần thiết cho cơ quan bảo hiểm xã hội của tỉnh, thành phố, UBND các huyện để phục vụ trong công tác xác định các đối tượng thụ hưởng chính sách, đảm bảo nhanh chóng và chính xác.
Về quy trình thực hiện, người sử dụng lao động thực hiện nộp hồ sơ theo một trong các hình thức: Nộp trực tiếp, qua dịch vụ bưu chính công ích, nộp trực tuyến.
Ngoài ra, Bộ LĐTB&XH đề nghị BHXH Việt Nam chỉ đạo BHXH tỉnh phối hợp với sở LĐTB&XH, các cơ quan liên quan để thống kê, nắm thông tin về các đơn vị đang hoạt động trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế trên địa bàn.
Theo Quyết định, 2 nhóm người lao động sẽ được nhận hỗ trợ tiền thuê nhà khi đáp ứng các điều kiện theo quy định. Đó là, người lao động (NLĐ) đang làm việc trong doanh nghiệp tại khu công nghiệp, khu chế xuất hoặc khu vực kinh tế trọng điểm với mức hỗ trợ 500 nghìn đồng/tháng; NLĐ quay trở lại thị trường lao động, đang làm việc trong doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh tại khu công nghiệp, khu chế xuất hoặc khu vực kinh tế trọng điểm với mức hỗ trợ 1 triệu đồng/người/tháng. Thời gian hỗ trợ cho các đối tượng tối đa 3 tháng. Chính sách bắt đầu được triển khai từ ngày 1/4 và thời gian nhận hồ sơ chậm nhất là ngày 15/8. Tuy nhiên, đến thời điểm này (cuối tháng 4/2022), một số địa phương mới ban hành kế hoạch, hướng dẫn triển khai chính sách.
Báo cáo tình hình lao động, tiền lương, thu nhập, chi tiêu và đời sống của công nhân lao động năm 2022 do Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam thực hiện trong tháng 3/2022 cho thấy, nếu không làm thêm giờ, tiền lương cơ bản của công nhân lao động chỉ ở mức trung bình 4,92 triệu đồng/tháng. Mức thu nhập thấp trong khi đó, giá cả thiết yếu như thuê nhà trọ, tiền điện, chi phí thức ăn đều tăng do ảnh hưởng của giá xăng tăng.
Người lao động cần sống được bằng lương
Thực tế nhờ có những gói hỗ trợ từ Nhà nước quý I/2022 thị trường lao động mới có những điểm sáng. Và nhờ đó, cuộc sống NLĐ đã được nâng lên rõ rệt. Tuy nhiên, về lâu dài vẫn cần có những giải pháp, trợ lực để NLĐ “sống khỏe” từ nghề.
Nói về cuộc sống của NLĐ hiện nay, TS Vũ Quang Thọ - nguyên Viện trưởng Viện Công nhân công đoàn miêu tả, đợt dịch vừa qua chúng ta đã chứng kiến những dòng NLĐ về quê, sau xe máy là những đứa con và tải quần áo. Đó là tất cả tài sản mà họ có được sau bao năm làm lụng. Hay chúng ta đến các khu trọ nhìn căn phòng tềnh toàng, đơn sơ mới thấy cuộc sống NLĐ khổ cực và khó khăn thế nào. Các chính sách hỗ trợ đã bước đầu giúp NLĐ vượt khó, nhưng về lâu dài cần có chính sách tiền lương để NLĐ có cuộc sống ổn định.
“Nếu lúc này chúng ta không đề nghị tăng lương tối thiểu cho NLĐ thì không còn lúc nào. Đây là trách nhiệm, cũng là lương tâm của chúng ta. Phải giải quyết được vấn đề tiền lương mới ngăn chặn vấn đề chảy máu chất xám” - ông Thọ nhấn mạnh.
Đồng quan điểm TS Đỗ Quỳnh Chi- Trung tâm Nghiên cứu quan hệ lao động cũng cho rằng, “việc trả mức lương đủ sống cho NLĐ là vấn đề “sống còn” đối với DN”. Tuy nhiên hiện nay đa phần DN vẫn nhìn nhận việc tăng lương cho NLĐ là việc buộc phải làm.
Nhấn mạnh tiền lương đóng vai trò rất quan trọng trong phát triển kinh tế đất nước cũng như doanh nghiệp, bà Trần Thị Hồng Minh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng: “Để có chất lượng nguồn nhân lực chúng ta phải có đội ngũ lao động tốt. Muốn vậy phải chăm sóc để người lao động có cuộc sống tốt, nâng cao trình độ - và tiền lương là giải pháp đầu tiên để đạt được mục tiêu đó”.
Báo cáo tình hình lao động, tiền lương, thu nhập, chi tiêu và đời sống của công nhân lao động năm 2022 do Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam thực hiện trong tháng 3/2022 cho thấy, nếu không làm thêm giờ, tiền lương cơ bản của công nhân lao động chỉ ở mức trung bình 4,92 triệu đồng/tháng. Mức thu nhập thấp trong khi đó, giá cả thiết yếu như thuê nhà trọ, tiền điện, chi phí thức ăn đều tăng do ảnh hưởng của giá xăng tăng.