Trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam Ngọ Duy Hiểu khẳng định, người lao động là tài sản vô giá. Vì vậy, công tác chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động vô cùng quan trọng.
PV: Trong những năm qua Công đoàn Việt Nam (CĐVN) đã có nhiều nỗ lực đáng ghi nhận trong chăm lo cho đời sống của đoàn viên, người lao động. Ông có thể cho biết một số điểm nhấn chính của công tác này?
Ông Ngọ Duy Hiểu: Một trong những chức năng cơ bản, trọng tâm của tổ chức CĐVN đó là đại diện cho người lao động (NLĐ), chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ. Để thực hiện tốt chức năng này, CĐVN tích cực tham gia xây dựng chính sách, pháp luật liên quan đến NLĐ và tổ chức Công đoàn. Điển hình như đề xuất, tham mưu Đảng, Nhà nước ban hành nhiều chủ trương, chính sách quan trọng như: Nghị quyết số 02 ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị về đổi mới tổ chức và hoạt động của CĐVN trong tình hình mới; tham gia xây dựng Chỉ thị số 37 ngày 3/9/2019 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong tình hình mới… hàng trăm văn bản pháp luật khác liên quan đến quyền lợi của NLĐ.
Tổng LĐLĐ Việt Nam tích cực tham gia quá trình đàm phán các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Trong giai đoạn 2018 - 2023, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã đề xuất nâng mức lương tối thiểu tăng 25,34%, năm 2024 dự kiến sẽ tăng thêm 6%, góp phần cải thiện đời sống đoàn viên, NLĐ.
Các cấp Công đoàn chủ động đề xuất, tham mưu, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức hiệu quả các cuộc đối thoại, diễn đàn từ cấp Trung ương đến cơ sở, cụ thể như: Định kỳ tổ chức chương trình Thủ tướng Chính phủ gặp gỡ, đối thoại với công nhân, lao động và cán bộ công đoàn, phối hợp với Đoàn đại biểu Quốc hội các địa phương tổ chức tiếp xúc cử tri chuyên đề với công nhân lao động. Qua các hoạt động trên, nhiều kiến nghị, ý kiến, tâm tư, nguyện vọng, bức xúc của công nhân, lao động, các cấp công đoàn được ghi nhận, giải quyết.
Công đoàn đã có nhiều hoạt động chăm lo NLĐ, nhưng để hoạt động này đi vào thực chất, Công đoàn các cấp đã triển khai những nhiệm vụ gì, thưa ông?
- Điều này đòi hỏi trách nhiệm, sự tận tâm của các cán bộ Công đoàn. Song, bên cạnh đó còn phải kể đến công tác tham gia kiểm tra, thanh tra, giám sát, phản biện xã hội tập trung vào các nội dung liên quan trực tiếp đến việc thực hiện chế độ, chính sách, quy định pháp luật đối với đoàn viên, NLĐ, tổ chức Công đoàn. Thí dụ như Công đoàn các cấp đã chủ động đề xuất, phối hợp với ngành lao động, bảo hiểm xã hội, y tế, MTTQ, thanh tra tổ chức giám sát, kiểm tra, thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với NLĐ. Chương trình phối hợp giám sát giữa Tổng Liên đoàn với UBTƯ MTTQ Việt Nam, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam được duy trì thường xuyên, góp phần nâng cao tính đại diện, bảo vệ quyền lợi NLĐ của tổ chức Công đoàn.
Thông qua hoạt động tham gia giám sát, thanh tra, kiểm tra, nhiều hạn chế, bất cập, vi phạm trong quá trình thực hiện chính sách, pháp luật được phát hiện, chấn chỉnh, xử lý kịp thời; nhiều kiến nghị sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật được các cấp công đoàn đề xuất, đồng thời trực tiếp thông tin, hướng dẫn, giải đáp về pháp luật cho cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, góp phần bảo vệ quyền lợi hợp pháp của đoàn viên, NLĐ, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Giai đoạn 2018 - 2023, các cấp Công đoàn đã thực hiện kiểm tra 890.432 cuộc, giám sát 166.263 cuộc, hơn 27.000 người được giải quyết về lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, trợ cấp thôi việc; tổng số tiền bồi thường, hỗ trợ là hơn 113 tỷ đồng.
Quan hệ giữa chủ sử dụng lao động và NLĐ là sự hợp tác nhưng cũng phát sinh những mâu thuẫn. Vậy Công đoàn đã làm gì để hài hòa giữa lợi ích của doanh nghiệp và NLĐ?
- Tổng LĐLĐ Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản góp ý, kiến nghị, đề xuất với Đảng, Nhà nước về xây dựng cơ chế, chính sách, pháp luật bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của cả NLĐ và người sử dụng lao động, nổi bật là Bộ luật Lao động năm 2019, Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong thời gian dịch Covid-19 bùng phát và phục hồi giai đoạn hậu Covid-19, khủng hoảng kinh tế… Công đoàn các cấp đã chủ động đề xuất với cấp ủy, tham gia với chính quyền, chuyên môn cùng cấp xây dựng cơ chế, chính sách thuộc địa phương, ngành, đơn vị, doanh nghiệp để mang lại quyền lợi tốt hơn cho các bên trong quan hệ lao động.
Việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại các cấp đã có sự chuyển biến tích cực, chất lượng và hiệu quả được cải thiện, từ đó giúp NLĐ hiểu tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, cùng chia sẻ khó khăn và bàn các giải pháp tăng năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, cải thiện điều kiện làm việc, thu nhập cho NLĐ, doanh nghiệp phát triển ổn định. Công đoàn cũng tham gia giải quyết hoặc hỗ trợ giải quyết 788 cuộc tranh chấp lao động dẫn đến ngừng việc tập thể. Với sự tham gia tích cực của các cấp công đoàn, hầu hết các yêu cầu của NLĐ đã được người sử dụng lao động giải quyết.
Trân trọng cảm ơn ông!