Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (Eourocham) cho biết, hơn một nửa doanh nghiệp được khảo sát sẽ tăng cường đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam trong thời gian tới.
Nhiều nhà đầu tư lựa chọn Việt Nam
Theo nhiều tổ chức quốc tế, Việt Nam tiếp tục là điểm đến mà các nhà đầu tư nước ngoài lựa chọn. Ông Thue Quist Thomasen - Giám đốc điều hành Decision Lab (Công ty Nghiên cứu thị trường) cho biết: “Việt Nam đang có dấu hiệu phục hồi. Bán lẻ và du lịch tăng trưởng mạnh mẽ thúc đẩy nền kinh tế phát triển. Tăng trưởng FDI cũng mang lại sự lạc quan, củng cố vị thế của Việt Nam như một trung tâm kinh doanh toàn cầu”.
Thống kê của Eourocham chỉ rõ, sức hấp dẫn đầu tư toàn cầu của Việt Nam vẫn mạnh mẽ, 63% doanh nghiệp (DN) được khảo sát đã xếp Việt Nam vào top 10 điểm đến cho nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) hàng đầu. Đáng chú ý, 31% xếp Việt Nam vào top 3, trong đó 16% ca ngợi Việt Nam là điểm đến đầu tư hàng đầu. Hơn một nửa số người được khảo sát dự đoán sẽ tăng cường đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam khi năm 2023 gần kết thúc. Đại diện Eurocham cho biết thêm, chỉ số niềm tin kinh doanh được thực hiện hàng quý cho biết, xu hướng tăng trở lại trong trong quý III năm 2023, đem tới tia hy vọng cho môi trường kinh doanh của Việt Nam sau một năm đầy biến động. Cụ thể, chỉ số niềm tin trong quý 3/2023 đã tăng lên 45,1, từ mức 43,5 của quý trước. Mặc dù, con số vẫn ở mức dưới 50 điểm trong 4 quý liên tiếp nhưng mức tăng nhỏ này đã cho thấy một dấu hiệu tích cực trong nền kinh tế.
Ông Gabor Fluit - Chủ tịch EuroCham cho biết: “Gần 1/3 thành viên của chúng tôi xếp hạng Việt Nam là một trong 3 địa điểm đầu tư hàng đầu. Điều này gửi đi một thông điệp mạnh mẽ về niềm tin của chúng tôi vào mối quan hệ hợp tác này. Tuy nhiên, vẫn còn những thách thức, đặc biệt đối với xuất khẩu và bất động sản”. Ông Gabor Fluit cho rằng, để đạt được tiến bộ, giải quyết các gánh nặng hành chính, quy định không rõ ràng và các rào cản về cấp phép là rất quan trọng. Việc đơn giản thủ tục hành chính cần được các địa phương quyết tâm thực hiện.
Trong cuộc đua đầu tư vào Việt Nam đã xuất hiện nhiều tên tuổi lớn từ Hoa Kỳ, Pháp... Mới đây, Tập đoàn Boeing cũng đã đến TPHCM tìm kiếm cơ hội mở rộng đầu tư các cơ sở cung cấp nguyên liệu, xây dựng trung tâm kỹ thuật. Ông Maxime Dourdan – Giám đốc Phát triển chuỗi cung ứng của Boeing khu vực Đông Nam Á, Nhật Bản và Hàn Quốc nhận định, so với Nhật Bản, Hàn Quốc thì Việt Nam có lợi thế hơn hẳn về chi phí sản xuất. Ngoài ra, năng lực sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ của các DN Việt Nam được cải thiện đáng kể trong những năm gần đây. Bằng chứng cho thấy, nhiều DN Việt có mặt trong chuỗi cung ứng toàn cầu của các tập đoàn lớn như: Intel, Samsung, Sanyo,... Dựa trên những yếu tố thuận lợi trên Tập đoàn Boeing xem xét hợp tác và đầu tư tại Việt Nam.
Cần tiếp tục gỡ rào cản
Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho hay, tính đến cuối tháng 9, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 20,21 tỷ USD, tăng 7,7% so với cùng kỳ. Cụ thể, có 2.254 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (tăng 66,3% so với cùng kỳ), tổng vốn đăng ký đạt hơn 10,23 tỷ USD (tăng 43,6% so với cùng kỳ). Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18/21 ngành kinh tế quốc dân. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt hơn 14 tỷ USD, chiếm gần 69,3% tổng vốn đầu tư đăng ký và tăng 15,5% so với cùng kỳ. Các ngành tài chính ngân hàng, bán buôn, bán lẻ xếp thứ 3 và 4 với tổng vốn đăng ký đạt lần lượt gần 1,54 tỷ USD (gấp gần 63,8 lần) và gần 734 triệu USD (tăng 18,7%).
Ông Trần Quốc Phương - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định, Chính phủ Việt Nam ban hành Chiến lược hợp tác đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021 – 2030, trong đó, tập trung thu hút lượng lớn FDI. Theo ông Phương, một trong những giải pháp quan trọng cần thu hút vốn FDI chính là xây dựng thể chế, chính sách vượt trội và phù hợp. Bên cạnh đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang phối hợp với các bên liên quan thực hiện giải pháp về phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế. Trong đó, có việc nghiên cứu đề xuất xây dựng Luật Khu công nghiệp, khu kinh tế trình cấp có thẩm quyền trong thời gian tới.
Chiến lược hợp tác đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021 – 2030 đặt mục tiêu nâng cao tỷ lệ vốn đầu tư đăng ký của các quốc gia và vùng lãnh thổ lên hơn 70% trong giai đoạn 2021 - 2025 và 75% trong giai đoạn 2026-2030; tăng 50% số lượng tập đoàn đa quốc gia thuộc nhóm 500 tập đoàn lớn nhất thế giới. Đến năm 2030 nằm trong nhóm 3 quốc gia dẫn đầu ASEAN và nhóm 60 quốc gia đứng đầu thế giới theo xếp hạng môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới.