Ngày 22/4, tại TPHCM, Bộ Công thương tổ chức Hội nghị phát triển thị trường trong nước, kích cầu tiêu dùng. Hội nghị hướng đến tìm kiếm các giải pháp kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy sức mua nội địa trong bối cảnh xuất khẩu gặp nhiều khó khăn và áp lực tăng trưởng GDP cao.
Dư địa thị trường trong nước rất lớn
Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho hay, tổng mức bán lẻ hàng hóa năm 2024 ước đạt 6.391 nghìn tỷ đồng, tăng 9% so với năm 2023. Điển hình, tại Hà Nội, tổng mức bán lẻ hàng hóa đạt 853,3 nghìn tỷ đồng (tăng 10,8%) và TPHCM đạt hơn 1,2 triệu tỷ đồng (tăng 10,5%), trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa chiếm gần 47%. Những con số này cho thấy, sức mua nội địa vẫn đang phục hồi và dư địa thị trường còn rất lớn.
Theo nhận định của Bộ Tài chính, quy mô thị trường bán lẻ Việt Nam năm 2024, ước đạt khoảng 190 tỷ USD. Trong đó, bán lẻ truyền thống vẫn chiếm ưu thế với 75%, bán lẻ hiện đại chiếm khoảng 20%, còn lại là thương mại điện tử với 5%. Còn theo Bộ Công thương, đến cuối năm 2024, cả nước có 8.274 chợ truyền thống, 1.293 siêu thị, 276 trung tâm thương mại và gần 7.000 cửa hàng tiện lợi. Hạ tầng thương mại ngày càng được cải thiện, song song với đô thị hóa và phát triển cơ sở hạ tầng tại các địa phương. Các tập đoàn bán lẻ lớn từ nước ngoài như Aeon (Nhật Bản), Lotte (Hàn Quốc)... liên tục mở rộng đầu tư, trong khi các nền tảng thương mại điện tử như Shopee, Tiki, Lazada cũng gia tăng thị phần tại Việt Nam. Ở trong nước, các doanh nghiệp (DN) như: Saigon Co.op, Bách Hóa Xanh, Wincommerce cũng đang không ngừng mở rộng mạng lưới phân phối, góp phần hiện đại hóa ngành bán lẻ nội địa.
Mặc dù dư địa của thị trường bán lẻ nội lớn song vẫn đối diện không ít khó khăn. Ông Nguyễn Xuân Minh – đại diện Bộ Tài chính cho rằng, sức mua có phục hồi nhưng người dân vẫn có xu hướng tiết kiệm, do thu nhập thực tế chưa tăng tương xứng với áp lực chi tiêu. Bên cạnh đó, DN vẫn khó tiếp cận tín dụng, giá nguyên vật liệu đầu vào cao, hạ tầng logistics chưa hoàn thiện, thủ tục hành chính còn nhiều điểm nghẽn...
Nhìn từ thực tế thị trường, ông Trần Hữu Linh - Cục trưởng Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước (Bộ Công thương) khẳng định: “Có nhiều lý do khiến xuất khẩu trong nước gặp khó khăn. Đơn cử, thị trường kinh tế các nước diễn biến khó lường, việc Mỹ áp thuế quan mới ảnh hưởng lớn đến xuất khẩu. Trong khi đó, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng 8%, đặc biệt Chính phủ giao doanh thu bán lẻ của thị trường nội địa phải tăng trưởng 12%. Chính phủ cho rằng, phải coi thị trường nội địa là động lực tăng trưởng GDP bền vững từ đó gia tăng xuất khẩu. Bộ Công thương đang tìm các giải pháp kích cầu tiêu dùng và phát triển thị trường nội địa”.
Tiếp tục gỡ khó
Để đạt mục tiêu tăng trưởng tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ở mức 12%, theo Chỉ thị số 08 của Bộ trưởng Bộ Công thương ban hành, các DN hoạt động trong lĩnh vực bán lẻ sẽ rất cần có các chính sách hỗ trợ từ Chính phủ và Bộ Công thương cũng như các Bộ, ban, ngành liên quan để kích cầu tiêu dùng. Trong đó, rất cần các chính sách hỗ trợ dài hạn cho mục tiêu tăng trưởng và phát triển bền vững. Theo đó, cần xây dựng và liên kết hệ thống hạ tầng bán lẻ hiện đại, phát triển hệ thống logistics nội địa giúp tạo nền tảng vững chắc cho hoạt động phân phối, giảm chi phí trung gian và tiếp cận người tiêu dùng nhanh chóng hơn. Về chính sách thuế phí, lãi suất và hỗ trợ tài chính – tín dụng có thể thấy, chính sách giảm 2% thuế VAT đối với một số mặt hàng hóa, dịch vụ, mang lại sự hỗ trợ rất lớn cho các DN nói chung và DN bán lẻ nói riêng. Nhờ có chính sách hỗ trợ này, giá bán hàng hóa, dịch vụ cho người tiêu dùng giảm, sức mua của người tiêu dùng tăng, DN bán lẻ dễ dàng tiếp cận khách hàng. Vì vậy, tiếp tục duy trì dài hạn các chính sách hỗ trợ quan trọng này....
Theo ông Nguyễn Xuân Minh, Chính phủ đã đưa ra nhiều chính sách kích cầu mạnh mẽ từ đầu năm 2025 đến nay, như giảm 2% thuế VAT, giảm thuế nhập khẩu một số nhóm hàng, giảm tiền thuê đất 30%... Các biện pháp này được đánh giá là thiết thực và kịp thời để hỗ trợ DN vượt qua khó khăn, giảm giá thành hàng hóa và tăng khả năng tiếp cận tiêu dùng. Về phía ngành ngân hàng, bà Lê Thị Thư – Trưởng phòng Tổng hợp Ngân hàng Nhà nước cho biết, hệ thống ngân hàng đã chủ động điều chỉnh lãi suất cho vay, nhất là với lĩnh vực tiêu dùng… nhằm đưa nguồn vốn giá rẻ đến tay DN, người dân, từ đó thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng nội địa.
Bộ Công thương cũng khẳng định, tiếp tục làm cầu nối giữa Chính phủ, DN và người tiêu dùng. Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ DN nhỏ và vừa, đồng thời, đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực thương mại để bắt kịp xu thế toàn cầu.
“Việc phát triển thị trường trong nước không chỉ là nhiệm vụ riêng của ngành công thương. Đây là một chuỗi liên kết giữa các mắt xích sản xuất – phân phối – tiêu dùng – tài chính – quản lý nhà nước. Muốn thị trường phát triển bền vững, phải có sự phối hợp đồng bộ của tất cả các bên” - ông Trần Hữu Linh nêu quan điểm.