Mở đầu phát biểu kết luận Hội nghị đổi mới nâng cao hoạt động của DNNN, trước khi nêu yêu cầu cụ thể đối với các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, DNNN hết sức cần thiết cho sự phát triển đất nước. Không chỉ chúng ta, các nước trên thế giới đều có DNNN để điều tiết, quản lý nền kinh tế.
Qua quá trình tái cơ cấu, số lượng DNNN đã giảm từ 12.000 xuống còn 600 DN. Dù số lượng đã bị thu hẹp lại nhưng các “quả đấm thép” này vẫn tiếp tục góp phần ổn định vĩ mô, tạo nguồn thu lớn cho Nhà nước, đời sống cán bộ của DNNN tốt hơn.
Đẩy nhanh cổ phần hóa để tăng sức mạnh cho doanh nghiệp nhà nước.
Thủ tướng yêu cầu các DNNN cần đổi mới, tái cơ cấu lại trên nền tảng công nghệ hiện đại, quản lý chuẩn mực quốc tế... Theo đó, tái cơ cấu đổi mới mô hình tăng trưởng, phải áp dụng công nghệ trong quản lý, phát triển lực lượng sản xuất và đào tạo nhân lực là những giải pháp rất cụ thể để nâng cao hoạt động của DNNN.
Giá trị thực hiện cổ phần hóa (CPH), thoái vốn giai đoạn 2016-2018 của các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đã tăng gấp 2,5 lần so với giai đoạn từ 2011-2015. Hiệu quả hoạt động của DNNN đã tăng lên rõ rệt sau CPH và các quả “đấm thép” này sẽ tiếp tục vai trò khai phá, dẫn dắt nền kinh tế để đưa đất nước ra biển lớn.
Vì sao cần khẳng định vai trò dẫn dắt của các DNNN là bởi so với kinh tế tư nhân và kinh tế có vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài, DNNN vẫn là lực lượng vật chất có tiềm lực mạnh về tài chính, nắm giữ tài nguyên, đất đai, thương hiệu, lực lượng lao động, có đội ngũ cán bộ khoa học, kỹ thuật, quản lý hùng hậu. Hiện nay, DNNN chuyển dịch theo hướng chỉ tập trung vào những ngành, nghề then chốt của nền kinh tế hoặc những lĩnh vực mà DN tư nhân không đầu tư, không làm. Điều đó càng thể hiện vai trò quan trọng của các DNNN trong nền kinh tế.
Hơn nữa, nhiệm vụ chủ yếu của các DNNN đó là thực hiện những nhiệm vụ chính trị - xã hội trong một số lĩnh vực, làm “đầu tàu”, tạo động lực phát triển để thu hút các thành phần kinh tế khác tham gia, đóng góp tích cực vào chương trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, chung tay xây dựng nông thôn mới, tham gia các hoạt động tại địa phương, góp phần vào việc ổn định an ninh, chính trị, an sinh xã hội trên địa bàn, đóng góp lớn cho phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Ý thức được vị trí, vai trò của mình, khối DNNN đã từng bước đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của mình thông qua CPH. Do đó, chất lượng tài sản của DN từng bước được nâng cao. Nhiều DN đã chú trọng nâng cấp, đổi mới ứng dụng và làm chủ công nghệ, trang thiết bị đã tạo điều kiện tăng năng suất, chất lượng, tiết kiệm vật liệu, bảo đảm chất lượng sản phẩm và hiệu quả đầu tư cao nhất, góp phần không nhỏ vào kết quả sản xuất, kinh doanh của DN. Chính vì thế sau CPH, nhiều DN vươn mình lớn mạnh. Cụ thể, số DN làm ăn có lãi đã tăng lên nhiều, trong đó trên 80% số DNNN làm ăn có lãi, trong khi năm 2012 chỉ có khoảng 30%.
Tất nhiên, trước đòi hỏi của thực tiễn DN không thể không thay đổi cung cách làm ăn, phương thức quản trị, điều hành DN. Và dẫu có tới hơn 80% DNNN làm ăn có lãi nhưng tỷ suất lợi nhuận tính trên vốn và trên doanh thu còn thấp, nói như Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương Nguyễn Đình Cung, thì khó chấp nhận lợi nhuận thu về từ các DNNN này còn thấp hơn cả lãi vay ngân hàng. Và muốn xác định được “sức khỏe” của các DNNN sau CPH đến đâu cần đưa ra những mục tiêu “vừa sức” để người đứng đầu các DN này phải cố hết sức mới đạt được chứ không phải cứ có lãi, lãi theo kiểu thấp hơn cả lãi vay ngân hàng trong khi các điều kiện khác thì hơn hẳn khu vực kinh tế tư nhân thì DNNN làm sao giữ vững vai trò dẫn dắt nền kinh tế được.
Để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ dẫn dắt của mình, thì DNNN cần tiếp tục bỏ tư duy cũ, đổi mới, đổi mới và đổi mới để xứng tầm vị thế của mình trong nền kinh tế. Do đó, cần tăng cường thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý vốn, tài sản nhà nước tại DN và CPH DNNN. Xác định tự kiểm soát đóng vai trò quan trọng bảo đảm sức đề kháng của DN thông qua kiểm soát nội bộ công khai, minh bạch và coi đây là vấn đề sống còn của DNNN.
Các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước phải tiếp tục tự đổi mới tư duy, cách nghĩ, cách làm trong bối cảnh mới. Tiếp tục đổi mới quản trị DN, kiện toàn bộ máy quản lý, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cán bộ quản lý DN đáp ứng yêu cầu quản trị trong cơ chế thị trường, lựa chọn những cán bộ đã trải qua các cương vị công tác quản lý được thử thách trong thực tiễn, thực sự có năng lực để lãnh đạo DNNN. Đồng thời xây dựng lộ trình và thực hiện thoái vốn tại các DN có vốn góp, bảo đảm công khai, minh bạch, đem lại lợi ích cao nhất cho Nhà nước.