Trong thời gian tới cần có nhiều phương thức, hình thức vận động các tầng lớp nhân dân tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện Quyết định 217, 218 của Bộ Chính trị về Quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội và Quy định về việc MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, Thường trực Ban Bí thư Đinh Thế Huynh nhấn mạnh.
Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng Đinh Thế Huynh phát biểu tại hội nghị.
Ngày 5/1, Ban Dân vận Trung ương tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác Dân vận năm 2016, triển khai nhiệm vụ năm 2017.
Tham dự có các Ủy viên Bộ Chính trị: Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng Đinh Thế Huynh, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình; đại diện các bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương... Tại điểm cầu Hà Nội, cùng dự có Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Đào Đức Toàn, Trưởng ban Dân vận Thành ủy Nguyễn Lan Hương.
Làm tốt 9 chương trình giám sát
Tham dự hội nghị, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đã trình bày 3 năm MTTQ Việt Nam thực hiện Quyết định số 217, 218 - QĐ/TW của Bộ Chính trị.
Theo Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân, 3 năm qua UBTƯ MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội các cấp đã rất quyết tâm, chủ động và sáng tạo tổ chức các hoạt động, chương trình giám sát phù hợp với Hiến pháp, Luật tổ chức Chính phủ, Luật MTTQ Việt Nam.
Sau 3 năm, ở cấp Trung ương, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, tất cả các tổ chức chính trị-xã hội và nhiều tổ chức thành viên khác của MTTQ Việt Nam đã chủ trì hoặc phối hợp triển khai các hoạt động giám sát ở cấp Trung ương ở các vấn đề, lĩnh vực có ý nghĩa cấp bách với toàn xã hội.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Bộ Y tế, Bộ Tài Chính, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Thanh tra Chính phủ, Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ và Văn phòng Chính phủ đã tham gia trực tiếp vào quá trình chuẩn bị và triển khai các chương trình giám sát.
Các hoạt động giám sát, phản biện xã hội và tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền của MTTQ Việt Nam đã góp phần làm sáng tỏ một cách khách quan những kết quả và hạn chế trong việc thực hiện chính sách, pháp luật của Chính phủ và chính quyền các địa phương, của các tổ chức, các doanh nghiệp, bệnh viện, các trường đại học, viện nghiên cứu, các ngân hàng; kiến nghị những giải pháp nhằm thực hiện đúng và có hiệu quả hơn các chính sách, quy định pháp luật; góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của công dân, tổ chức, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, hạn chế vi phạm pháp luật. Nhiều kiến nghị sau giám sát đã được các cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm nghiêm túc tiếp thu và thực hiện.
“Để UBTƯ MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội thực hiện hiệu quả Quyết định 217 và 218 của Bộ Chính trị thì cần phải có sự vào cuộc quyết liệt của các cấp ủy từ Trung ương đến địa phương, sự tham gia, phối hợp của Chính phủ, các bộ, ngành liên quan, chính quyền các địa phương trong các hoạt động giám sát và phản biện là một nhân tố không thể thiếu để bảo đảm sự thành công của các hoạt động này”, người đứng đầu Mặt trận nhấn mạnh.
Coi trọng công tác Dân vận
Phát biểu tại hội nghị, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai cho biết: Trong năm 2016 mặc dù còn nhiều khó khăn song công tác dân vận của cả hệ thống chính trị có những chuyển biến tích cực và đạt nhiều kết quả quan trọng. Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ và các cấp ủy đảng, chính quyền đã thực sự quan tâm trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác dân vận. Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo sâu sát công tác dân vận trong tình hình mới.
Sau Đại hội Đảng, cả hệ thống dân vận các cấp đã được củng cố kiện toàn, đội ngũ cán bộ tham mưu công tác dân vận ngày càng được nâng cao trình độ chuyên môn, đội ngũ từng bước được đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao.
Bên cạnh đó, nhận thức của cả hệ thống chính trị đối với vị trí, vai trò của công tác dân vận được nâng lên. Chính quyền các cấp chú trọng đến công tác tuyên truyền, vận động nhân dân trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, triển khai thực hiện tốt công tác an sinh- xã hội…
Trong năm 2017, Ban Dân vận Trung ương sẽ đẩy mạnh triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII. Đây cũng là năm thứ 2 thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2016 - 2021), năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Ngành Dân vận tiếp tục thực hiện đầy đủ và sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về Dân vận và công tác dân vận gắn với thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội XII của Đảng về “Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác dân vận, tăng cường quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân”…
Đồng tình với báo cáo tổng kết của Ban Dân vận Trung ương, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã làm rõ hơn kết quả chỉ đạo công tác dân vận của cơ quan Nhà nước và chương trình phối hợp công tác giữa Ban Cán sự Đảng Chính phủ với Ban Dân vận Trung ương thời gian qua, góp phần tạo chuyển biến mạnh mẽ về công tác dân vận trong cơ quan Nhà nước, ổn định tình hình đất nước, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng Đinh Thế Huynh yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị và cá nhân cán bộ lãnh đạo, quản lý từ Trung ương đến cơ sở cần nghiêm túc, tự giác và có kế hoạch, biện pháp thực hiện có hiệu quả công tác dân vận.
Trước hết, tập trung giải quyết kịp thời, có hiệu quả những bức xúc, chính đáng của nhân dân, làm cho nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.
Ngay sau khi kiện toàn bộ máy, các cơ quan của Đảng, Nhà nước đã có các chương trình hành động, chỉ đạo quyết liệt giải quyết những công việc của đất nước và nhân dân, khắc phục những hạn chế, yếu kém trong bộ máy chính quyền, những vướng mắc trong giải quyết công việc của dân, của doanh nghiệp.
Các cấp, các ngành địa phương, đơn vị tập trung giải quyết những bức xúc, nguyện vọng chính đáng của nhân dân, nhất là những vấn đề liên quan trực tiếp đến đời sống, việc làm, đền bù thu hồi đất đai, tai nạn giao thông, phòng chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí…
Ông Đinh Thế Huynh nhấn mạnh: Các cấp ủy, tổ chức Đảng phải coi trọng và thực sự dựa vào dân để xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn xác định cách mạng là sự nghiệp của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.
Vì vậy, trong thời gian tới cần có nhiều phương thức, hình thức vận động các tầng lớp nhân dân tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện Quyết định 217, 218 của Bộ Chính trị về Quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội và Quy định về việc MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền nhất là tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 về tăng cường xây dựng, chính đốn Đảng; ngăn chặn,đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “Tự diễn biến”, “Tự suy thoái” trong nội bộ. Thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”.
Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ và các tổ chức đoàn thể, chính trị - xã hội, các hội quần chúng đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Đổi mới hướng mạnh về cơ sở, thực hiện tốt vai trò người đại diện, bảo vệ lợi ích chính đáng, hợp pháp của đoàn viên, hội viên và nhân dân.
Chú trọng xây dựng và nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến, cách làm hay trong thực hiện giám sát và phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.
Nhân dịp này, Ban Dân vận Trung ương cũng tổ chức trao Huân chương lao động hạng Nhì cho ông Nguyễn Thế Trung, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương. Ông Lò Văn Giàng, nguyên Phó trưởng Ban Dân vận Trung ương được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba.
Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại hội nghị. Tại hội nghị tổng kết, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân đã kiến nghị 4 nội dung: Thứ nhất: Trên cơ sở Nghị quyết Trung ương 4 khóa 12, đề xuất Ban Dân vận Trung ương chủ trì phối hợp với MTTQ Việt Nam kiến nghị quy trình giám sát đối với tổ chức Đảng, Đảng viên. Thứ hai: Cần có cơ chế, kế hoạch, định mức bố trí kinh phí phù hợp cho hoạt động giám sát và phản biện. Thứ ba: Cần có hình thức phù hợp để đưa các thông tin kết quả giám sát, phản biện đến với nhân dân. Thứ tư: Cần quy định rõ thời hạn các cơ quan, đơn vị khi nhận được văn bản kiến nghị của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội phải có trách nhiệm giải quyết và trả lời chính thức, đưa vào Nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam quy định chi tiết Điều 27, Điều 34 của Luật MTTQ Việt Nam. |