Tiếp tục gỡ khó cho nhà ở xã hội

Kim Xuân 23/06/2023 08:47

Tính đến nay cả nước đã hoàn thành 41 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị với quy mô xây dựng khoảng 19.516 căn. Hiện các địa phương đang tiếp tục triển khai 294 dự án với quy mô xây dựng khoảng 288.499 căn. Nhu cầu nhà ở xã hội vẫn đang rất bức thiết...

Với nhiều công nhân, người lao động, nhu cầu nhà ở xã hội đang rất bức thiết. Ảnh: Quang Vinh.

Thời gian qua, nhà ở xã hội là một trong những vấn đề thu hút sự quan tâm rất lớn của dư luận. Nhu cầu nhà ở xã hội với nhiều người trẻ, nhất là công nhân trong các khu công nghiệp luôn là vấn đề bức thiết. Theo số liệu các địa phương rà soát đăng ký gửi Bộ Xây dựng là khoảng 1,8 triệu căn hộ, nhưng từ nay đến năm 2030 cần tập trung giải quyết được ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội.

Tuy nhiên, với điều kiện kinh tế, xã hội như hiện nay, để giải quyết được mục tiêu 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cũng không đơn giản và nguồn cung nhà ở xã hội vẫn là bài toán chưa có lời giải.

Thực tế đã có nhiều chính sách về nhà ở xã hội được ban hành như cho vay với lãi suất ưu đãi, miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; miễn, giảm thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp... Tuy nhiên, các chính sách đưa ra chưa giải quyết được vấn đề cốt lõi là vừa đảm bảo lợi nhuận cho chủ đầu tư vừa có giá nhà hợp lý cho những người được hưởng thụ.

Theo Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) Hoàng Hải, mặc dù các bộ, ngành địa phương đã tập trung triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhưng để thúc đẩy hoàn thành tốt mục tiêu Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030” cần chú trọng việc hoàn thiện hành lang pháp lý.

Và một trong những trọng tâm đặt ra là các bộ, ngành tiếp tục phối hợp với cơ quan của Quốc hội để hoàn thiện, ban hành Luật Nhà ở (sửa đổi) đồng bộ với Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Đấu thầu (sửa đổi), pháp luật về thuế; trong đó, tập trung sửa đổi các cơ chế chính sách về nhà ở xã hội với những quy định cụ thể về đối tượng, điều kiện thụ hưởng...

Cùng đó là việc quy hoạch, dành quỹ đất phát triển nhà ở xã hội, lựa chọn chủ đầu tư, trình tự thủ tục thực hiện dự án; các cơ chế chính sách ưu đãi của nhà nước…; đồng thời có chính sách riêng về nhà lưu trú công nhân, nhà ở dành cho lực lượng vũ trang để có cơ chế khuyến khích, ưu đãi phát triển.

Ngoài ra, liên bộ, ngành cần chỉ đạo, phối hợp hướng dẫn các địa phương, tổ chức tín dụng cho vay, giải ngân nhanh chóng, đúng trọng tâm, trọng điểm, đúng đối tượng đối với các doanh nghiệp, dự án bất động sản đủ điều kiện theo đúng quy định của pháp luật; ưu tiên danh mục cho vay dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đảm bảo an sinh, xã hội.

Theo ông Hải, các địa phương cần rà soát dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo xây dựng lại chung cư, trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Xây dựng và Ngân hàng Nhà nước. Từ đó, lập danh mục dự án xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân (nhà ở xã hội tại khu công nghiệp), cải tạo, xây dựng lại chung cư để công bố công khai trên cổng thông tin điện tử của UBND cấp tỉnh để các ngân hàng có cơ sở áp dụng cho vay theo gói tín dụng ưu đãi 120.000 tỷ đồng.

Cùng với cơ chế, giải pháp cụ thể, rút ngắn thủ tục hành chính về lập, phê duyệt dự án, giao đất, cho thuê đất, giải phóng mặt bằng, thủ tục đầu tư xây dựng..., cần cân đối bố trí ngân sách địa phương để khuyến khích, ưu đãi thêm để hỗ trợ, khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp lớn, uy tín trong lĩnh vực bất động sản tham gia và triển khai đầu tư xây dựng dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, tạo nguồn cung cho thị trường...

Theo bà Hà Thu Giang - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước), cần một giải pháp tổng thể gỡ vướng cho nhà ở xã hội. Dòng vốn vào thị trường bất động sản đến từ nhiều nguồn (chủ đầu tư, nguồn mua nhà…), vốn ngân hàng chỉ là một phần thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội. Về phía ngành ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước đã và đang triển khai thêm gói 120.000 tỷ đồng, rất sẵn sàng và tích cực, mong muốn là sớm giải ngân được cho các đối tượng.

Thời gian qua, đã có nhiều chính sách về nhà ở xã hội đã được ban hành như cho vay với lãi suất ưu đãi, miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; miễn, giảm thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp... Tuy nhiên, các chính sách đưa ra chưa giải quyết được vấn đề cốt lõi là vừa đảm bảo lợi nhuận hợp lý cho chủ đầu tư vừa có giá nhà hợp lý cho những người được hưởng thụ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tiếp tục gỡ khó cho nhà ở xã hội

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO